Tin Thị trường: Giá dầu hôm nay trở lại sắc xanh
Giá dầu thế giới hôm nay trở lại với sắc xanh; Giá khí tự nhiên tại Mỹ duy trì ổn định...

Ảnh: OP
Giá dầu thế giới bật tăng trở lại
Tính đến đầu giờ chiều nay 24/7 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 65,88 USD/thùng - tăng 0,97%; trong khi giá chuẩn Brent dừng lại ở mức 69,1 USD/thùng - tăng 0,86%.
Giá dầu hôm nay không ghi nhận nhiều biến động, khi giới đầu tư đang thận trọng dõi theo các diễn biến mới trong đàm phán thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo đạt được thỏa thuận thuế quan với Nhật Bản.
Trong khi đó, các quan chức EU thông báo, khối này đang tiến gần tới một thỏa thuận thương mại với Washington, nhằm tránh phải đối diện với mức thuế cao của Mỹ.
Ủy ban châu Âu dự kiến sẽ trình lên các nước thành viên EU kế hoạch áp thuế đáp trả tương ứng 93 tỷ euro (tương đương 109 tỷ USD) đối với hàng hóa Mỹ. Cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra vào ngày 24/7, nhưng các biện pháp sẽ chưa được áp dụng cho đến ngày 7/8.
Trước đó, Tổng thống Donald Trump tuyên bố, Mỹ và Nhật Bản đã đạt được một thỏa thuận thương mại, trong đó giảm thuế nhập khẩu ô tô và miễn cho Tokyo các mức thuế mới khắt khe hơn đối với các mặt hàng khác, đổi lại là gói đầu tư và cho vay trị giá 550 tỷ USD từ Nhật Bản vào thị trường Mỹ.
Giá khí tự nhiên tại Mỹ duy trì ổn định
Giá khí tự nhiên Mỹ (Henry Hub) đang ổn định ở ngưỡng khoảng 3,4 USD/MMBtu, dù đã trải qua nhiều biến động trong tuần vừa qua. Thời tiết nắng nóng vẫn tiếp tục trải dài khắp miền Nam và miền Trung, duy trì một mức cầu cao cho hệ thống điện, đặc biệt là dùng cho máy điều hòa. Song song đó, các tập đoàn như EQT và Range Resources đã điều chỉnh kế hoạch khai thác, tăng sản lượng dự kiến trong năm 2025 để đáp ứng nhu cầu tăng, trong khi giữ nguyên mức chi phí vốn. Một điểm đáng chú ý là các dự án nhà máy điện chạy khí mới đang được triển khai cấp tốc với hơn 100 GW quy hoạch đến 2030 nhằm hỗ trợ cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các trung tâm dữ liệu AI.
Tại châu Âu, tiếp tục chịu áp lực mạnh từ nhu cầu tích trữ LNG, khi khối lượng nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm tăng 24% đạt 75,6 triệu tấn, nhằm bù đắp phần thiếu hụt từ Nga. Tuy nhiên, việc các nhà máy điện chạy khí tại Hà Lan giảm xuống mức thấp kỷ lục - chỉ còn khoảng 1/3 tổng nguồn cung điện - cho thấy xu hướng chuyển đổi mạnh sang nguồn tái tạo, đồng thời khiến thị trường gas trở nên dễ tổn thương hơn. Bên cạnh đó, căng thẳng ở eo biển Hormuz dù đã lắng xuống song tiếp tục làm phí vận tải LNG tăng cao, giữ giá châu Âu ở mức cao ngay cả ngoài mùa cao điểm.
Tại châu Á, thị trường này vẫn duy trì xu hướng giảm nhập LNG do giá giao ngay (spot) trên ngưỡng 12 USD/MMBtu, khiến lượng nhập trong 7 tháng đầu năm giảm 6,3%, trong đó Trung Quốc giảm tới 21,2%. Trên thực tế, tốc độ nhập tháng 7 tăng nhẹ lên khoảng 22,07 triệu tấn, nhưng lượng LNG trung bình theo ngày vẫn thấp do các nước như Ấn Độ, Trung Quốc chủ động điều chỉnh giao nhận cargo. Ngược lại, các quốc gia vẫn gia tăng đầu tư kho dự trữ chiến lược, với mục tiêu ứng phó gián đoạn, tương tự chính sách của Nhật, Hàn Quốc, Singapore.
TotalEnergies thành lập liên doanh cung cấp LNG
TotalEnergies và tập đoàn vận tải khổng lồ CMA CGM Group sẽ thành lập một liên doanh để cung cấp dịch vụ cung ứng nhiên liệu LNG tại cảng Rotterdam, nhằm góp phần thay thế khối lượng dầu nhiên liệu bằng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong vận tải biển.
Thỏa thuận liên doanh 50/50 này là hợp đồng đầu tiên giữa một nhà cung cấp năng lượng và một tập đoàn vận tải biển để cùng phát triển và vận hành các cơ sở cung cấp nhiên liệu LNG, theo ông lớn năng lượng Pháp.
Là một phần của liên doanh logistics, một tàu chở nhiên liệu LNG mới có dung tích 20.000 mét khối sẽ được đưa vào hoạt động tại Rotterdam vào cuối năm 2028 và được vận hành chung. Liên doanh CMA CGM-TotalEnergies sẽ cung cấp dịch vụ logistics trọn gói, từ việc tiếp nhận nhiên liệu tại các cơ sở cảng Gate đến việc giao nhiên liệu LNG cho nhiều loại tàu đang hoạt động trong khu vực Amsterdam-Rotterdam-Antwerp (ARA), bao gồm tàu của CMA CGM cũng như các hãng khai thác vận tải khác.
TotalEnergies có cơ sở hạ tầng logistics đã được thiết lập tại khu vực ARA, nơi tàu chở nhiên liệu LNG Gas Agility đã hoạt động từ năm 2020.
Ngoài ra, TotalEnergies, nhà cung cấp LNG lớn thứ ba thế giới, cũng sẽ cung cấp cho CMA CGM tới 360.000 tấn LNG mỗi năm, từ năm 2028 trở đi và đến năm 2040, theo một thỏa thuận cung cấp dài hạn.
Công ty cho biết khi được sử dụng làm nhiên liệu hàng hải thay thế dầu nhiên liệu, LNG có thể giảm khoảng 20% lượng khí thải nhà kính trong lĩnh vực vận tải biển.