Tạo thế và lực để Quảng Ninh cùng đất nước bước vào giai đoạn mới
Ngày 5.12 tới đây, Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Quảng Ninh Khóa XIV sẽ chính thức bước vào chương trình nghị sự được đông đảo cử tri, Nhân dân toàn tỉnh đón đợi. Là kỳ họp quan trọng, những quyết nghị của HĐND tỉnh đều là những vấn đề rất lớn, cần thiết, không chỉ bảo đảm cho sự ổn định, đổi mới, phát triển của tỉnh trong năm 2025, mà còn có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV; tạo thế và lực để Quảng Ninh cùng đất nước bước vào giai đoạn mới.
Nhiều kết quả tích cực và thách thức đan xen
Có thể khẳng định, Quảng Ninh đã bước vào triển khai nhiệm vụ năm 2024 trong bối cảnh có nhiều thuận lợi khi tiếp nối thành quả giữ vững đà tăng trưởng 9 năm liên tiếp (2015 - 2023) song cũng đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Nhất là bất ổn của tình hình thế giới, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Địa phương vừa tiếp tục tập trung giải quyết những vấn đề phức tạp mới phát sinh, vừa phải xử lý, khắc phục các yếu kém, tồn đọng, khuyết điểm đã được chỉ ra; đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh có nhiều biến động… Cùng với đó, cơn bão số 3 (Yagi) càn quét qua địa bàn đã tàn phá nặng nề các hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống Nhân dân. Tất cả đã đặt ra thách thức vô cùng lớn cho việc phục hồi và phát triển kinh tế để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển.
Mặc dù vậy, toàn tỉnh giữ vững đoàn kết, thống nhất về ý chí và hành động, chủ động, linh hoạt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế, chính sách thiết thực, khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024 gắn với chủ đề công tác “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”, với nhiều kết quả tích cực, nổi bật.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, đến thời điểm này, tổng thu ngân sách nhà nước dự kiến đạt 100% dự toán, thu hút FDI đạt hơn 2 tỷ USD nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước... Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng chính, tăng 20,45%, cao hơn 4,05 điểm % so với cùng kỳ. Tổng khách du lịch trên địa bàn tỉnh đạt 19 triệu lượt, tăng 20% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế đạt 3,5 triệu lượt. Tổng thu du lịch ước đạt 46.460 tỷ đồng, tăng 38%... Song song đó, nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội và con người có nhiều mặt tiến bộ; an sinh xã hội được đặc biệt quan tâm…
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh cũng còn những tồn tại, hạn chế cần quan tâm khắc phục. Trong đó, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, tính đến ngày 22.11.2024, mới đạt 48.480 tỷ đồng (bằng 84% dự toán tỉnh giao, bằng 101% cùng kỳ). Để hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách năm 2024 rất khó khăn, còn phải thu khoảng 7.120 tỷ đồng trong khoảng thời gian còn lại của năm 2024. Cùng với đó, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực, nhất là quản lý đất đai, đầu tư công, tài chính, ngân sách... của một số địa phương, sở, ngành còn hạn chế. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cũng là một nội dung cần tập trung tháo gỡ khi tỉnh mới chỉ đạt 43,8% kế hoạch vốn, giải ngân vốn kéo dài chỉ đạt 25,7%. Tổng vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và thu hút vốn đầu tư trong nước ngoài ngân sách chưa đạt mục tiêu đề ra…
Kỳ vọng những quyết sách bảo đảm sự ổn định, đổi mới, phát triển
Trước những kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế còn hiện hữu nói trên, Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Quảng Ninh Khóa XIV có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm đánh giá toàn diện kết quả đã đạt được trong năm 2024; thống nhất nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 - năm “về đích” thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Sau thời gian chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, đến thời điểm này, các điều kiện bảo đảm thành công cho kỳ họp đã sẵn sàng.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Vi Ngọc Bích, dự kiến diễn ra trong 2 ngày (từ ngày 5 - 6.12), kỳ họp sẽ tập trung thảo luận nhiều nội dung quan trọng, trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, có các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; dự toán thu NSNN, chi ngân sách địa phương, phương án phân bổ dự toán chi ngân sách cấp tỉnh và cơ chế, biện pháp điều hành ngân sách địa phương năm 2025… HĐND tỉnh sẽ nghe và cho ý kiến vào 22 báo cáo kết quả công tác và các báo cáo chuyên đề của năm 2024; nghe các tờ trình, thảo luận và xem xét thông qua 21 nghị quyết, trong đó có một số nghị quyết quan trọng có tác động lớn tới việc phát triển kinh tế - xã hội.
Cũng tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ thảo luận, quyết định ban hành một số cơ chế, chính sách, biện pháp điều hành về tài chính, ngân sách, đầu tư công; xây dựng chính quyền, tổ chức bộ máy biên chế... Đáng chú ý, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn cũng sẽ được HĐND tỉnh đổi mới theo hướng nội dung hỏi và trả lời ngắn gọn, đi thẳng vào trọng tâm của vấn đề; tăng cường tranh luận về các nội dung được chất vấn để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, đề ra các giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế…
Trước thềm kỳ họp, đông đảo cử tri, Nhân dân trong toàn tỉnh kỳ vọng, bằng sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, tinh thần và sức mạnh “kỷ luật và đồng tâm”, phát huy dân chủ, giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh; Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, chủ động vượt qua mọi trở ngại. Qua đó, kiên trì, nỗ lực phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển năm 2025 - là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV; cũng là năm tăng tốc, bứt phá, về đích của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.