Tạo động lực hình thành chuẩn mực văn hóa giao thông

Nghị định số 168/2024/NĐ-CP (Nghị định 168) ban hành ngày 26/12/2024, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, tăng nặng mức xử phạt nhiều hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã tác động lớn đến nhận thức, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Chỉ sau thời gian ngắn, số vụ tai nạn giao thông giảm cả ba tiêu chí, văn hóa tham gia giao thông được định hình, đập tan những luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch, phản động, thành phần bất mãn, cơ hội chính trị.

Tại nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, mặc dù lượng phương tiện qua nút giao lớn, tuy nhiên không xảy ra tình trạng lộn xộn tại nút giao. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN.

Tại nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, mặc dù lượng phương tiện qua nút giao lớn, tuy nhiên không xảy ra tình trạng lộn xộn tại nút giao. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN.

Các cơ quan chức năng, lực lượng thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông xác định mục tiêu của Nghị định 168 không phải để tăng mức thu tiền phạt nộp ngân sách nhà nước mà thể hiện quyết tâm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ của người tham gia giao thông.

Bước đầu hình thành văn hóa giao thông

Tại Việt Nam, nhất là các thành phố lớn nhiều năm qua, ý thức chấp hành luật khi tham gia giao thông của một bộ phận không nhỏ người dân chưa cao. Tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ, lấn làn, đi trên vỉa hè, mạnh ai người đó đi… diễn ra phổ biến đến mức trở thành hành vi tham gia giao thông xấu xí, hỗn loạn, thể hiện sự coi thường pháp luật. Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an xác định, việc không chấp hành quy định khi tham gia giao thông là nguyên nhân chính dẫn tới hàng loạt vụ tai nạn nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người, tài sản.

Năm 2024, toàn quốc xảy ra hơn 21.500 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết gần 10.000 người, bị thương hơn 16.000 người. Năm 2023, toàn quốc xảy ra hơn 22.000 vụ tai nạn giao thông, làm chết hơn 11.600 người, bị thương gần 15.300 người… Không chỉ thiệt hại về người, số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới còn cho thấy, mỗi năm ở Việt Nam, tai nạn giao thông gây thiệt hại khoảng 2,9% GDP, tương đương mỗi ngày thiệt hại khoảng 400 tỷ đồng. Xuất phát từ thực tế nêu trên và để dần định hình chuẩn mực văn hóa giao thông, với mục tiêu hướng tới giảm tai nạn giao thông, để người dân ra đường an toàn, Chính phủ đã ban hành Nghị định 168, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm trong giấy phép lái xe.

Sau 15 ngày Nghị định 168 có hiệu lực, từ ngày 1 đến ngày 14/1, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã phát hiện, xử lý hơn 174.600 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, chứng chỉ chuyên môn gần 17.600 trường hợp; tạm giữ 955 ô-tô, hơn 49.600 mô-tô; gần 12.700 trường hợp bị trừ điểm giấy phép lái xe. Như vậy, so với thời gian trước liền kề, xử phạt giảm gần 22.800 trường hợp (-11,54%). Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông cho biết: Nghị định 168 ban hành với nhiều hành vi tăng nặng mức xử phạt đã tác động sâu sắc đến nhận thức, nâng cao đáng kể ý thức của người tham gia giao thông. Người tham gia giao thông đã tự giác chấp hành đèn tín hiệu giao thông kể cả khi không có cảnh sát giao thông kiểm tra, kiểm soát; nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… Bước đầu hình thành văn hóa khi tham gia giao thông, tạo hình ảnh giao thông, đô thị văn minh với bạn bè thế giới, được người dân ủng hộ.

Tỉnh táo trước những luận điệu xuyên tạc

Với kinh nghiệm lái xe ta-xi hơn 10 năm, lái xe Vũ Văn Thoan cho biết: "Nghị định 168 chẳng hề gây "rắc rối" gì cho tôi cả. "Cánh" tài xế chúng tôi quan tâm đến Nghị định này từ khi còn là dự thảo. Quan tâm để biết, để hiểu mà chấp hành tốt. Việc tăng các mức xử phạt cao đến đâu mà mỗi người đều có ý thức tham gia giao thông đúng luật thì lo gì phạt". Chị Đặng Tố Tâm, nhà ở quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội cho biết: "Thời gian dừng đèn đỏ giao thông có lâu hơn trước, tuy nhiên, tôi không cảm thấy phiền hà. Là người vợ, người mẹ, tôi mong muốn, mỗi bữa cơm chiều tôi được đón chồng con trở về an toàn, mạnh khỏe. Việc tăng nặng chế tài xử phạt là biện pháp hữu hiệu để lập lại trật tự an toàn giao thông".

Hiệu quả tích cực của Nghị định 168 đem lại chỉ sau một thời gian ngắn đã rõ rệt, tuy nhiên, vẫn có một số ý kiến cho rằng Nghị định 168 là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông; mức phạt cao chưa phù hợp với mức thu nhập chung của người dân. Có ý kiến còn băn khoăn về việc đèn tín hiệu có thể gặp trục trặc, dẫn đến xử phạt "oan". Liên quan vấn đề những cột đèn tín hiệu giao thông có hiện tượng "đang xanh bỗng dưng chuyển sang đỏ", đại diện Cục Cảnh sát giao thông khẳng định, lỗi vi phạm do "nhảy đèn" sẽ không bị xử phạt do một số đèn tín hiệu giao thông thế hệ cũ, phải điều khiển thủ công cho nên có độ trễ khi điều chỉnh chu kỳ đèn trong ngày. Khắc phục tình trạng nêu trên, Cục Cảnh sát giao thông đã có văn bản chỉ đạo công an các địa phương, phối hợp các cơ quan chức năng rà soát sửa chữa đèn tín hiệu, kiến nghị đơn vị vận hành, quản lý đèn tín hiệu giao thông sớm nâng cấp các đèn đã cũ. Khi lập biên bản xử phạt, lực lượng phụ trách đèn tín hiệu sẽ phối hợp với cảnh sát giao thông tại chốt, trích xuất camera, hình ảnh vi phạm của người điều khiển xe, xem trực tiếp diễn biến hành vi vi phạm và tín hiệu đèn thời điểm đó.

Về một số băn khoăn của người dân khi bị lập biên bản xử phạt chưa thỏa đáng, Cục Cảnh sát giao thông cho biết, người dân có quyền khiếu nại theo quy định, thậm chí khởi kiện ra tòa án hành chính. Khi nhận được khiếu nại, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ có sự đối chiếu, xem xét các yếu tố liên quan. Trường hợp lái xe không chấp hành tín hiệu đèn để nhường đường cho xe ưu tiên, xe cấp cứu… sẽ không bị xử phạt.

Những ngày đầu Nghị định 168 có hiệu lực, trên các nền tảng mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin sai sự thật, như việc một số lái xe bất mãn cắt bằng lái xe, tuyên bố bỏ nghề vì mức xử phạt vi phạm quá cao. Ngày 4/1/2025, tài khoản TikTok có tên "Nguyễn ven 088 Cà Mau" chia sẻ đoạn video cắt giấy phép lái xe ô-tô, cùng dòng trạng thái: "Tài xế cực khổ, lương không đủ mua sữa cho con, tiền phạt thì một năm làm chưa đủ. Thôi bỏ nghề vào công ty làm cho khỏe…". Đoạn video này đã thu hút hơn 1,7 triệu lượt xem, hơn 32.200 lượt thích. Tuy nhiên thực tế, giấy phép lái xe này là giấy phép đã hết hạn, bị cắt góc, thu hồi lại trong quá trình cấp đổi giấy phép lái xe. Do đó, thông tin này là hoàn toàn sai sự thật.

Trên trang Facebook của Đặng Hoàng Hà, sinh năm 1973, ở Bắc Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội đăng tải các hình ảnh, video có nội dung xuyên tạc về cơ chế trừ điểm trên giấy phép lái xe, kèm theo lời lẽ kích động, gây hoang mang trong dư luận. Cơ quan chức năng đã thu giữ nhiều tài liệu liên quan, đồng thời triệu tập đối tượng này làm việc. Bước đầu, Hà thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình, gỡ toàn bộ nội dung đăng tải, hứa không tái phạm. Cơ quan chức năng đã tiến hành lập biên bản xử phạt hành chính đối với Đặng Hoàng Hà.

Đáng chú ý, lợi dụng sự băn khoăn, lo ngại của người dân khi chưa hiểu tường tận về Nghị định 168, các trang mạng của tổ chức phản động như Việt tân, Nhật ký yêu nước hay trang cá nhân của một số đối tượng đã xuyên tạc, bóp méo sự thật, lan truyền thông tin sai lệch nhằm kích động, tạo sự nghi ngờ giữa nhân dân với chính quyền. Các đối tượng cố tình bóp méo, cho rằng việc tăng mức xử phạt giao thông chỉ là công cụ để "tận thu ngân sách"; "làm lợi cho lực lượng công an"... Một số bình luận "tát nước theo mưa" chỉ trích, việc tăng mức phạt là "tận thu", "bóc lột", xuyên tạc việc các cột đèn giao thông bị lỗi là "cố ý để giăng bẫy thu tiền", "Nhà nước đang tạo ra những màn kịch để đẩy người dân vào tình thế vi phạm, buộc phải nộp tiền"… Đây hoàn toàn là những "cáo buộc" sai lệch, bởi các khoản tiền phạt thu được nộp vào ngân sách nhà nước và sử dụng theo đúng quy định pháp luật, được nêu rõ trong quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Việc trích phần trăm số tiền xử phạt cho một số lực lượng là nhằm bảo đảm cơ sở vật chất, kỹ thuật cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Ngoài ra, lực lượng công an thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm theo chức năng được giao và người dân đều có quyền giám sát, phản ánh những thông tin nếu có tình trạng tiêu cực xảy ra. Do vậy, mỗi người dân cần tỉnh táo trước những luận điệu xuyên tạc, sai sự thật từ các tổ chức phản động, các phần tử chống đối, bất mãn, cơ hội chính trị.

Có thể thấy, việc tăng mạnh mức phạt khiến một bộ phận người dân băn khoăn, song đây là biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn giao thông, bảo vệ chính cuộc sống, tính mạng, sức khỏe và tài sản của mỗi người. Để Nghị định 168 tiếp tục đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền để người dân nắm bắt thông tin, nâng cao nhận thức. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đầu tư phát triển, nâng cấp hạ tầng giao thông, hệ thống biển báo, vạch kẻ đường, đèn giao thông; xây dựng hệ thống giao thông công cộng đồng bộ...

Lực lượng cảnh sát giao thông tiếp tục rà soát các tuyến nội đô, ngã tư lớn, các tuyến đường phức tạp về an toàn giao thông, để tập trung xử lý nghiêm vi phạm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng camera giám sát giao thông và hệ thống xử phạt tự động, hạn chế các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực từ phía lực lượng thực thi nhiệm vụ. Muốn vậy, cơ quan chức năng cần nghiên cứu ứng dụng hệ thống camera giám sát cầm tay hoặc đeo trên người của cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông để ghi hình vi phạm và quá trình xử lý vi phạm nhằm góp phần minh bạch công tác xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông với phương châm "Không vùng cấm, không ngoại lệ".

THANH HÀ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tao-dong-luc-hinh-thanh-chuan-muc-van-hoa-giao-thong-post857245.html
Zalo