Tạo ra công ăn việc làm - quy hoạch phải đi trước một bước

Chưa bao giờ Việt Nam, đặc biệt là vùng TPHCM mở rộng, đứng trước áp lực chuyển đổi nhân lực lớn và phức tạp như hiện nay. Trong bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh chóng, trí tuệ nhân tạo làm thay công việc truyền thống, các ngành nghề mới xuất hiện rồi biến mất chóng vánh... trong khi hệ thống giáo dục và quy hoạch phát triển của chúng ta vẫn chạy theo mô hình cũ: đào tạo rập khuôn, định hướng ngành nghề lạc hậu, quy hoạch phát triển chỉ xoay quanh hạ tầng kỹ thuật và thu hút đầu tư bất động sản. Hệ thống hiện tại chưa hề được thiết kế để chuẩn bị cho một xã hội nơi mà AI, tự động hóa và sự kết nối toàn cầu đang định hình lại vai trò lao động con người từng ngày. Trong bối cảnh ấy, cần có sự điều chỉnh sâu rộng về tư duy phát triển, trong đó quy hoạch giữ vai trò dẫn đường.

Khi người trẻ không tìm được chỗ đứng

Chất lượng nhân lực trẻ đang trở thành một nút thắt nghiêm trọng, cả về mặt kỹ năng lẫn tâm thế. Rất nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường thiếu khả năng tư duy hệ thống, thiếu kinh nghiệm thực tiễn, thiếu năng lực giải quyết vấn đề trong môi trường làm việc thực tế. Trong bối cảnh thị trường lao động không rõ ràng, nhiều bạn trẻ rơi vào trạng thái lo âu kéo dài, sống vật vờ giữa các lựa chọn thiếu định hướng.

Quy hoạch đô thị phải đặt con người và sinh kế làm trung tâm

Quy hoạch đô thị phải đặt con người và sinh kế làm trung tâm

Một trong những lỗi hệ thống lớn nhất hiện nay là việc quy hoạch phát triển không đi trước một bước để tạo ra nền tảng cho việc làm tương lai. Các khu công nghiệp vẫn chủ yếu tập trung vào gia công, lắp ráp, sử dụng lao động giản đơn, không yêu cầu kỹ năng cao. Trong khi đó, các đô thị phát triển mạnh về hạ tầng kỹ thuật, nhưng lại không song hành với các cụm nghề, trung tâm đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp hoặc các không gian học tập - làm việc tích hợp cho người trẻ. Chiến lược phát triển vùng thường đặt nặng vào xây cầu, làm đường, phân khu đất đai, nhưng lại quên mất rằng, việc làm mới là hạ tầng xã hội quan trọng nhất. Nếu không có công việc phù hợp, người dân không thể sống ổn định; nếu không có nơi làm việc gắn với nơi ở, thì mọi quy hoạch đô thị đều trở nên vô nghĩa.

Trong kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số, nơi mỗi năm đều có hàng chục ngành nghề mới xuất hiện, quy hoạch lại càng cần phải linh hoạt, cập nhật và biết kiến tạo ra các hệ sinh thái sống - học tập - làm việc linh hoạt, để người trẻ có thể vừa học nghề, vừa thử nghiệm ý tưởng, vừa tạo ra giá trị mới mà không cần rời bỏ quê nhà hay chen chúc trong các đô thị lõi.

Một khi không kiểm soát được chất lượng và hướng đi của lực lượng lao động trẻ, thì chính họ - vốn được coi là "vốn xã hội", "tương lai của đất nước" - sẽ dần trở thành gánh nặng. Và một khi sự lãng phí nguồn nhân lực trẻ trở nên phổ biến, thì cái giá phải trả không chỉ nằm ở tăng trưởng chậm lại, mà còn là mất kiểm soát về an ninh, trật tự xã hội và lòng tin vào tương lai. Tội phạm công nghệ cao, lừa đảo trên mạng, mô hình tài chính bất hợp pháp, bạo lực học đường, thao túng thị trường bất động sản... đều có bóng dáng của một bộ phận người trẻ từng học hành tử tế, từng có hoài bão, nhưng bị bỏ rơi bởi hệ thống phát triển không chuẩn bị cho họ một con đường. Khi thể chế không dẫn dắt đúng lúc, khi xã hội chỉ đòi hỏi người trẻ "cố gắng" mà không cho họ "cơ hội đúng chỗ", thì cái gọi là "tự do lựa chọn" đôi khi chỉ là một cách nói hoa mỹ cho sự bỏ rơi.

Căn nguyên đầu tiên là tư duy quy hoạch cũ đặt trọng tâm vào không gian vật lý và hạ tầng kỹ thuật, mà bỏ quên con người và cơ chế kinh tế đi kèm. Quy hoạch được hiểu là vẽ bản đồ đất đai, phân khu chức năng, chỉ tiêu mật độ, đường giao thông, nhà cao tầng, tiện ích công cộng... nhưng không trả lời câu hỏi "người dân sống và làm việc bằng gì?". Trong các đồ án quy hoạch, gần như không có phần phân tích cấu trúc lao động của vùng, xu hướng chuyển dịch ngành nghề, hay chiến lược phát triển nhân lực tương lai. Không có chỗ cho "ngành nghề", "hệ sinh thái khởi nghiệp", "cụm công nghiệp đổi mới", hay "nơi tạo việc làm cho thanh niên". Người dân gần như là "đối tượng thụ hưởng quy hoạch" chứ không phải là "chủ thể sống động tạo ra vùng phát triển".

Một nguyên nhân sâu xa là nhiều địa phương vì mục tiêu thu ngân sách ngắn hạn, ưu tiên thu hút các dự án mang lại tiền sử dụng đất cao, chứ không phải những ngành tạo việc làm bền vững. Trong thực tế: Dự án bất động sản, khu đô thị mới, trung tâm thương mại... thường được phê duyệt nhanh, ưu đãi nhiều, vì đem lại dòng thu lớn trong ngắn hạn. Trong khi đó, các khu công nghiệp công nghệ cao, khu sản xuất chế tạo tiên tiến, khu vực đổi mới sáng tạo - thường phải đầu tư dài, khó thu hồi vốn sớm, lại bị "né tránh". Hệ quả là nhiều địa phương "phát triển nóng" về xây dựng, nhưng lại thiếu hạ tầng xã hội, thiếu ngành nghề, thiếu chuỗi giá trị nội vùng, dẫn đến tình trạng "thừa nhà - thiếu việc làm", và người lao động bị "văng" khỏi không gian sống đô thị vì không thể bám trụ...

Đào tạo nghề nghiệp cho nguồn lao động trẻ

Đào tạo nghề nghiệp cho nguồn lao động trẻ

Đặt việc làm vào trung tâm của quy hoạch phát triển

Trong bối cảnh mới, quy hoạch phát triển đô thị và vùng không còn chỉ là một bài toán kỹ thuật không gian. Đó là một cấu trúc tổng thể gắn liền với xã hội, kinh tế và con người. Đặc biệt ở vùng TPHCM mở rộng, nơi đang mang trên mình vai trò vùng động lực quốc gia, yêu cầu quy hoạch cần được định nghĩa lại từ nền tảng: thay vì xoay quanh đất đai và hạ tầng vật lý, quy hoạch phải trở thành công cụ kiến tạo sinh kế, khơi thông nguồn lực lao động và tạo ra những hệ sinh thái sống - học tập - làm việc có chiều sâu, bền vững.

Một trong những thách thức hiện nay chính là sự dịch chuyển sâu rộng của thị trường lao động, đặc biệt là lớp lao động trẻ. Trên thực tế, nếu thị trường không tự tạo ra đủ việc làm, thì quy hoạch cần phải lên tiếng. Tư duy quy hoạch có trách nhiệm đòi hỏi việc làm được đặt vào trung tâm của chiến lược phát triển, tương đương với các yếu tố như hạ tầng giao thông hay quy mô dân số. Trong đó, người lao động, đặc biệt là người trẻ không chỉ cần nơi ở mà còn cần nơi làm việc, nơi học tập, nơi phát triển bản thân. Một đô thị hiện đại không thể được gọi là thành công nếu thiếu cơ hội sống và làm việc có giá trị. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn khoảng cách rõ rệt giữa quy hoạch không gian và quy hoạch kinh tế - xã hội. Nhiều bản quy hoạch được thiết kế bởi các viện chuyên môn về kiến trúc - hạ tầng, trong khi chiến lược ngành nghề và nhân lực lại nằm trong tay hệ thống kế hoạch - đầu tư. Việc thiếu sự kết nối giữa hai mạch này dẫn đến thực trạng đô thị phát triển nhanh về hình thức, nhưng chậm về nội dung sống: có khu nhà ở nhưng thiếu nơi làm việc, có hạ tầng giao thông nhưng thiếu động lực kinh tế, có dân số tăng nhưng thiếu giải pháp đào tạo và chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp.

Một nguyên nhân khác là định hướng thu hút đầu tư hiện nay vẫn thiên về những lĩnh vực mang lại nguồn thu ngắn hạn như bất động sản và thương mại, trong khi những ngành tạo việc làm bền vững như sản xuất công nghệ, công nghiệp sáng tạo, dịch vụ kỹ thuật cao... lại cần thời gian và hệ sinh thái hỗ trợ lâu dài. Nếu không có sự chuyển đổi tư duy trong quy hoạch và đánh giá dự án, các khu đô thị mới có thể sẽ tiếp tục phát triển mà thiếu đi tầng sinh kế nội tại, khiến người dân dù có nhà nhưng không thể ổn định cuộc sống. Vì vậy, trong quy hoạch vùng TPHCM mở rộng, cần thiết lập hệ tiêu chí đánh giá mới cho từng dự án, từng đồ án phát triển, với các chỉ số cụ thể liên quan đến: Mức độ tạo ra việc làm bền vững (thời hạn, thu nhập, an sinh). Khả năng hỗ trợ đào tạo và chuyển đổi nghề cho người lao động. Mức độ gắn kết giữa nơi ở - nơi làm - nơi học - nơi sống của người dân trong không gian đô thị. Năng lực của doanh nghiệp hoặc mô hình đầu tư trong việc duy trì hệ sinh thái nhân lực tại chỗ. Trên nền các chỉ số này, có thể xây dựng cơ chế ưu tiên phê duyệt cho những dự án đáp ứng yêu cầu tạo việc làm chất lượng, đồng thời đi kèm các chính sách hỗ trợ như: ưu đãi thuế cho doanh nghiệp đào tạo kỹ năng, quỹ nhà ở xã hội cho công nhân và kỹ sư trẻ, miễn giảm chi phí y tế - giáo dục - học nghề cho người lao động trong khu vực được quy hoạch chiến lược. Đó là cách quy hoạch không chỉ tạo ra hình hài đô thị mà còn tạo ra nội lực phát triển từ bên trong, bằng con người thật, việc làm thật, và tương lai bền vững.

Thay vì quy hoạch thuần kỹ thuật, đây là thời điểm để chuyển sang tư duy quy hoạch xã hội, nơi con người được đặt ở vị trí trung tâm, và việc làm trở thành chỉ dấu rõ ràng nhất cho sự thành công hay thất bại của mỗi quyết định phát triển. Một vùng phát triển thực sự không phải là vùng có nhiều nhà cao tầng hay đường rộng, mà là vùng nơi người trẻ có thể học, làm, sống, và nhìn thấy một tương lai xứng đáng để họ gắn bó lâu dài. Vùng TPHCM mở rộng đang được đặt nhiều kỳ vọng trở thành vùng động lực phát triển quan trọng của cả nước, không chỉ về mặt kinh tế, mà còn về văn hóa, khoa học, giáo dục và đổi mới sáng tạo. Để những kỳ vọng đó trở thành hiện thực, điều kiện tiên quyết là phải chú trọng đến con người, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Trong xã hội hiện đại, việc không tận dụng được tiềm năng của người trẻ là một sự lãng phí rất lớn. Khi họ không tìm thấy vai trò của mình trong các chiến lược phát triển, không nhìn thấy tương lai rõ ràng từ việc học tập và làm việc, thì niềm tin dễ dàng bị lung lay. Một bộ phận có thể trở nên thụ động, mất định hướng hoặc bị cuốn vào những giá trị lệch chuẩn. Chính vì vậy, trong mọi bản quy hoạch, mọi đồ án đô thị, mọi chương trình đầu tư hay kế hoạch thu hút doanh nghiệp, chúng ta nên luôn bắt đầu từ một câu hỏi căn bản: "Bản quy hoạch này sẽ tạo ra bao nhiêu cơ hội sống và làm việc thực chất, ổn định cho người dân, đặc biệt là cho thế hệ trẻ?".

Nếu chưa có câu trả lời cụ thể, chưa đo lường được hiệu quả tạo việc làm hay khả năng sinh kế dài hạn, thì cho dù bản vẽ có hiện đại đến đâu, viễn cảnh có rực rỡ đến mức nào, quy hoạch đó vẫn chưa thực sự chạm đến gốc rễ của phát triển. Nó vẫn thiếu một điều cốt lõi: con người. Chỉ khi đặt con người với đầy đủ nhu cầu sống, học, làm việc và phát triển vào trung tâm, quy hoạch mới thực sự có linh hồn, có sức sống và trở thành nền tảng bền vững cho tương lai vùng TPHCM mở rộng.

NAM THUẬN - HÀ CHÂU

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/tao-ra-cong-an-viec-lam-quy-hoach-phai-di-truoc-mot-buoc_180721.html
Zalo