Tạo sức bật phát triển vùng

Cùng với phát triển hệ thống cảng biển, những năm qua, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã tập trung đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông đường bộ với nhiều dự án được triển khai đồng loạt. Sự liên hoàn, thông suốt của các tuyến đường bộ đã giúp gia tăng liên kết giữa các vùng, thúc đẩy giao thương quốc tế, trở thành động lực cho sự phát triển của địa phương và khu vực.

Cầu Cửa Hội mở ra không gian phát triển mới cho hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Cầu Cửa Hội mở ra không gian phát triển mới cho hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Tăng cường kết nối đông-tây

Quốc lộ (QL) 8 có chiều dài 85 km, là tuyến đường liên vận quốc tế nằm trong hệ thống đường ASEAN, nối liền Việt Nam, Lào và Thái Lan qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (tỉnh Hà Tĩnh), có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn trong mùa mưa lũ của tỉnh Hà Tĩnh. Ðây cũng là tuyến quốc lộ kết nối ra biển ngắn nhất của Lào và các tỉnh đông bắc Thái Lan.

Sau nhiều năm khai thác với mật độ xe tải trọng lớn lưu thông quá cao, nhất là do tác động của thiên tai, lũ lụt đã làm cho tuyến QL8 xuống cấp nghiêm trọng, phát sinh hàng loạt điểm sụt lún mặt đường cũng như các mái ta-luy bị sạt lở nghiêm trọng, gây mất an toàn và ách tắc giao thông trên tuyến.

Lực lượng chức năng kiểm tra phương tiện chở hàng hóa thông quan cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, tỉnh Hà Tĩnh.

Lực lượng chức năng kiểm tra phương tiện chở hàng hóa thông quan cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, tỉnh Hà Tĩnh.

Theo Phó Trưởng ban Quản lý Dự án 4 (Cục Đường bộ) Nguyễn Đình Phúc, trước tình hình đó, Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL8 đoạn Km37 đến Km85+500, với tổng mức đầu tư hơn 1.662 tỷ đồng… “Tính đến thời điểm này, dự án cải tạo, nâng cấp QL8 đã hoàn thành, tạo thuận lợi cho phương tiện vận chuyển lưu thông hàng hóa xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu Cầu Treo và giúp người dân đi lại thuận tiện, an toàn”, ông Phúc cho biết thêm.

Anh Võ Tá Quế, lái xe container biển số 43H-073.10 thường xuyên vận chuyển hàng hóa trên QL8 cho biết, trước đây đường hẹp, nhất là ở các khúc cua, xe tránh nhau rất khó, đó là chưa kể mùa mưa, đường thường xuyên xảy ra ách tắc do sạt lở đất đá, gây mất an toàn. Giờ QL8 được cải tạo, nâng cấp rất đẹp giúp lái xe vận tải hàng hóa đi lại rất thuận tiện, an toàn, thời gian rút ngắn còn một nửa.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) Nguyễn Kiều Hưng chia sẻ, bên cạnh việc thúc đẩy giao thương quốc tế, QL8 đóng vai trò quan trọng và là “trục giao thông xương cá” mở ra không gian phát triển, thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển. Đơn cử khi QL8 hoàn thành đã giúp địa phương kết nối, đưa vào quy hoạch và khai thác các cụm công nghiệp. Đặc biệt, dọc tuyến QL8 và tuyến đường Hồ Chí Minh đã hình thành nhiều điểm thương mại, dịch vụ, các cơ sở sản xuất giúp kinh doanh trên địa bàn phát triển.

Theo chia sẻ của lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, sau khi QL8 được cải tạo, nâng cấp đã tạo động lực mới, kích cầu hoạt động giao thương thông qua cửa khẩu giữa Việt Nam, Lào và Thái Lan khá nhộn nhịp. Tính riêng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu đạt hơn 335 triệu USD. Quý I/2025, kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 89,59 triệu USD (tăng 6,58% so với cùng kỳ năm 2024…).

Cùng với QL8, QL12C nối Khu kinh tế Vũng Áng với nước bạn Lào qua cửa khẩu quốc tế Cha Lo (tỉnh Quảng Bình) cũng đang phát huy vai trò kết nối. Hai tuyến đường huyết mạch này đảm nhận vai trò kết nối khu vực phía tây và tây nam của tỉnh, đồng thời kết nối với phía tây Nghệ An và phía tây Quảng Bình-là điểm nhấn quan trọng trên hành lang kinh tế thứ ba của tỉnh.

Trong khi đó, để tạo ra động lực phát triển cho Nghệ An nói riêng và khu vực nói chung, kết nối Hành lang kinh tế Đông-Tây, gồm: Việt Nam, Lào, Thái Lan và Myanmar, các hạng mục cải tạo, nâng cấp tuyến QL7, đoạn qua địa bàn ba huyện Diễn Châu, Yên Thành và Đô Lương cũng đang được hoàn thiện những hạng mục cuối. Sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng, QL7 sẽ kết nối với cao tốc bắc-nam, nâng cao năng lực khai thác trên hành lang vận tải từ cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn (thông thương với Lào) tới các tỉnh ven biển miền trung, tạo động lực lớn trong phát triển kinh tế-xã hội…

Đường bộ cao tốc bắc-nam đoạn Diễn Châu-Bãi VọtVọt có chiều dài 49,3km đã được đưa vào sử dung. (Ảnh: TRÂN CHÂU)

Đường bộ cao tốc bắc-nam đoạn Diễn Châu-Bãi VọtVọt có chiều dài 49,3km đã được đưa vào sử dung. (Ảnh: TRÂN CHÂU)

Xây dựng hệ thống kết nối liên hoàn

Với mục tiêu tạo đột phá trong thu hút đầu tư, tỉnh Nghệ An đã và đang đầu tư nhiều dự án giao thông trọng điểm, với mạng lưới giao thông phân bố tương đối hợp lý, gồm đủ các loại hình đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không và đường biển... Trên địa bàn tỉnh hiện có 16 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài hơn 1.720 km (bao gồm cả tuyến tránh). Trong đó, có ba tuyến dọc hướng bắc-nam; năm tuyến ngang hướng đông-tây nối với nước bạn Lào; có tuyến đường xuyên Á từ Lào qua cửa khẩu Thanh Thủy đến cảng Cửa Lò và Đông Hồi...

Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2021-2025, ngân sách trung ương, địa phương đã huy động đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông Nghệ An khoảng 12.500 tỷ đồng. Nhờ đó, diện mạo hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh đã có sự thay đổi rõ rệt, nhiều công trình quan trọng đã được đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả. Điển hình như tuyến đường bộ ven biển từ Nghi Sơn đi Cửa Lò; đường N5 nối Khu kinh tế Đông Nam với huyện Đô Lương; phối hợp đầu tư xây dựng cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam, nối hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh…

Bên cạnh việc thúc đẩy giao thương quốc tế, QL8 đóng vai trò quan trọng và là “trục giao thông xương cá” mở ra không gian phát triển, thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển. Đơn cử khi QL8 hoàn thành đã giúp địa phương kết nối, đưa vào quy hoạch và khai thác các cụm công nghiệp. Đặc biệt, dọc tuyến QL8 và tuyến đường Hồ Chí Minh đã hình thành nhiều điểm thương mại, dịch vụ, các cơ sở sản xuất giúp kinh doanh trên địa bàn phát triển.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) Nguyễn Kiều Hưng

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Nghệ An, vừa qua Sở tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các dự án trọng điểm của tỉnh, như tuyến đường bộ ven biển Nghi Sơn-Cửa Lò và tuyến đường nối QL7C với đường Hồ Chí Minh... Nhất là, Đại lộ Vinh-Cửa Lò với chiều dài gần 11 km, thiết kế tám làn xe cơ giới, tổng vốn đầu tư gần 3.000 tỷ đồng được đưa vào khai thác có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành trục không gian kiến trúc, mở rộng quy hoạch đô thị, hoàn thiện mạng lưới giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội toàn vùng.

Đối với các dự án trọng điểm quốc gia đi qua địa bàn, tỉnh đã tích cực phối hợp cùng các đơn vị liên quan để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm đưa vào khai thác. Điển hình như đường bộ cao tốc bắc-nam qua tỉnh Nghệ An, có tổng chiều dài gần 88 km; trong đó, đoạn Nghi Sơn-Diễn Châu với tổng chiều dài 50 km (43,5 km đi qua địa bàn tỉnh Nghệ An) được đưa vào khai thác từ đầu tháng 9/2023; đoạn Diễn Châu-Bãi Vọt với tổng chiều dài khoảng 49 km (có 44 km đi qua địa bàn Nghệ An) được đưa vào khai thác từ giữa năm 2024 đã khắc phục tình trạng ùn tắc và giảm tai nạn giao thông trên QL1, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, du lịch... của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cũng như vùng Bắc Trung Bộ, đặc biệt là rút ngắn thời gian di chuyển bằng xe ô-tô từ thành phố Vinh đến Thủ đô Hà Nội còn hơn ba giờ đồng hồ, giảm gần hai giờ so với trước đây.

Nhờ hạ tầng giao thông được đầu tư hoàn thiện đã tạo điều kiện kêu gọi, thu hút đầu tư, nhất là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Nghệ An trong những năm gần đây đạt được kết quả tích cực trên nhiều phương diện. Trong ba năm liên tiếp, Nghệ An lọt vào tốp 10 trong thu hút FDI của cả nước. Riêng năm 2024, thu hút gần 1,75 tỷ USD, đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố. Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam (tỉnh Nghệ An) Lê Tiến Trị cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng giúp Nghệ An gia tăng lực hấp dẫn, thu hút các “đại bàng” đến làm "tổ" chính là sự chuyển biến tích cực, không ngừng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trong đó kết cấu hạ tầng giao thông đã tạo động lực thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và khu vực.

Theo Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đã xác định ba hành lang kinh tế bao gồm: hành lang kinh tế đồng bằng ven biển cùng với QL1, cao tốc bắc-nam và quốc lộ ven biển; hành lang kinh tế dọc QL8 từ thị xã Hồng Lĩnh đến Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo; hành lang kinh tế trung du và miền núi phía tây gắn với đường Hồ Chí Minh... Việc tập trung nguồn lực phát triển ba hành lang kinh tế này có ý nghĩa quan trọng nhằm tận dụng thế mạnh từng vùng, từng địa phương. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Báu Hà cho biết: Với tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, hạ tầng giao thông, cảng biển kết nối đồng bộ, Hà Tĩnh đang tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, tập trung thu hút các tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước đầu tư các dự án động lực, tạo tiền đề cho việc hình thành khu vực phát triển công nghiệp nòng cốt.

Đoạn cầu Eo Cô Gái (QL8), trước đây vào mùa mưa bão thường xuyên bị sạt lở, gây ách tắc, nay được đầu tư xây dựng cầu cạn giúp các phương tiện lưu thông thuận lợi, an toàn.

Đoạn cầu Eo Cô Gái (QL8), trước đây vào mùa mưa bão thường xuyên bị sạt lở, gây ách tắc, nay được đầu tư xây dựng cầu cạn giúp các phương tiện lưu thông thuận lợi, an toàn.

Số liệu thống kê của Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh cho thấy, năm 2024, Ban đã thực hiện cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 11 dự án trong nước với tổng mức đăng ký 8.682 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 194 dự án đầu tư còn hiệu lực...

Theo ông Phan Văn Trung, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hà Tĩnh, việc phát triển hạ tầng đồng bộ, đơn cử như QL1 và tuyến đường ven biển đã được đầu tư và đưa vào khai thác, đã thu hút các nhà đầu tư vào “xây tổ”. Không những vậy, hình hài tuyến đường bộ cao tốc bắc-nam đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh gồm ba dự án thành phần: Bãi Vọt-Hàm Nghi, Hàm Nghi-Vũng Áng và Vũng Áng-Bùng đang được hình thành, dự kiến ngày 30/4/2025 sẽ thông xe kỹ thuật, tạo trục dọc xuyên suốt từ cao tốc Pháp Vân (Hà Nội) đến Quảng Trị. Đặc biệt, khi tuyến đường sắt cao tốc bắc-nam được triển khai xây dựng thì các tuyến đường giao thông huyết mạch sẽ kết nối với hệ thống đô thị tại các địa phương Bắc Trung Bộ.

Để xây dựng cơ sở hạ tầng ngày càng tốt hơn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong thời gian tới, Nghệ An và Hà Tĩnh cần hiện thực hóa chủ trương phát triển giao thông vận tải đồng bộ, thống nhất, bảo đảm được sự liên hoàn, liên kết giữa các phương thức vận tải, phát huy thế mạnh của từng phương thức, tạo sự kết nối đối nội, đối ngoại, giữa các vùng địa hình khác nhau, giữa đô thị với khu công nghiệp, với nông thôn tạo thành mạng lưới giao thông thông suốt… Hai địa phương cần đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư để thực hiện các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công-tư, nhất là với các dự án đầu tư công trình hạ tầng giao thông trọng điểm cấp tỉnh, liên vùng, theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Chính trị.

NGHĨA CHÂU-TUẤN HIẾU

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/phat-trien-ha-tang-giao-thong-o-bac-trung-bo-tao-suc-bat-phat-trien-vung-post871024.html
Zalo