TẠO HÀNH LANG PHÁP LÝ PHÁT HUY GIÁ TRỊ TÀI LIỆU LƯU TRỮ
Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) đang được xây dựng gồm 9 Chương, 48 Điều, nhằm tạo công cụ, hành lang pháp lý để tài liệu lưu trữ phục vụ tốt nhất cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
ĐỀ XUẤT 05 CHÍNH SÁCH LỚN TRONG KIẾN NGHỊ SỬA ĐỔI LUẬT LƯU TRỮ
Sáng 07/4, tại Hà Nội, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức gặp gỡ báo chí thông tin về xây dựng dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).
Thực hiện Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13.6.2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và theo phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ được giao chủ trì xây dựng dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi).
Việc xây dựng Luật Lưu trữ (sửa đổi) nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về việc ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ trong lĩnh vực lưu trữ, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lưu trữ, góp phần thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia và Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính và hội nhập quốc tế.
Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong quá trình xây dựng Luật Lưu trữ (sửa đổi), Bộ Nội vụ đã thực hiện tổng kết thi hành Luật Lưu trữ năm 2011; tổ chức các tọa đàm, hội thảo, xin ý kiến chuyên gia, nhà khoa học; tổ chức khảo sát thực tế; gửi lấy ý kiến góp ý, ý kiến phản biện bằng văn bản đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Bộ Nội vụ đang tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), dự kiến trình Chính phủ vào tháng 5.2023.
Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) dự kiến gồm 9 Chương, 48 Điều. Bên cạnh những nội dung kế thừa của Luật Lưu trữ năm 2011, dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) tập trung vào 4 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 3/12/2021.
Cụ thể, về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ, bổ sung các quy định về thẩm quyền quản lý tài liệu Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam theo hướng phân định rõ thẩm quyền quản lý cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ; tài liệu Phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam và Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam giữa cơ quan có thẩm quyền của Đảng và cơ quan quản lý Nhà nước về lưu trữ; phân cấp quản lý tài liệu lưu trữ giữa cơ quan lưu trữ của Nhà nước ở trung ương và ở địa phương; thẩm quyền quản lý tài liệu các ngành quốc phòng, công an, ngoại giao và thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ cấp xã.
Về tài liệu lưu trữ điện tử, làm rõ giá trị pháp lý của tài liệu lưu trữ điện tử; quy định những yêu cầu của Hệ thống quản lý tài liệu lưu trữ điện tử, Kho lưu trữ số; thực hiện nghiệp vụ về thu thập, bảo quản, sử dụng tài liệu lưu trữ điện tử.
Về quản lý tài liệu lưu trữ tư, quy định giá trị của tài liệu lưu trữ tư; trách nhiệm của Nhà nước, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc quản lý, sử dụng tài liệu lưu trữ tư; thành lập, tổ chức lại, giải thể và hoạt động của tổ chức lưu trữ tư.
Về hoạt động dịch vụ lưu trữ, quy định về hoạt động dịch vụ lưu trữ và điều kiện hoạt động dịch vụ lưu trữ; yêu cầu kinh doanh dịch vụ bảo quản tài liệu lưu trữ giấy và tài liệu lưu trữ trên các vật mang tin khác; quy định thẩm quyền và đối tượng được cấp, cấp lại, thu hồi Chứng chỉ hành nghề lưu trữ.
Theo Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Đặng Thanh Tùng, Luật Lưu trữ (sửa đổi) được xây dựng nhằm tạo ra sự thay đổi quan trọng trong giai đoạn phát triển tiếp theo của ngành lưu trữ Việt Nam, hướng đến cái đích cuối cùng là tài liệu lưu trữ thực sự phục vụ tốt nhất sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Dự kiến, dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu vào Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV, tháng 10/2023.