Tạo hành lang pháp lý thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia

Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chủ trì phiên họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập về Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST). Việc xây dựng Luật cần bám sát, thể chế hóa kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với các quy định mạnh mẽ phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và tiến gần tới thông lệ quốc tế.

Đưa Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực để hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. (Ảnh: MOST)

Đưa Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực để hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. (Ảnh: MOST)

Đơn giản hóa các thủ tục hành chính

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, Trưởng Ban soạn thảo Dự án Luật cho biết, hiện nay, KHCN&ĐMST và chuyển đổi số đang phát triển rất mạnh mẽ, có vai trò ngày càng quan trọng và được kỳ vọng trở thành động lực tăng trưởng mới, đưa đất nước trở thành nước phát triển vào năm 2045 như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra. Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển KHCN&ĐMST và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết nhấn mạnh: “Phát triển KHCN&ĐMST và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Thị Ngọc Diệp, theo Nghị quyết số 55/2024/UBTVQH15 ngày 28/10/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Dự thảo Luật KHCN&ĐMST sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025), Bộ KH&CN mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp chặt chẽ và các ý kiến góp ý trực tiếp, bảo đảm thời hạn của các cơ quan để Luật được trình đúng tiến độ đề ra.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy chia sẻ một số điểm mới nổi bật trong Luật KHCN&ĐMST như: Bổ sung quy định về tổ chức nghiên cứu và phát triển công lập đặc biệt hoạt động trong các lĩnh vực Nhà nước ưu tiên đầu tư, bổ sung quy định về cơ chế tự chủ đối với tổ chức nghiên cứu và phát triển công lập; Bổ sung quy định cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trong tổ chức KH&CN công lập được tham gia thành lập, điều hành doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do tổ chức KH&CN mà mình là thành viên tạo ra; Đơn giản hóa các bước phê duyệt nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước, giảm thời gian phê duyệt nhiệm vụ (đề xuất, xác định, tuyển chọn…) theo hướng giảm tải thời gian xét duyệt, yêu cầu, hồ sơ; Quy định rõ hai nội dung chương trình KH&CN và nhiệm vụ KH&CN, làm rõ các loại nhiệm vụ KH&CN và kết quả của từng loại nhiệm vụ KH&CN; Bổ sung quy định về cụm nhiệm vụ KH&CN, chuỗi nhiệm vụ KH&CN, cách thức xét chọn nhiệm vụ; Bổ sung về nguyên tắc chính sách thuế đối với hoạt động KHCN&ĐMST để làm căn cứ đề xuất các ưu đãi cụ thể trong các luật về thuế; Bổ sung quy định về các cụm, khu nghiên cứu, phát triển và ĐMST tập trung và các chính sách ưu đãi đối với tổ chức, cá nhân hoạt động trong khu vực này; Làm rõ các hoạt động nghiên cứu, phát triển trong doanh nghiệp và các nội dung chi cho hoạt động nghiên cứu, phát triển của doanh nghiệp...

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, Trưởng ban soạn thảo Dự án Luật KH,CN,ĐMST

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, Trưởng ban soạn thảo Dự án Luật KH,CN,ĐMST

Bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn

Như vậy, Dự án Luật sẽ thiết lập các hành lang pháp lý đầy đủ để thúc đẩy sự phát triển của hệ thống ĐMST quốc gia, đồng thời khuyến khích hoạt động ĐMST trong doanh nghiệp, cộng đồng và trong các cơ quan quản lý nhà nước. Những quy định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi, ưu đãi nhằm thúc đẩy hoạt động KHCN&ĐMST.

Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Nguyễn Đức Minh đề xuất bổ sung một điều khoản khẳng định vai trò và vị thế mới của KHCN&ĐMST, coi đây là một quan điểm, nguyên tắc quan trọng trong Dự án Luật (dựa trên khoản 1 trong Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển KHCN&ĐMST và chuyển đổi số quốc gia). Bên cạnh đó, cần nêu rõ tên của các trung tâm, các viện nghiên cứu xuất sắc được thành lập để tập hợp các chuyên gia, các nhà khoa học từ các tổ chức nghiên cứu và phát triển, các cơ sở giáo dục đại học khác đến làm việc kiêm nhiệm nhằm tập trung nghiên cứu và phát triển trong một chủ đề được ưu tiên phát triển gồm 2 Đại học Quốc gia và 2 Viện Hàn lâm.

Đồng quan điểm, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phạm Bảo Sơn cho rằng, đối với các tổ chức nghiên cứu và phát triển công lập đặc biệt cần có cơ chế, chính sách riêng để tạo thuận lợi phát triển nghiên cứu mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới.

Đại diện Viettel khẳng định, Dự thảo Luật sẽ tạo ra cơ chế thông thoáng, giúp đơn giản hóa các quy trình xét duyệt và thực hiện các đề tài KH&CN, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, đặc biệt là trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ.

Đại biểu đến từ Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất bổ sung các nội dung liên quan đến chuyển đổi số vào Dự án Luật nhằm tạo dựng một khung pháp lý vững chắc cho công cuộc chuyển đổi số trong thời gian tới.

Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, Bộ KH&CN sẽ tổ chức các buổi làm việc với từng Bộ, ngành, lĩnh vực liên quan để làm rõ hơn các nội dung trong Dự án Luật; đồng thời, khẳng định sẽ tiếp thu tối đa những ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện Dự thảo Luật, đảm bảo tính khả thi và phù hợp với thực tiễn.

Nguyệt Thương

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tao-hanh-lang-phap-ly-thuc-day-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-quoc-gia-post536275.html
Zalo