Tạo sự thống nhất trong công tác bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở
Công tác bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, nhất là địa bàn nông thôn miền núi, các địa bàn chiến lược thời gian qua luôn được các cấp, các ngành chú trọng thực hiện và đã mang lại những kết quả rõ rệt. Có được thành công đó, không chỉ dựa vào lực lượng nòng cốt là lực lượng công an cơ sở mà có phần đóng góp rất lớn của quần chúng nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp, sự thống nhất, đồng bộ trong quá trình thực hiện.
Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 tạo cơ sở pháp lý quan trọng, vững chắc, toàn diện cho việc xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, kịp thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới. Tuy nhiên, từ nhiều năm qua, công tác bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở đã được thực hiện rộng khắp với nhiều mô hình, phù hợp với từng địa phương, từng địa bàn và mang lại hiệu quả tích cực.
Bắc Giang là tỉnh miền núi, với địa hình bán sơn địa, gồm nhiều đồng bào các dân tộc sinh sống, dân cư phân bố không đồng đều. Nhiều năm trước, Bắc Giang được đánh giá là địa phương có sự phức tạp nhất định về an ninh trật tự, nhất là khu vực nông thôn, miền núi. Tuy nhiên, bằng những bước đột phá trong tổ chức thực hiện, giờ đây địa phương này đã trở thành hình mẫu về triển khai các mô hình tự quản an ninh trật tự, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Hiện nay, hầu hết các thôn, làng, tổ dân phố trên toàn tỉnh đều triển khai các mô hình, sáng kiến như "Tiếng kẻng an ninh", "Dòng họ tự quản"... Các mô hình này không chỉ hỗ trợ lực lượng chức năng trong quản lý địa bàn, bảo đảm an ninh trật tự mà còn khơi dậy sức mạnh cộng đồng, sức mạnh của người dân, góp phần giữ vững an ninh trật tự.
Đại úy Trần Kim Mạnh, Phó Trưởng Công an xã Hợp Đức, huyện Tân Yên đưa chúng tôi đi kiểm tra hệ thống camera giám sát, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn xã. Hiện trên toàn xã đã lắp đặt hơn 30 camera tại các vị trí có nguy cơ xảy ra mất an ninh trật tự tại 10 thôn. Các camera được giao cho chính quyền và người dân các thôn bảo vệ và hình ảnh được truyền về phòng trực ban trung tâm của công an xã. Thông qua hệ thống camera, khi phát hiện dấu hiệu bất thường về an ninh trật tự, lực lượng công an xã báo cho tổ tự quản về an ninh trật tự các thôn khẩn trương tiến hành xử lý, đồng thời công an xã cử một tổ cán bộ xuống hiện trường phối hợp giải quyết. Điều này không chỉ bảo đảm kịp thời trong xử lý tình huống mà còn tạo sức mạnh tổng hợp trong việc phối hợp giữa lực lượng công an và lực lượng bảo vệ an ninh trật tự cơ sở.
Theo đồng chí Trần Văn Hội, Chủ tịch UBND xã Hợp Đức, mô hình camera an ninh được triển khai không chỉ góp phần bảo đảm an ninh trật tự, mà còn là một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu mà xã Hợp Đức được chọn thực hiện điểm của huyện Tân Yên.
Với phương châm "Lấy phòng ngừa là chính, phòng ngừa tại cộng đồng dân cư là khâu then chốt" để kiềm chế và làm giảm các loại tội phạm, từ nhiều năm nay, Công an tỉnh Thái Nguyên đã tham mưu với UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh và phối hợp với các đơn vị, địa phương tỉnh lân cận làm tốt công tác xây dựng, phát động Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh trật tự.
Hiện nay, toàn tỉnh đang duy trì 26 mô hình bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở, với sự tham gia của lực lượng công an kết hợp với quần chúng nhân dân; 33 cụm an ninh khu vực, 187 câu lạc bộ tự quản về an ninh trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường; 177 mô hình phòng cháy, chữa cháy.
Cùng với việc triển khai các mô hình tự quản về an ninh trật tự tại các thôn, xóm, Công an tỉnh Thái Nguyên đã triển khai mô hình liên kết về bảo đảm an ninh trật tự tại các địa bàn giáp ranh, như mô hình đang được triển khai tại bốn xã giáp ranh là Vô Tranh, Tức Tranh, Phú Đô, Yên Lạc của huyện Phú Lương. Đây là mô hình phối hợp giữa lực lượng công an, quân sự, các tổ chức đoàn thể địa phương và có sự tham gia trực tiếp của người dân.
Với địa hình đồi núi hiểm trở, địa bàn rộng, công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm tại các địa phương nêu trên gặp nhiều khó khăn, nhất là tội phạm liên quan đến ma túy. Tuy nhiên, nhờ sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng và người dân các xã, nhiều vụ việc đã được xử lý kịp thời.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, từ tin báo của quần chúng nhân dân, lực lượng công an các xã nêu trên đã phát hiện, phối hợp bắt quả tang 5 vụ với 6 đối tượng về hành vi tàng trữ và mua bán trái phép chất ma túy; lập hồ sơ đưa nhiều đối tượng đi cai nghiện bắt buộc, góp phần thực hiện tốt công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội.
Theo đánh giá của Bộ Công an, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương trên cả nước tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, vận động nhân dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Trong đó, có nhiều mô hình, đề án, mang lại hiệu quả tích cực và đang được nhân rộng, như mô hình Đề án "Xã biên giới sạch về ma túy" được triển khai tại mười tỉnh trên tuyến bắc miền trung-Tây Nguyên; Đề án "Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ nhân dân vùng biên giới, hải đảo" và vận động quần chúng nhân dân tham gia phong trào "Bảo vệ an ninh Tổ quốc, tích cực tố giác tội phạm".
Cùng với đó, Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương tiếp tục nhân rộng các mô hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm ở cơ sở phù hợp với từng địa phương, địa bàn, truyền thống văn hóa, dân tộc, tôn giáo như: "Tổ tự quản đường biên, mốc giới", "Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới", "Giáo xứ, giáo họ không có người vi phạm pháp luật", "Mô hình 3 không - Không tội phạm, không ma túy, không mại dâm". Đây là những mô hình được thực hiện nhiều năm qua, mang lại kết quả tích cực, trong đó bên cạnh sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và nòng cốt là lực lượng công an, có phần đóng góp rất lớn của quần chúng nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh trật tự ngay từ tuyến cơ sở.