Tạo sức hút cho phim hoạt hình

Công nghệ số phát triển không ngừng đang mở ra nhiều cơ hội cho phim hoạt hình. Với Việt Nam, đây cũng được coi là một trong những lĩnh vực tiềm năng để đặt dấu mốc trên bản đồ phim hoạt hình thế giới.

Cảnh trong phim hoạt hình 3D “Trạng Quỳnh nhí nhố” của đạo diễn Trịnh Lâm Tùng. Ảnh: Bảo Anh.

Cảnh trong phim hoạt hình 3D “Trạng Quỳnh nhí nhố” của đạo diễn Trịnh Lâm Tùng. Ảnh: Bảo Anh.

Những tín hiệu lạc quan

Thống kê của Cục Điện ảnh, khoảng 10 năm gần đây, sự tăng trưởng của phim hoạt hình Việt Nam khá tốt, mang lại 15% doanh thu của điện ảnh. Đáng chú ý, ngày càng xuất hiện nhiều bộ phim có đề tài lịch sử. Năm 2023, hãng phim Hoạt hình Việt Nam hoàn thành 11 bộ phim, trong đó có 3 phim hoạt hình lịch sử thời lượng 30 phút/phim gồm: “Đinh Tiên Hoàng Đế” - phim cắt giấy vi tính, “Tiếng cồng núi nưa” - phim 2D; “Anh hùng núi Tản” - phim 3D.

Có thể nói, phim hoạt hình đã có những đóng góp tích cực đối với thị trường chung của điện ảnh trong nước. Theo Chủ tịch Liên minh sáng tạo nội dung số Việt Nam (DCCA) Tạ Mạnh Hoàng, Việt Nam có khoảng 200 công ty, studio lớn nhỏ có thể tham gia hoạt động sản xuất phim hoạt hình ở các mức độ khác nhau. Năng lực sản xuất hoạt hình đạt những thành tựu đáng kể, đặc biệt là đảm nhiệm gia công sản xuất phim hoạt hình cho nhiều studio lớn trên thế giới.

Ngày càng có nhiều công ty khởi nghiệp đầu tư sản xuất phim hoạt hình một cách chỉn chu và chuyên nghiệp, ứng dụng những công nghệ hàng đầu trên thế giới. Nhiều nhà làm phim Việt đã bắt đầu mạnh dạn hơn trong việc đầu tư phim hoạt hình về cả nội dung và hình thức. Đã có những bộ phim hoạt hình ra rạp và chinh phục được nhiều khán giả Việt. Điển hình có thể kể đến phim “Wolfoo và hòn đảo kỳ bí”.

Trước “Wolfoo và hòn đảo kỳ bí”, một số dự án như “Tôi là Bê-tô” (chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh) hay “Dưới bóng cây: Hành trình trở về” (thực hiện bởi Colory Animation Studio) đã được đặt nhiều kỳ vọng khi trình làng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà các tác phẩm này vẫn chưa thể ra mắt trên màn ảnh rộng. Đây là một điều đáng tiếc.

Sự bùng nổ của công nghệ số thời gian qua đã và đang hỗ trợ đắc lực cho nhiều xưởng hoạt hình Việt cho ra đời các sản phẩm chinh phục được thị trường quốc tế như Mỹ, châu Âu. Cùng với đó, các nhà sản xuất cũng có nhiều nỗ lực đổi mới hình thức, nội dung để đáp ứng được nhu cầu, sở thích của các khán giả nhỏ tuổi ở khắp nơi trên thế giới.

Theo các chuyên gia, việc tích hợp trí tuệ nhân tạo vào quy trình sản xuất hoạt hình đang cách mạng hóa ngành công nghiệp sáng tạo này. Các thuật toán được hỗ trợ bởi AI có thể giúp đẩy nhanh và hiệu quả việc sản xuất hoạt hình. Các thuật toán của AI cũng cho phép diễn hoạt ảnh thích ứng và phát triển dựa trên tương tác của người dùng, khiến chúng có tính tương tác và cá nhân hóa hơn.

Sẽ không chỉ thu hút trẻ em

Ông Nguyễn Minh Hồng - Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam cho rằng, ngành công nghiệp hoạt hình đang trải qua những thay đổi mạnh mẽ khi các đơn vị cho ra đời nhiều sản phẩm đáp ứng thị trường quốc tế và đạt được nhiều thành tựu. Tuy nhiên, nhìn ra thế giới, hoạt hình của chúng ta vẫn còn nhiều thứ phải làm để khẳng định vị thế trên bản đồ phim hoạt hình thế giới.

Theo nhận định của một số chuyên gia, sở dĩ phim hoạt hình trong nước vẫn thua kém so với các thể loại khác là bởi thiếu kịch bản, thiếu nhân lực, nguồn kinh phí… trong khi công nghệ đã cũ kỹ, lạc hậu.

Ông Hồng cho rằng, phim hoạt hình Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức về kinh phí đầu tư rất lớn, không kém so với các phim điện ảnh người đóng. Cùng với đó là vấn đề nhân sự, có quá nhiều đội ngũ sản xuất nhiều khâu của phim hoạt hình, nên phải phối hợp ăn ý mới có sản phẩm tốt. Vấn đề nữa là phim hoạt hình Việt Nam chưa thể gây sốt về doanh thu như phim nước ngoài.

Đồng quan điểm, bà Trần Thị Lan Chi - Giám đốc phân phối nội dung tại Sconnect Việt Nam nhận định, ngành công nghiệp hoạt hình Việt Nam gặp thách thức khi phát triển quá nhanh mà nguồn nhân lực không đủ.

Để vượt qua những thách thức, theo ông Hồng, phim hoạt hình phải đồng hành với các nhãn hàng, tạo ra một hệ sinh thái xung quanh thì mới phát triển bền vững được.

Bên cạnh ứng dụng công nghệ để hỗ trợ phát triển thì phim hoạt hình Việt Nam cũng phải tính đến việc thu hút đông đảo khán giả nhiều lứa tuổi chứ không chỉ là trẻ em. Bởi hiện nay, phim hoạt hình phản ánh sự đa dạng văn hóa và phong phú về nội dung, từ những câu chuyện giáo dục cho trẻ nhỏ đến những tác phẩm mang tính triết lý sâu sắc dành cho người lớn. Sự thay đổi này không chỉ tạo nên những trải nghiệm phong phú hơn cho khán giả mà còn thúc đẩy sự sáng tạo không ngừng của các nhà làm phim.

Đạo diễn, NSND Nguyễn Hà Bắc cho rằng, để phim hoạt hình Việt Nam khởi sắc thì ngoài sự đầu tư của Nhà nước cũng rất cần sự chung sức của các đơn vị tư nhân. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần đầu tư một số phim có thủ pháp nghệ thuật hiện đại độc đáo hơn, mang đậm hồn dân tộc để đi thi đấu với nước ngoài. Nếu có những bộ phim đi dự thi ở quốc tế sẽ nhận được sự đánh giá khách quan hơn; tạo động lực để các nhà làm phim nuôi khát vọng ghi dấu ấn với các sản phẩm chất lượng, chinh phục không chỉ khán giả trong nước mà còn vươn ra quốc tế.

Phạm Sỹ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tao-suc-hut-cho-phim-hoat-hinh-10284172.html
Zalo