Tạo đồng thuận để bảo vệ di sản văn hóa tốt hơn

Nghị quyết số 43-NQ/TW của Ðảng 'Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc' ban hành ngày 24/11/2023, đề ra mục tiêu, tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến và xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Hoàng thành Thăng Long được đánh giá là hình mẫu trong bảo tồn di sản ở Việt Nam. (Ảnh: GIANG NAM)

Hoàng thành Thăng Long được đánh giá là hình mẫu trong bảo tồn di sản ở Việt Nam. (Ảnh: GIANG NAM)

Một trong những nhóm giải pháp được nêu trong Nghị quyết số 43 là phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tiềm năng và sức sáng tạo của nhân dân, theo đó, cần xây dựng cơ chế phù hợp để nhân dân tham gia ý kiến vào quá trình hoạch định chính sách, quyết định những vấn đề lớn và quan trọng của đất nước, những vấn đề liên quan mật thiết đến cuộc sống của người dân; nêu cao tinh thần cầu thị, tiếp thu, trách nhiệm thông tin, giải trình của các cơ quan nhà nước đối với những kiến nghị, đề xuất của nhân dân theo quy định; phát huy dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong xã hội; tăng cường đồng thuận xã hội gắn với đề cao ý thức trách nhiệm của công dân.

Ðối với lĩnh vực văn hóa, vấn đề nêu trong Nghị quyết đã giúp những người làm công tác văn hóa định hướng rõ hơn trong triển khai các nhiệm vụ bảo vệ và phát huy các giá trị di sản, thực hiện hiệu quả công cuộc chấn hưng và phát triển nền văn hóa Việt Nam.

PGS, TS Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Trong thực tế công việc hằng ngày, các cán bộ quản lý văn hóa rất cần những ý kiến tham gia góp ý từ người dân để nhiệm vụ phát triển và bảo tồn di sản đi đúng hướng. Cán bộ văn hóa cần luôn cố gắng nắm sát tình hình, thật sự "ba cùng" với nhân dân, từ đó tạo ra sự đồng thuận từ cán bộ và những thành viên cộng đồng đối với di sản của chính họ. Từ việc tạo mối quan hệ gần gũi, nắm bắt yếu tố văn hóa từ cộng đồng, giúp công tác quản lý nhà nước về di sản kịp thời phát hiện, điều chỉnh một số vụ việc gây bức xúc trong cộng đồng như: Ghi danh Lễ giỗ bà Phi Yến, đưa trang phục và diễn xướng hầu đồng lên sân khấu, đưa phù điêu và bài vị vua Quang Trung vào nơi chưa đủ tài liệu, căn cứ khoa học xác thực, và gần đây đã kịp thời dừng việc đưa các hiện vật vào trong di tích Phủ Vân Cát (Nam Ðịnh) trái với Luật Di sản văn hóa …

Thực tế cho thấy, ở một số đơn vị, địa phương, nhận thức về di sản và cách thức bảo vệ, phát huy các giá trị di sản văn hóa có lúc, có nơi vẫn còn lệch lạc. Với các di tích, việc Nhà nước và cả cộng đồng tăng cường đầu tư trùng tu, tôn tạo những năm gần đây đã tạo ra nhiều biến đổi tích cực trong đời sống vật chất, tinh thần chung quanh các di sản, di tích. Nhưng thực tế còn tồn tại không ít sự xâm hại di sản do sự quản lý văn hóa đã xa rời đời sống văn hóa của cộng đồng, hoặc do ý muốn chủ quan của một bộ phận cán bộ quản lý văn hóa.

Với di sản văn hóa phi vật thể, một trong những nguyên tắc bảo tồn căn bản được nhấn mạnh là: Trao quyền cho các cộng đồng sở hữu di sản quyết định di sản của họ được biến đổi, phát triển, trao truyền như thế nào… nguyên tắc này đôi khi chưa được quan tâm đúng mức.

Ðể giữ gìn tốt các di tích, di sản, trước hết các cơ quan quản lý văn hóa, các cán bộ làm công tác văn hóa cùng với cộng đồng cần coi những giá trị của các di tích, di sản chính là báu vật cần trân trọng, bảo vệ rồi có thể quảng bá, khai thác, biến nó thành một điểm sáng văn hóa-du lịch.

Người làm công tác lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan quản lý văn hóa cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc vai trò quan trọng của sức mạnh đại đoàn kết và sự đồng thuận trong cộng đồng.

Các cán bộ văn hóa phải nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, phát huy vai trò của người có uy tín, cùng cộng đồng bảo vệ di sản. Ðể tăng cường đồng thuận xã hội còn cần nêu cao tinh thần cầu thị, nêu cao trách nhiệm thông tin và giải trình của các cơ quan quản lý văn hóa, kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan, nhất là những sự việc gây bức xúc trong cộng đồng và dư luận.

Trong bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm Quốc khánh 2/9 vừa qua; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, lấy đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế trong sáng làm động lực, huy động mạnh mẽ sức dân, gắn kết chặt chẽ ý Ðảng với lòng dân làm nền tảng để Việt Nam sẽ tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Theo đồng chí Lê Thị Thu Hiền, việc cụ thể hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhằm bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, phát huy nội lực, vươn lên cùng phát triển thông qua chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cộng đồng, nâng cao dân trí, giữ gìn tiếng nói, chữ viết, bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; góp phần giúp người dân thật sự là chủ thể sáng tạo và được thụ hưởng trong lĩnh vực văn hóa.

NGỮ THIÊN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tao-dong-thuan-de-bao-ve-di-san-van-hoa-tot-hon-post837935.html
Zalo