Tạo đột phá trong huy động nguồn lực đầu tư công

Qua giám sát công tác lập, quản lý đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, HĐND tỉnh Long An đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý về đầu tư công gắn với quyền hạn, trách nhiệm được giao; huy động lực lượng chuyên gia góp ý ngay từ đầu… Đặc biệt, cần có đột phá trong xây dựng, huy động nguồn lực thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, hàng năm đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững; bảo đảm sự hài hòa giữa đầu tư phát triển kinh tế và xã hội.

Chưa bố trí hài hòa giữa kinh tế và văn hóa

Đầu nhiệm kỳ, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, với tổng vốn ngân sách giao 26.592 tỷ. Sau 3 năm triển khai, HĐND tỉnh đã điều chỉnh kế hoạch đầu tư công phù hợp theo thực tế phát sinh. Đến nay, có tăng lên thêm khoảng 5.479 tỷ so với đầu nhiệm kỳ, tỷ lệ tăng là 51,43%; đã phân bổ 9.416 tỷ cho 144/184 dự án, đạt 58,36% so; tỷ lệ giải ngân giai đoạn 2021 - 2023 ở đạt 99,2% kế hoạch.

Theo đánh giá, công tác lập, phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn, hàng năm nhìn chung tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí và định mức theo quy định; công tác thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư công trình, dự án có tập trung, trọng tâm, trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, ưu tiên cho lĩnh vực giao thông, công nghệ thông tin; công tác thiết kế kỹ thuật, lập dự toán bảo đảm quy trình; công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định; không để nợ đọng trong đầu tư công. Đồng thời, công tác thanh toán, quyết toán vốn hoàn thành công trình, dự án từng bước được nâng cao, chấp hành đúng quy định pháp luật; hoạt động giám sát, thanh tra quản lý vốn đầu tư công được tăng cường.

 Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thị Hồng Phúc chủ trì khảo sát thực tế công trình đầu tư Bờ kè thị trấn Tân Thạnh

Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thị Hồng Phúc chủ trì khảo sát thực tế công trình đầu tư Bờ kè thị trấn Tân Thạnh

Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy, việc phân bổ vốn chưa bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế và văn hóa xã hội (68%/32%). Việc lập, bố trí kế hoạch vốn của một số ngành chuẩn bị đầu tư chưa tốt, khảo sát chưa sát, chất lượng dự báo còn thấp, dẫn đến một số dự án phải điều chỉnh nhiều lần, chủ yếu do phát sinh thêm quy mô, điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư. Tiến độ thực hiện một số công trình trọng điểm chưa đạt kế hoạch. Một số dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, tiến độ thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025, nhưng phải điều chỉnh kéo dài thời gian qua giai đoạn sau...

Trong các vướng mắc hiện nay, có một số quy định Luật Đầu tư công chưa đồng bộ, thống nhất, gây khó khăn trong quản lý của địa phương, hoặc còn chồng chéo giữa Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương bị cắt giảm nhiều so với dự toán của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 ban đầu, làm ảnh hưởng đến kế hoạch vốn chung. Trung ương giao vốn một số chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và kết quả giải ngân dự án. Ngân sách tỉnh còn hạn chế nên chưa thể cân đối, bố trí đủ vốn thực hiện các dự án theo kế hoạch.

Nâng cao chất lượng công tác lập dự án

Qua giám sát, HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành tỉnh và địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý về đầu tư công gắn với quyền hạn, trách nhiệm được giao. Thực hiện tốt công tác rà soát, đánh giá năng lực của chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án để kiện toàn tổ chức, bộ máy, tuyển dụng nguồn nhân lực, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ phù hợp với việc phân cấp trong đầu tư, đáp ứng yêu cầu về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả. Đồng thời, huy động lực lượng chuyên gia góp ý ngay từ đầu, hạn chế điều chỉnh dự án nhiều lần, do phát sinh thêm quy mô, điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư.

HĐND tỉnh yêu cầu cần có sự đột phá trong xây dựng, huy động nguồn lực thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, hàng năm để đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh. Trong đó, có nguồn lực từ việc tạo quỹ đất sạch để bán đấu giá khi thực hiện các công trình giao thông trọng điểm, các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước; phân bổ vốn đầu tư công cần bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và xã hội; bảo đảm đúng nguyên tắc phân bổ và gắn với tình hình thực tế phát sinh; cân đối giảm tối đa số lượng các dự án đầu tư mới để tập trung ưu tiên phân bổ vốn hoàn thành các dự án lớn, quan trọng trong nhiệm kỳ 2020 - 2025; chú trọng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả dự án đầu tư công, bảo đảm tính đồng bộ, toàn diện khi xây dựng kế hoạch, lập dự án đầu tư. Trong đó, đối với các lĩnh vực đặc thù như văn hóa, công trình kiến trúc lớn, cần bao gồm trong dự án về yêu cầu duy tu, bảo trì, cơ chế vận hành sau đầu tư.

Đồng thời, triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm hoàn thành mục tiêu đầu tư theo chủ trương được duyệt, nhất là các dự án sử dụng nguồn vốn Trung ương. Tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về đầu tư công, kịp thời phát hiện những hạn chế, thiếu sót và xử lý các sai phạm theo thẩm quyền; chỉ đạo thực hiện hài hòa, đồng bộ giữa giám sát chuyên ngành với giám sát đầu tư của cộng đồng đối với các dự án đầu tư công theo luật định.

Song song đó, HĐND tỉnh kiến nghị đến Đoàn ĐBQH tỉnh về các bất cập liên quan đến pháp luật đầu tư công để tham gia ý kiến góp phần hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện thuận lợi trong điều hành, quản lý về đầu tư công tại địa phương; đồng thời tăng cường phối hợp với cơ quan Trung ương trong bổ sung, hỗ trợ có mục tiêu cho địa phương bảo đảm tính chủ động, kịp thời trong bố trí danh mục và phân bổ kế hoạch vốn.

MINH QUÂN

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tao-dot-pha-trong-huy-dong-nguon-luc-dau-tu-cong-post392200.html
Zalo