Tạo động lực phát triển mới từ quy hoạch tỉnh - Bài 1

Bài 1: Phấn đấu có nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững

Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ cuối năm 2023. Nội dung quy hoạch nêu rõ quan điểm, định hướng phát triển và mục tiêu của tỉnh đến cuối thời kỳ quy hoạch cũng như tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch bố trí không gian phát triển và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; đề ra các khâu đột phá để thu hút đầu tư phát triển; thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Tuy nhiên, chặng đường triển khai thực hiện quy hoạch tỉnh còn nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, tỉnh cần có nhiều giải pháp để quy hoạch tỉnh thật sự là động lực phát triển mới của địa phương.

Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp các cấp, ngành, cơ quan, tổ chức, nhân dân và doanh nghiệp thống nhất trong nhận thức và hành động. Quy hoạch tỉnh xác định, phấn đấu đến năm 2030 Cao Bằng trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển nhanh, năng động, xanh, bền vững và toàn diện. Đây là mục tiêu hàng đầu để tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch tỉnh nghiêm túc, đồng bộ và hiệu quả.

Quy hoạch tỉnh nhấn mạnh, xây dựng Cao Bằng thành tỉnh có nền kinh tế phát triển toàn diện, đạt trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình của vùng trung du miền núi Bắc Bộ. Để làm được điều đó, tỉnh cần phải cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông liên kết nội tỉnh và liên tỉnh; tạo bước phát triển mới cho công nghiệp chế biến và khai thác khoáng sản; phát triển nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Hình thành một số vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, đặc sản; xây dựng kinh tế cửa khẩu, du lịch phát triển nhanh, bền vững; chủ động ứng phó với thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước. Xây dựng Cao Bằng từng bước hình thành trung tâm trung chuyển hàng hóa, logistics Việt Nam - Trung Quốc của vùng; trung tâm giao thương kinh tế, văn hóa, đối ngoại giữa Việt Nam với các tỉnh phía Tây, Tây Nam của Trung Quốc và các nước ASEAN.

Quy hoạch xác định, các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa - xã hội được phát triển toàn diện; bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng cao, trật tự an toàn xã hội bảo đảm. Hợp tác đối ngoại được mở rộng, quốc phòng - an ninh vững mạnh, chủ quyền biên giới quốc gia được bảo vệ vững chắc.

Toàn cảnh thành phố Cao Bằng.

Toàn cảnh thành phố Cao Bằng.

Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh Nông Văn Bộ cho biết: Quy hoạch tỉnh được thông qua đã tạo ra vận hội, cơ hội mới cho sự phát triển của tỉnh nói chung và huyện Trùng Khánh nói riêng. Căn cứ quy hoạch tỉnh, huyện Trùng Khánh định hướng tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại, dịch vụ biên mậu, du lịch, đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở đô thị. Đến năm 2030, thị trấn Trùng Khánh đạt tiêu chí đô thị loại IV và là điểm đầu của tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng). Đây là cơ hội để huyện bứt phá trong thời gian tới.

Những năm qua, ngành công nghiệp của tỉnh có những bước phát triển đáng kể, tuy nhiên hạ tầng các khu, cụm công nghiệp chậm được đầu tư xây dựng; kết cấu hạ tầng giao thông, điện, cấp thoát nước, thu gom chất thải còn thiếu đồng bộ. Các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn quy mô nhỏ lẻ, nguồn nhân lực chất lượng thấp, dây chuyền công nghệ lạc hậu… đã làm cho ngành công nghiệp của tỉnh chưa tạo được sự bứt phá, xứng với tiềm năng của tỉnh.

Theo Giám đốc Sở Công thương Đồng Thị Kiều Oanh, nhận thức rõ những hạn chế, Quy hoạch tỉnh được thông qua đã xác định ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp phù hợp với tiềm năng của tỉnh, trọng tâm là công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, công nghiệp luyện kim, cơ khí phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn…Trên tinh thần đó, Quy hoạch tỉnh xác định mở rộng khu công nghiệp Chu Trinh, thành lập khu công nghiệp ở Đông Khê; xem xét thành lập mới Khu công nghiệp Chu Trinh 2 và Tiên Thành… Quy hoạch tỉnh định hướng đến năm 2050 có nền kinh tế kết nối, phát triển năng động, xanh, bền vững, toàn diện, trở thành một trong những tỉnh phát triển khá, là một trong những đầu mối giao lưu quốc tế quan trọng và là động lực phát triển kinh tế cửa khẩu, du lịch - dịch vụ của vùng trung du miền núi Bắc Bộ. Giữ vị trí quan trọng của quốc gia về bảo đảm quốc phòng - an ninh, môi trường khu vực đầu nguồn. Bản sắc văn hóa của tỉnh được bảo tồn và phát huy, người dân được hưởng thụ các dịch vụ cơ bản có chất lượng cao; môi trường tự nhiên có chất lượng tốt, xã hội hài hòa với thiên nhiên. Hợp tác đối ngoại được mở rộng, quốc phòng - an ninh vững mạnh, chủ quyền biên giới quốc gia được bảo vệ vững chắc.

Tỉnh phấn đấu thời kỳ 2021 - 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt 9,72%/năm, GRDP bình quân/người khoảng 102 triệu đồng (giá hiện hành). Thu ngân sách Nhà nước tăng bình quân trên 12%/năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 160.000 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tăng bình quân cả giai đoạn, đến năm 2030 tăng khoảng trên 10%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 bình quân giảm trên 4,0%/năm; duy trì mức giảm tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2030. Toàn tỉnh có 75 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Bài 2: Tinh thần dám nghĩ, dám làm

Đăng Hiếu

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/tao-dong-luc-phat-trien-moi-tu-quy-hoach-tinh-bai-1-3173775.html
Zalo