Tạo khung khổ pháp lý đồng bộ phát triển giáo dục - đào tạo

Sáng 12/7, Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội đã làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) và dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi).

Các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đồng chủ trì cuộc làm việc.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh, việc sửa đổi cùng lúc 3 luật: Giáo dục, Giáo dục đại học, Giáo dục nghề nghiệp là “cơ hội có một không hai” để tạo khung khổ pháp lý đồng bộ cho giáo dục - đào tạo phát triển mạnh mẽ

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh, việc sửa đổi cùng lúc 3 luật: Giáo dục, Giáo dục đại học, Giáo dục nghề nghiệp là “cơ hội có một không hai” để tạo khung khổ pháp lý đồng bộ cho giáo dục - đào tạo phát triển mạnh mẽ

Hai dự án Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) và Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) đã được bổ sung vào Chương trình lập pháp năm 2025, sẽ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ Mười cuối năm nay. Việc sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp; tạo ra sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật để tạo chuyển biến mạnh mẽ, đột phá cho giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao…

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đồng chủ trì cuộc làm việc

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đồng chủ trì cuộc làm việc

Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện quy trình xây dựng 2 dự án Luật. Trong đó, tổng kết đánh giá thi hành Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp; tổ chức các hội thảo, tọa đàm tham vấn các chuyên gia, nhà quản lý, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các bên liên quan; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để lựa chọn, đề xuất vận dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam; xây dựng báo cáo đánh giá tác động chính sách. Nghiên cứu xây dựng báo cáo chính sách, trong đó làm rõ sự cần thiết sửa đổi 2 Luật, xác định nhóm các chính sách được đề xuất, phân tích tác động kinh tế, xã hội, tính hợp hiến, hợp pháp và khả năng thực thi của từng chính sách.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, việc sửa đổi 2 Luật lần này phải đảm bảo mục tiêu: vừa định hướng phục vụ chiến lược quốc gia về nhân lực, vừa phát huy tối đa năng lực sáng tạo của các nhà khoa học, giảng viên...

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, việc sửa đổi 2 Luật lần này phải đảm bảo mục tiêu: vừa định hướng phục vụ chiến lược quốc gia về nhân lực, vừa phát huy tối đa năng lực sáng tạo của các nhà khoa học, giảng viên...

Trên cơ sở cụ thể hóa những chính sách đề xuất được Chính phủ thông qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì tổ chức soạn thảo dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) và dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi). Cụ thể, dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) gồm 9 Chương với 54 Điều, trong đó có 19 điều quy định mới, tập trung vào các nội dung đổi mới quan trọng như: tự chủ đại học, giáo dục số, đào tạo nhân lực chất lượng cao, hợp tác và đầu tư trong và ngoài nước, khoa học và đổi mới sáng tạo...

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn trình bày một số nội dung lớn trong 2 dự thảo Luật

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn trình bày một số nội dung lớn trong 2 dự thảo Luật

Dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) gồm 9 Chương, 50 Điều. Đáng chú ý, dự thảo Luật bổ sung chương trình trung học nghề và mô hình trường trung học nghề là cơ sở giáo dục nghề nghiệp; quy định công nhận kết quả học tập, năng lực nghề nghiệp đã tích lũy; vai trò của doanh nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp…

Tại cuộc làm việc, Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong quá trình tổ chức xây dựng dự án Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) và dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi), thể hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Thị Mai Hoa trình bày một số vấn đề đặt ra đối với 2 dự thảo Luật

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Thị Mai Hoa trình bày một số vấn đề đặt ra đối với 2 dự thảo Luật

Góp ý các nội dung cụ thể, các đại biểu đề nghị cần có sự thống nhất trong quy định liên quan đến hội đồng trường trong Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp. Dự thảo Luật Giáo dục đại học cũng chưa quy định rõ các trường đại học được phép đào tạo các trình độ thấp hơn (cao đẳng, trung cấp) ở một số chuyên ngành, lĩnh vực như văn hóa nghệ thuật, khoa học sức khỏe, an ninh - quốc phòng… Điều này chưa thống nhất với dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Về tuyển sinh đào tạo đại học, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu giữ quy định về ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với ngành khoa học sức khỏe, ngành đào tạo giáo viên (Điều 34 Luật hiện hành); đồng thời làm rõ vai trò và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong bảo đảm chất lượng đầu vào đối với ngành nghề đào tạo có cấp chứng chỉ hành nghề (bác sĩ, luật sư…).

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Phan Viết Lượng quan tâm đến quy định về ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với việc bảo đảm chất lượng đào tạo

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Phan Viết Lượng quan tâm đến quy định về ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với việc bảo đảm chất lượng đào tạo

Một nội dung chính sách mới cũng được nhiều đại biểu quan tâm là giảng viên, giáo viên đồng cơ hữu, đề nghị cần có đánh giá kỹ hơn. Trong đó, đề nghị làm rõ về cơ chế phối hợp giữa cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ quan, tổ chức khác trong quản lý nhân sự “đồng cơ hữu”, nhất là trong đánh giá hiệu suất công việc, trách nhiệm và các vấn đề liên quan đến hợp đồng làm việc, thời gian làm việc, kỷ luật lao động, chế độ tiền lương, phụ cấp...

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh, việc sửa đổi cùng lúc 3 luật: Giáo dục, Giáo dục đại học, Giáo dục nghề nghiệp là “cơ hội có một không hai” để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất cập một cách toàn diện, tạo khung khổ pháp lý đồng bộ cho giáo dục - đào tạo phát triển mạnh mẽ. Vì thế, các ban soạn thảo cần rà soát kỹ lưỡng hệ thống pháp luật; tổng kết, đánh giá thực tiễn thi hành luật hiện hành; đánh giá tác động chính sách… để xây dựng các quy định pháp luật phù hợp, khả thi và hiệu quả.

Tin: Nhật Linh; Ảnh: Trần Hiệp

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tao-khung-kho-phap-ly-dong-bo-phat-trien-giao-duc-dao-tao-10379492.html
Zalo