Tạo đột phá trong phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia
Chuyển đổi số được Đại hội XIII của Đảng xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Quán triệt, triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học-công nghệ, thời gian qua, công tác xây dựng, tạo lập, kết nối, chia sẻ dữ liệu đã đạt được một số kết quả tích cực, như: Bước đầu khởi tạo, hình thành 7 cơ sở dữ liệu quốc gia; một số cơ sở dữ liệu quốc gia đã có sự kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu góp phần cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân; hạ tầng công nghệ xây dựng các trung tâm dữ liệu bước đầu được quan tâm, đầu tư. Tuy nhiên, quá trình hoạt động đã bộc lộ những hạn chế như: Một số bộ, ngành không có hoặc có nhưng hạ tầng chưa đủ để triển khai các hệ thống công nghệ thông tin cốt lõi phục vụ các công tác nghiệp vụ; nhiều cơ sở dữ liệu được thu thập, lưu trữ trùng lặp, chồng chéo, chưa thống nhất về danh mục dữ liệu dùng chung, gây khó khăn khi kết nối, chia sẻ, khai thác; nhiều hệ thống thông tin còn lỗ hổng bảo mật, không đủ điều kiện kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; khó khăn trong việc khai thác, liên thông, cung cấp kịp thời dữ liệu để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công liên thông, phân tích thống kê, đưa ra các chỉ tiêu, chỉ số phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ.
Nhằm xây dựng một trụ cột quan trọng phục vụ quá trình chuyển đổi số quốc gia, hỗ trợ đắc lực và hiện đại hóa công tác quản lý xã hội, Nghị quyết số 175/NQ-CP ngày 30/10/2023 của Chính phủ phê duyệt Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia; dự kiến đến quý IV/2025, Trung tâm sẽ đi vào hoạt động, là nơi lưu trữ, tích hợp, đồng bộ, khai thác, chia sẻ, phân tích và điều phối tất cả các dữ liệu tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu liên quan đến con người, bao gồm người có quốc tịch Việt Nam và người có liên quan đến hoạt động kinh tế-xã hội tại Việt Nam theo quy định của pháp luật. Kho dữ liệu về con người, bao gồm các thông tin đã được số hóa có nội dung gắn với con người, như: Dữ liệu dân cư, bảo hiểm, y tế và an sinh xã hội, giáo dục và đào tạo, cán bộ công chức, viên chức, căn cước, hộ tịch, hoạt động tài chính, và các hoạt động khác từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương và các cơ sở dữ liệu khác sẽ sử dụng các dữ liệu đã được thu thập, đồng bộ để thực hiện đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cải thiện sự phục vụ của cơ quan nhà nước cho người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần tiến hành phân tích chuyên sâu nhằm hỗ trợ Chính phủ trong công tác quản lý nhà nước; đưa ra các chính sách an sinh liên quan đến bảo hiểm, y tế, giáo dục,... góp phần thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ cho xã hội. Từ đây, sẽ thúc đẩy hình thành thị trường dữ liệu, hỗ trợ phát triển sản phẩm dịch vụ dựa trên dữ liệu, các giao dịch thương mại trên môi trường số được thường xuyên, liên tục, an toàn và minh bạch hơn. Hình thành và từng bước mở rộng kho dữ liệu tổng hợp, kho dữ liệu mở để người dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng, phục vụ sáng tạo, triển khai các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số và xây dựng xã hội số.
Một trong những nội dung quan trọng của dự án Luật Dữ liệu đang trình tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV là quy định về việc xây dựng cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia. Cho ý kiến vào dự thảo luật, đa số các đại biểu Quốc hội đồng tình với việc cần thiết phải xây dựng Luật Dữ liệu, với kỳ vọng khi đưa vào đời sống sẽ là công cụ giải quyết, tháo gỡ các điểm nghẽn, cũng như tạo đột phá trong phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia và các hệ thống cơ sở dữ liệu khác hình thành trong tương lai. Bên cạnh đó, còn nhiều ý kiến băn khoăn về thực trạng dữ liệu cá nhân, doanh nghiệp bị lộ lọt, bị khai thác, mua bán trái phép nhưng chưa được kiểm soát, hệ thống thông tin còn các lỗ hổng bảo mật hoặc việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia với dân cư còn khó khăn. Do đó, các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải áp dụng các biện pháp bảo mật... Cần phải có chế tài nghiêm khắc để xử lý các vi phạm liên quan đến công tác bảo mật dữ liệu, theo đó các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu dữ liệu cá nhân bị rò rỉ hoặc bị đánh cắp do sơ suất trong quá trình bảo mật.
Để làm được điều đó, Trung tâm dữ liệu quốc gia cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng (Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học Công nghệ…) từ xây dựng, triển khai đến khi vận hành, trong tất cả các khâu: Phối hợp quản lý, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin khi các dữ liệu được đồng bộ về vùng dùng chung; kiểm tra, hỗ trợ giám sát, điều phối ứng phó sự cố an ninh mạng, an toàn thông tin; bố trí lực lượng, phương tiện thích hợp để phát hiện, ngăn chặn từ xa mọi hành vi xâm phạm Trung tâm dữ liệu quốc gia cả về địa lý và trên không gian mạng; làm chủ và ứng dụng các công nghệ số, dữ liệu số hình thành các sản phẩm, dịch vụ phục vụ phát triển chính phủ số, chính quyền số…