Tạo phát triển đột phá cho hạ tầng chiến lược - Bài 1: Giải pháp cho nguồn lực
Cả nước đang trong đợt cao điểm '500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc' cho mục tiêu đến năm 2025 khai thác 3.000 km đường bộ cao tốc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng XIII.
Cả nước đang trong đợt cao điểm "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc" cho mục tiêu đến năm 2025 đưa vào khai thác 3.000 km đường bộ cao tốc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng XIII. Rất nhiều công trình hạ tầng trong cả nước cũng đang được gấp rút triển khai, hoàn thành tạo ra hào khí mới, góp phần nâng cao tiềm lực hạ tầng, nguồn lực cho xây dựng, phát triển đất nước, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định đột phá về kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là một nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển kinh tế-xã hội đất nước nhanh và bền vững. Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao hoàn toàn có thể đạt được nếu Việt Nam thực hiện thành công 3 đột phá chiến lược; trong đó có đột phá về hạ tầng.
Thông tấn xã Việt Nam thực hiện 4 bài viết về việc dồn nguồn lực phát triển hạ tầng chiến lược, giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn, hướng tới hiện thực hóa mục tiêu hoàn thành ít nhất 3.000 km cao tốc và đến năm 2030 cả nước có 5.000 km đường bộ cao tốc, đảm bảo hạ tầng điện cho phát triển kinh tế cũng như kinh nghiệm phát triển giao thông hiện đại của Trung Quốc.
* Tạo dấu ấn, tạo không gian phát triển mới
Dự án 500kV mạch 3 Quảng Bình - Hưng Yên hoàn thành sau hơn 6 tháng thi công thần tốc, là điển hình của cách làm mới, với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ủng hộ của người dân. Dự án đã được hoàn thành với nhiều kỷ lục được xác lập như: Thủ tục đầu tư ngắn nhất, thời gian thi công ngắn nhất (sau hơn 6 tháng thay vì phải 3 - 4 năm như thông thường)....
Việc thực hiện Dự án Đường dây 500kV mạch 3 là một kỳ tích của thời kỳ đổi mới, minh chứng rõ nét cho bản lĩnh, quyết tâm và sự đoàn kết đồng lòng của cả hệ thống chính trị, là bài học kinh nghiệm quý giá trong việc triển khai các công trình trọng điểm của đất nước.
Cùng với đó, nhiều công trình giao thông quan trọng, quy mô lớn được đầu tư, nâng cấp, đảm bảo kết nối giữa các trung tâm kinh tế lớn, các vùng miền trong cả nước và giao thương quốc tế. Các bộ ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Thêm một số đoạn đường bộ cao tốc được hoàn thành, nâng tổng chiều dài lên 2.021 km.
Về hàng không, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất được đẩy nhanh tiến độ thi công rút ngắn thời gian hoàn thành. Về đường sắt, đoạn trên cao tuyến Nhổn - ga Hà Nội, tuyến Bến Thành - Suối Tiên được đưa vào vận hành; chuẩn bị đầu tư các dự án đường sắt kết nối Việt Nam - Trung Quốc.
Các dự án, công trình điện trọng điểm như Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4; chuỗi Dự án điện khí Lô B - Ô Môn cũng được tích cực triển khai.
Hạ tầng số, hạ tầng năng lượng được tháo gỡ về thể chế và đầu tư với việc xây dựng Luật Dữ liệu, Luật Điện lực (sửa đổi); ban hành Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với Khách hàng sử dụng điện lớn, Nghị định về quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ…
Với tỷ lệ tán thành cao, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam; chủ trương khởi động lại việc đầu tư dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận tạo đột phá để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy tối đa nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới.
Có thể nói việc đã và đang triển khai, khởi động lại các dự án hạ tầng quan trọng đã tạo dấu ấn, tạo không gian phát triển mới, giúp hình thành các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ mới, làm tăng giá trị của đất đai, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giảm chi phí lotistics, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm, của nền kinh tế.
Mặc dù vậy, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ những điểm chưa hiệu quả trong phát triển hạ tầng giao thông như quy hoạch phát triển hạ tầng sân bay, cảng biển dàn trải, đầu tư manh mún ở nhiều địa phương có vị trí địa lý gần nhau, không có lợi thế khác biệt; mất cân đối về hạ tầng năng lượng… Hệ thống kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị thiếu tính kết nối; xây dựng hạ tầng số chậm...
Về việc tăng tốc bứt phá thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2024, năm 2025, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XIII đã đề ra; tạo nền tảng vững chắc cho nhiệm kỳ Đại hội Đảng XIV, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, phát triển nhanh, mạnh và bền vững, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ: Tập trung đẩy mạnh hoàn thành các mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược, trọng điểm.
* Gỡ điểm nghẽn thúc đẩy hạ tầng
Thực hiện tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh những giải pháp mang tính đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, làm tiền đề để bước vào kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.
Tinh thần này cũng được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi trả lời chất vấn trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV mới đây: “Chủ trương là phải tạo ra đột phá về hạ tầng với những công trình mang tính chiến lược, xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái”.
Thủ tướng nêu rõ, để thực hiện thành công các dự án quan trọng quốc gia, chúng ta phải bứt phá tăng trưởng, tháo gỡ các điểm nghẽn, một trong số đó là phải phát triển hạ tầng chiến lược, gồm hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng cứng và hạ tầng mềm… Đầu tư là một trong những động lực tăng trưởng; trong đó có đầu tư cho các công trình lớn của quốc gia.
Hiện cả nước đang tập trung cho một số dự án như đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, điện gió ngoài khơi, nghiên cứu phát triển năng lượng hạt nhân… Muốn có nguồn lực thực hiện, phải hoàn thiện thể chế, cơ chế huy động nguồn lực, đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực quản trị.
Việc xây dựng và trình Quốc hội thông qua dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) kỳ họp Quốc hội vừa rồi là thí dụ điển hình cho việc xây dựng luật theo hướng chuyển tư duy quản lý sang khơi thông nguồn lực với tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”… Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát; bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tránh tạo cơ chế “xin-cho”; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể…
Trong đó, Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã nâng quy mô dự án quan trọng quốc gia từ 30.000 tỷ đồng trở lên; chuyển thẩm quyền điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Thủ tướng Chính phủ; chuyển thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C từ Hội đồng nhân dân các cấp cho Ủy ban nhân dân các cấp.
Không để giải phóng mặt bằng là "đường găng" tiến độ
Đảm bảo nguồn điện cho tăng trưởng kinh tế
Chiến lược phát triển giao thông hiện đại ở Trung Quốc