Tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Thường Xuân
Thường Xuân là một trong những địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ 2021-2025, theo Quyết định 1719/QĐ-TTg, ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ (viết tắt Chương trình 1719). Thông qua các dự án thuộc chương trình đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh (QP-AN), nâng cao đời sống Nhân dân, đặc biệt người dân ở các địa bàn khó khăn, vùng đồng bào DTTS. Phóng viên Báo Thanh Hóa có dịp phỏng vấn ông Cầm Bá Đứng, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân xoay quanh chủ đề trên.
PV: Xin ông cho biết việc triển khai và những kết quả đạt được trong thực hiện Chương trình 1719 tại huyện Thường Xuân thời gian qua?
Ông Cầm Bá Đứng: Thường Xuân là huyện miền núi biên giới, nằm ở phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, là một trong 62 huyện nghèo trong cả nước. Toàn huyện có 16 xã, thị trấn, trong đó có 14 xã, thị trấn thuộc vùng đồng bào DTTS&MN (1 xã khu vực III, 3 xã khu vực II và 10 xã khu vực I), với 124 thôn bản (21 thôn bản đặc biệt khó khăn). Dân số của huyện là 22.876 hộ, với 96.802 nhân khẩu, có 3 dân tộc là Kinh, Thái, Mường. Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cấp xã đã tích cực, chủ động triển khai các giải pháp thực hiện có hiệu quả các nghị quyết đại hội đảng các cấp, đặc biệt thực hiện 3 chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 (NTM, giảm nghèo bền vững và phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN) nhằm sớm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết, chương trình giai đoạn 2021-2025 đề ra.
Cùng với việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH; cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung chỉ đạo thực hiện Chương trình 1719 theo chương trình, kế hoạch đã ban hành, trong đó, nổi bật là: Ban Thường vụ Huyện ủy đã tổ chức hội nghị học tập, nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình 1719 đến toàn thể cán bộ chủ chốt cấp huyện, xã. Ban chỉ đạo thực hiện các chương trình MTQG huyện, UBND huyện đã tổ chức hội nghị triển khai chương trình đến toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn huyện. Tại hội nghị giao ban định kỳ hàng tháng, Ban Thường vụ Huyện ủy quan tâm dành thời gian nghe báo cáo kết quả, tiến độ thực hiện chương trình trên địa bàn trong tháng, bàn, thảo luận tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, định hướng nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện trong các tháng tiếp theo. Trên cơ sở các chủ trương, nghị quyết về chương trình của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện đã cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch để tổ chức thực hiện đồng bộ từ huyện đến xã. Giai đoạn 2022-2024, tổng nguồn vốn (gồm vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp) Trung ương giao để thực hiện Chương trình 1719 là 189,9 tỷ đồng, với 10 dự án. Có thể nhắc đến một số dự án như: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS&MN và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc; Phát triển giáo dục - đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch; Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS&MN...
PV: Xin ông cho biết, tác động của chương trình MTQG nói chung, Chương trình 1719 nói riêng đối với tình hình KT-XH, QP-AN trên địa bàn huyện Thường Xuân?
Ông Cầm Bá Đứng: Những năm qua, thực hiện các chương trình MTQG nói chung, Chương trình 1719 riêng, huyện Thường Xuân luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các ban, sở, ngành cấp tỉnh; Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, kịp thời triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách; sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp và sự đồng tình, ủng hộ với tinh thần, trách nhiệm cao của Nhân dân các dân tộc trong huyện.
Các chương trình, dự án đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN được triển khai sớm, cơ sở hạ tầng từng bước đồng bộ và phát huy hiệu quả. Các chính sách trực tiếp và gián tiếp triển khai đảm bảo công khai, minh bạch, đúng mục tiêu, đối tượng, giải quyết căn bản các nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo, cùng với diện mạo nông thôn thay đổi tích cực đã tạo điều kiện cho đồng bào chủ động, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 31,6 triệu đồng, tăng 8,43 triệu đồng so với năm 2021; tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 theo tiêu chí mới 15,13%. Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người đạt 40,6 triệu đồng, vượt kế hoạch đề ra (40 triệu đồng). Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất các ngành, lĩnh vực năm 2024 đạt 6%, đứng thứ 17 toàn tỉnh và đứng thứ 4 trong 11 huyện miền núi, đạt kế hoạch đề ra (6%). Đến nay, tỷ lệ đường giao thông đến trung tâm xã được cứng hóa đạt 100%; tỷ lệ thôn có đường giao thông cứng hóa đạt 73%. Từ đầu tư hạ tầng đã tạo thuận lợi cho thu hút các công ty, doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động ở các xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS. Chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục được nâng lên; chất lượng giáo dục đại trà chuyển biến tích cực, chất lượng giáo dục mũi nhọn duy trì trong tốp đầu 11 huyện miền núi; QP-AN được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
PV: Xin ông cho biết nhiệm vụ, giải pháp được đặt ra trong thời gian tới, góp phần triển khai hiệu quả Chương trình 1719, thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn huyện Thường Xuân?
Ông Cầm Bá Đứng: Bên cạnh kết quả đạt được, Thường Xuân vẫn là huyện còn nhiều khó khăn, có địa bàn rộng, sông suối chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, thiên tai thường xảy ra làm nhanh xuống cấp các công trình; diện tích đất rộng nhưng chủ yếu là đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; tỷ lệ hộ nghèo còn cao; điều kiện, trình độ phát triển KT-XH giữa các vùng không đồng đều, nhất là trình độ, kỹ năng lao động, sự cần cù, nhạy bén trong sản xuất, kinh doanh. Chương trình 1719 tích hợp số lượng dự án, tiểu dự án và nội dung thành phần nhiều, số lượng văn bản quy định, hướng dẫn lớn liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành xây dựng, tham mưu, ban hành, trong những năm đầu thực hiện một số văn bản còn thiếu, số văn bản đã ban hành nhưng cần phải chờ các cơ quan Trung ương soạn thảo hướng dẫn, HĐND và UBND tỉnh quy định chi tiết; sau khi có đầy đủ các quy định và hướng dẫn của cấp có thẩm quyền, UBND huyện mới có cơ sở xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức triển khai thực hiện. Khó khăn nhất của huyện Thường Xuân đó là triển khai thực hiện các Dự án 1, 3, 5, 6. Trong đó, đối với Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Nội dung 01 (Dự án 1): Hỗ trợ đất ở, quy định của Chương trình 1719, đối tượng được phê duyệt hỗ trợ phải nhận chuyển nhượng đất ở xong mới được nhận tiền hỗ trợ, mức hỗ trợ có 40 triệu đồng nhưng thủ tục trích đo, chuyển nhượng phải có thời gian thực hiện, địa phương mong muốn quy trình quy định ngắn gọn, miễn, giảm các khoản thuế, phí cho đối tượng thuộc nội dung hỗ trợ này. Nội dung 04 (Dự án 1): Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, hiện nay, theo Nghị quyết số 24 của HĐND tỉnh Thanh Hóa có quy định về thẩm quyền mua sắm tài sản công, chủ tịch UBND cấp xã chỉ được quyết định mua sắm tài sản dưới 200 triệu đồng/dự toán mua sắm hoặc đơn vị mua sắm, nên đang vướng mắc chưa thực hiện được, địa phương mong muốn các ngành chức năng “tháo gỡ” quy định về thẩm quyền mua sắm hiện vật cấp cho các đối tượng được hỗ trợ theo chương trình.
Trong thời gian tới, huyện Thường Xuân tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình 1719, nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, vận động tạo sự thống nhất cao trong toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong thực hiện. Huy động mọi nguồn lực thực hiện chương trình, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, sớm đưa huyện Thường Xuân thoát khỏi huyện nghèo trong tương lai.