Táo Quân 2022 với những màn 'bắt trend' nhận nhiều ý kiến trái chiều

Táo Quân 2022 chính thức lên sóng tối 29 Tết với sự thay đổi ở dàn diễn viên nhận nhiều lời khen tiếng chê sau khi lên sóng.

Gặp nhau cuối năm - Táo Quân 2022 lên sóng với sự góp mặt của nhiều gương mặt quen thuộc như Quốc Khánh, Vân Dung, Tự Long… Vẫn mượn câu chuyện các Táo lên thiên đình, nhà sản xuất phản ánh những vấn đề gây sốt của xã hội qua góc nhìn hài hước và châm biếm. Năm nay chương trình vắng mặt nghệ sĩ Công Lý và nghệ sĩ Xuân Bắc. Thay vào đó, vai diễn Nam Tào - Bắc Đẩu do Trung Ruồi - Đỗ Duy Nam đảm nhận.

Trong lịch sử gần hai thập kỷ của Táo Quân, chương trình năm nay có một số điểm đổi mới về nhân sự cũng như format, kịch bản. Tuy nhiên, những thay đổi này chưa đủ sức thuyết phục người xem. Vẫn có ý kiến cho rằng, Táo nhạt và chưa có duyên...

Ở chương trình năm nay, Táo Quân đề cập loạt vấn đề nổi cộm trong năm qua như giăng dây vùng xanh vùng đỏ, hạch sách giấy đi đường, ra công văn lúc nửa đêm, thổi giá kit test, Việt Á, đường sắt Cát Linh chậm chạp, bi hài học online, nữ hoàng livestream, gà chứng khoán, tiền ảo, ông ngoại, thầy ông nội, rác mạng, quảng cáo thần y thần dược trên mạng, livestream chửi bới, "dĩ dãng dơ dáy dễ gì giấu giếm", sao kê, minh bạch từ thiện, bánh mì không phải thực phẩm thiết yếu, phiếu đi chợ ngày chẵn lẻ, bỏ cọc, phong sát, phong thành...

Một tài khoản bình luận: “Năm nay bắt trend nhiều lắm. Nhưng bị quá nhiều ấy nên nó nhạt, cộng thêm cách dựng khiến tôi không ưng ý lắm. Vẫn thích xem mấy câu thâm thúy trước đây hơn là năm nay". “Năm nay hơi chán, kiểu bắt trend TikTok nên ba má mình xem cũng không hiểu lắm. Nhiều cái cũng bị nhảm". Bên cạnh đó, cũng có ý kiến không hài lòng khi chương trình quảng cáo nhiều, gây khó chịu cho người xem. Một tài khoản bình luận: “Táo Quân năm nay quảng cáo hay mà". Người xem khác “cà khịa": “Đang xem chương trình quảng cáo cuối năm, lâu lâu họ lại chèn Táo Quân vào”.

Đạo diễn Việt Hoàng cho hay: "Tôi có cảm giác như, Táo Quân đang nhạt dần, thay vì tạo trend, tạo những câu nói, bản sắc riêng cho mình, thì kịch bản Táo Quân năm nay lại chạy theo trend nhiều quá. Chương trình chạy theo những câu nói, nhưng tình huống của khán giả trẻ trên mạng xã hội nhiều đến nỗi chỉ những khán giả Gen Z (người được sinh trong khoảng thời gian từ năm 1995 đến năm 2012 - PV) mới hiểu Táo Quân đang nói gì. Tôi cam đoan đến 60% khán giả lớn tuổi bình dân không hiểu được những câu nói như: "Enjoy cái moment này", "nhìn sang trái", "dĩ vãng dơ dáy dễ gì giấu diếm”... là đang nói về ai, nói cái gì, chỉ có thế hệ Gen Z - những người thường xuyên lướt mạng, ôm máy tính mới có thể biết được. Kịch bản trẻ quá cũng có cái hay, nhưng chương trình nên cân bằng một chút vì khán giả là đại đa số khán giả ở nhiều lứa tuổi, nếu bị chê nhạt, chê không hiểu kịch bản chương trình thì Táo Quân không thành công rồi...".

Tuy nhiên, cũng có không ít cư dân mạng lên tiếng bênh vực, cho rằng so với năm trước, Táo Quân 2022 đã có sự cải thiện với những màn chất vấn thẳng thắn giữa Ngọc Hoàng và các Táo. Một số khán giả mong mọi người xem Gặp nhau cuối năm với góc nhìn giải trí, thoáng hơn thay vì khắt khe phán xét bởi đó là công sức của nhiều nghệ sĩ và ê-kíp. Đó là chưa kể đến việc năm nay, sự vắng mặt của một số gương mặt gạo cội cũng làm cho sức hút của chương trình giảm đáng kể.

Phạm Linh (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://dulich.petrotimes.vn/tao-quan-2022-voi-nhung-man-bat-trend-nhan-nhieu-y-kien-trai-chieu-640769.html
Zalo