Tạo động lực phát triển bứt phá, toàn diện trong kỷ nguyên mới

Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng cho biết ngân hàng sẽ nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Chính sách xã hội. (Ảnh: Vietnam+)

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Chính sách xã hội. (Ảnh: Vietnam+)

Đảng bộ Ngân hàng Chính sách xã hội vừa ban hành Nghị quyết số 2093/NQ-ĐU về việc thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong Ngân hàng Chính sách xã hội.

Không có ranh giới với đổi mới, sáng tạo

Lên huyện vùng cao Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu gặp chị Lù Thị Dung - Trưởng Kế toán Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nậm Nhùn mới thấu hiểu đổi mới, sáng tạo luôn vượt qua mọi ranh giới địa lý.

Vào ngành từ năm 2008. Hiện chị Lù Thị Dung đang công tác tại huyện nghèo miền núi biên giới, trình độ dân trí còn thấp, dẫn tới nhiều khó khăn trong hoạt động nghiệp vụ, nhưng chị đã vượt qua những khó khăn của cá nhân, không ngừng sáng tạo, tham gia và thực hiện các sáng kiến, giải pháp áp dụng trong triển khai thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, mang lại hiệu quả thiết thực. Như việc đồng sáng kiến “Giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi cho vay đối với cho vay Nhà ở xã hội tại Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nậm Nhùn” đã góp phần không để xảy ra các sai sót về xác định mức cho vay vượt nhu cầu vay vốn, xác định tỷ lệ khối lượng hoàn thành vượt quá tỷ lệ khối lượng vật liệu đã mua/tổng khối lượng dự toán đã làm giảm thời gian triển khai cho vay và nâng cao chất liệu hiệu quả vốn vay.

Hay như “Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động ủy nhiệm của Tổ tiết kiệm và vay vốn tại Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nậm Nhùn” mà chị tham gia đã thúc đẩy hoạt động các Tổ tiết kiệm và vay vốn được nâng lên và đi vào ổn định với việc chấm điểm đánh giá chất lượng hoạt động ủy nhiệm. Đáng nói 5 năm gần đây, năm nào chị cũng có mặt trong ít nhất 1 sáng kiến của đơn vị.

Điển hình trong trong Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” giai đoạn 2020 - 2021 do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, riêng Ngân hàng Chính sách xã hội đã có 1.030 sáng kiến góp phần giúp hoạt động tín dụng chính sách xã hội không chỉ không bị gián đoạn trong giai đoạn dịch mà còn trở thành một động lực phát triển kinh tế của nhiều địa phương.

Đó chỉ là một vài nét chấm phá về những đổi mới sáng tạo và áp dụng công nghệ vào hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội trong những năm qua.

Ngân hàng Chính sách xã hội đã tăng cường đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, đẩy mạnh số hóa quy trình nghiệp vụ và phát triển các sản phẩm, dịch vụ nhằm hiện đại hóa hoạt động ngân hàng, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng và nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình tín dụng chính sách.

 Nghị quyết của Đảng ủy Ngân hàng Chính sách xã hội TW đề ra những mục tiêu rất cụ thể, đổi mới cách nghĩ, cách làm, giải phóng năng lực để thúc đẩy đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. (Ảnh: Vietnam+)

Nghị quyết của Đảng ủy Ngân hàng Chính sách xã hội TW đề ra những mục tiêu rất cụ thể, đổi mới cách nghĩ, cách làm, giải phóng năng lực để thúc đẩy đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. (Ảnh: Vietnam+)

Hiện Ngân hàng Chính sách xã hội đang triển khai nâng cấp hệ thống Intellect Core banking lên nền tảng ngân hàng số nhằm cung cấp đến khách hàng dịch vụ ngân hàng hiện đại. Nghiên cứu, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ trên hệ thống Mobile banking. Triển khai ứng dụng Quản lý tín dụng chính sách trong toàn hệ thống góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý tín dụng chính sách của Chính phủ...

Đột phá mới từ tư duy và khơi thông các nguồn lực

Tuy nhiên, tốc độ, quy mô, tiềm lực, trình độ chuyển đổi số của Ngân hàng Chính sách xã hội vẫn còn chậm, thấp so với xu thế phát triển chung và chuyển đổi số trong Ngành ngân hàng. Trước thách thức đó và bối cảnh hiện nay yêu cầu phải có sự đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong ngân hàng.

Nghị quyết xác định rõ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là yếu tố then chốt, quan trọng hàng đầu để Ngân hàng Chính sách xã hội nâng cao năng lực hoạt động, phát triển nhanh và bền vững, duy trì được vai trò là định chế tài chính công thực hiện có hiệu quả các chính sách xã hội của Chính phủ, tập trung vào những lĩnh vực mà các tổ chức tài chính hoạt động theo nguyên tắc thị trường không thể đáp ứng hoặc chỉ đáp ứng được một phần.

Các mục tiêu cũng đã được lượng hóa cụ thể. Trong đó, đến năm 2030 sẽ xây dựng hạ tầng công nghệ số hiện đại, đáp ứng 100% yêu cầu về tích hợp, kết nối, chia sẻ, chia sẻ đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia và với cơ sở dữ liệu các bộ ngành, địa phương để cung ứng sản phẩm, dịch vụ và khai thác dữ liệu phục vụ hoạt động tín dụng chính sách.

Mở rộng hệ sinh thái số, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ với các tính năng hiện đại, chi phí hợp lý hướng tới 70% các nghiệp vụ liên quan đến khách hàng có thể thực hiện trên môi trường số, trên 90% tài khoản thanh toán thực hiện các giao dịch thanh toán điện tử, tỷ trọng các khoản thu từ kênh số đạt trên 30%. Ít nhất 70% thủ tục liên quan đến quy trình cho vay và xử lý các nghiệp vụ của Ngân hàng Chính sách xã hội liên quan đến khách hàng được thực hiện theo hướng số hóa, tự động.

Đến năm 2030, Ngân hàng Chính sách xã hội trở thành ngân hàng thuộc nhóm 30 ngân hàng trong nước dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam (chỉ số Vietnam ICT index) do Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá hằng năm.

Đến năm 2045, Ngân hàng Chính sách xã hội có trình độ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phát triển vững chắc và trở thành ngân hàng thuộc nhóm 20 ngân hàng trong nước dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số Vietnam ICT index. Trong đó ứng dụng công nghệ số trong mọi hoạt động ngân hàng, từ vận hành nội bộ đến cung cấp dịch vụ cho khách hàng, hướng tới ngân hàng số hoàn toàn. Phát triển ngân hàng mở (Open banking); Cung cấp các sản phẩm tài chính linh hoạt, cá nhân hóa theo nhu cầu khách hàng; Phát triển dịch vụ tài chính toàn diện đến tất cả các đối tượng khách hàng của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, ông Dương Quyết Thắng - Bí thư Đảng ủy - Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương cho biết, Ngân hàng đã đề ra 7 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Trong đó nhấn mạnh đến giải pháp quan trọng nhất là nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong toàn hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội.

Ngân hàng Chính sách xã hội cũng sẽ sớm hoàn thiện, bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Có cơ chế, chính sách thuê chuyên gia tư vấn/chuyên gia khoa học, công nghệ nhằm phục vụ hiệu quả hoạt động phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của Ngân hàng Chính sách xã hội. Bố trí ít nhất 3% tổng nguồn vốn được phép sử dụng để đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm tài sản cố định phục vụ hoạt động của ngân hàng theo quy định cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Cùng với việc tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong hoạt động. Trong đó, nghiên cứu, phát triển đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ theo hướng hiện đại, tiện lợi, dễ sử dụng, chi phí phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của khách hàng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người có thu nhập thấp, người yếu thế, các doanh nghiệp nhỏ, các hợp tác xã, nhằm thực hiện tốt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phù hợp với hoạt động của ngân hàng.

Ông Dương Quyết Thắng cho biết thêm, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ tăng cường hợp tác trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tận dụng các nguồn lực tri thức và nguồn vốn từ các quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo để đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, phát triển công nghệ mới áp dụng vào hoạt động của ngân hàng. Tận dụng các nguồn lực hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu để nâng cao trình độ, năng lực thực hiện nhiệm vụ cho cán bộ, người lao động. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống thông tin.

Và để Nghị quyết phát huy hiệu lực hiệu quả tối đa nhất, ông Dương Quyết Thắng nhấn mạnh đến yếu tố then chốt đó là nguồn nhân lực. Với mục tiêu phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tới đây Ngân hàng sẽ xây dựng chế độ ưu đãi nhằm thu hút, tuyển dụng, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, trong đó chú trọng đến nguồn nhân lực công nghệ thông tin là lực lượng nòng cốt trong hoạt động ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số của ngân hàng./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/tao-dong-luc-phat-trien-but-pha-toan-dien-trong-ky-nguyen-moi-post1034819.vnp
Zalo