Tạo động lực để người dân vùng cao Đồng Văn thoát nghèo

Thời gian qua, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đã triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách giảm nghèo dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nguồn lực từ các chính sách đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội huyện vùng cao cực bắc; giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Huyện Đồng Văn có hơn 17 nghìn hộ dân, trong đó có hơn 97% là đồng bào dân tộc thiểu số. Là địa phương có địa hình phức tạp, chủ yếu là núi đá tai mèo; khí hậu khắc nghiệt; thiếu nước sinh hoạt và sản xuất đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế, xã hội. Từ thực tế đó, tỷ lệ hộ nghèo nơi đây vẫn còn cao, đặc biệt là ở các xã vùng sâu, vùng xa.

Với quyết tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; bảo đảm an sinh xã hội; hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn, thời gian gần đây, huyện Đồng Văn đã huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư. Trong đó trọng tâm là nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc.

Các đồng chí lãnh đạo huyện Đồng Văn kiểm tra mô hình chuyển đổi từ trồng ngô hiệu quả thấp sang trồng cây sâm khoai mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Các đồng chí lãnh đạo huyện Đồng Văn kiểm tra mô hình chuyển đổi từ trồng ngô hiệu quả thấp sang trồng cây sâm khoai mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Từ năm 2022 đến năm 2024, tổng nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia khoảng 800 tỷ đồng. Đây thực sự là nguồn lực rất lớn đối với huyện vùng cao khó khăn. Với nguồn lực này, huyện đã đầu tư toàn diện, từ xây dựng cơ sở hạ tầng cho đến hỗ trợ sản xuất, giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, gìn giữ văn hóa truyền thống.

Là huyện vùng cao núi đá nên nhiều xã trên địa bàn thiếu nước sinh hoạt trong những tháng mùa khô, đặc biệt là thời điểm sau Tết Nguyên đán. Do đó, nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia tập trung giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân thông qua đầu tư công trình nước sinh hoạt tập trung cho các nhóm hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho các hộ gia đình.

Cụ thể, từ năm 2022 đến nay, đã xây dựng 5 công trình nước sinh hoạt tập trung và hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho hơn 3.200 hộ nghèo.

Từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn làm đường bê-tông lên thôn biên giới Mo Pải Phìn.

Từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn làm đường bê-tông lên thôn biên giới Mo Pải Phìn.

Thiếu vốn đầu tư, thiếu kinh nghiệm sản xuất là một trong những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo tại các xã vùng sâu, vùng xa. Do đó, huyện Đồng Văn đã chỉ đạo ngành chức năng, địa phương hướng dẫn người dân tham gia vào các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; dự án phát triển sản xuất cộng đồng từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia.

Từ năm 2022 đến nay, đã thực hiện 236 dự án hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị, hỗ trợ sản xuất cộng đồng với hơn 10 nghìn hộ tham gia hưởng lợi; tổng kinh phí hỗ trợ hơn 140 tỷ đồng.

Ông Vàng Mí Chỏ, Trưởng phòng Dân tộc huyện Đồng Văn cho biết, các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và dự án sản xuất cộng đồng được thực hiện trên cơ sở cộng đồng dân cư lựa chọn. Do đó, nội dung thực hiện các dự án phù hợp điều kiện, thế mạnh của địa phương. Tập trung chính vào các lĩnh vực thế mạnh như chăn nuôi đại gia súc; nuôi ong lấy mật bạc hà; chuyển đổi cây ngô sang trồng cây có giá trị kinh tế cao.

Nhờ tham gia dự án, nhiều hộ khó khăn có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Điển hình như gia đình bà Giàng Thị Kía, thôn Lũng Cẩm Trên, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn.

Tháng 8/2023, gia đình bà Kía tham gia dự án chăn nuôi bò vỗ béo. Được hỗ trợ mua một con bò vỗ béo, gia đình bà Kía làm chuồng trại kiên cố, trồng cỏ để chăn nuôi theo hình thức nhốt chuồng. Do đó, đến đầu năm 2024, sau 6 tháng chăm sóc gia đình bà Kía bán con bò mua ban đầu, hưởng chênh lệch gần 10 triệu đồng. Hiện gia đình bà kia tiếp tục mua con bò thứ 2 về vỗ béo, dự định đến cuối năm bán để lấy tiền ăn Tết.

Gia đình bà Giàng Thị Kía, thôn Lũng Cẩm Trên, xã Sủng Là được đầu tư vốn để chăn nuôi bò vỗ béo, cho thu nhập ổn định.

Gia đình bà Giàng Thị Kía, thôn Lũng Cẩm Trên, xã Sủng Là được đầu tư vốn để chăn nuôi bò vỗ béo, cho thu nhập ổn định.

Huyện đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống của nhân dân. Từ năm 2022 đến nay, huyện đầu tư gần 120 công trình mới và hơn 70 công trình tu sửa. Hầu hết tập trung đầu tư xây mới, tu sửa đường giao thông, cấp điện nông thôn, trường lớp học, nhà văn hóa thôn bản. Các dự án đầu tư đã góp phần giúp huyện dần hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Huyện Đồng Văn: 100% xã đã có đường nhựa đến trung tâm; 12/15 tuyến đường cấp huyện được cứng hóa; 211/225 thôn đã có đường bê-tông đến trung tâm; 98% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia.

Đồng Văn có 17 dân tộc, cộng đồng các dân tộc nơi đây vẫn còn lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Huyện đã triển khai nhiều hoạt động để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Từ năm 2022 đến nay, huyện đã huy động, lồng ghép các nguồn lực, trong đó có gần 12 tỷ đồng từ từ các chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư bảo tồn, phát huy các làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với phát triển du lịch; thiết chế văn hóa.

Nét văn hóa truyền thống ở thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn được lưu giữ góp phần thu hút du khách đến thôn.

Nét văn hóa truyền thống ở thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn được lưu giữ góp phần thu hút du khách đến thôn.

Nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi cực bắc đã trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

Lượng du khách lên với Đồng Văn mỗi năm một tăng và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn tại địa phương. Năm 2023, Đồng Văn đã đón hơn 800 nghìn du khách với doanh thu từ du lịch hàng chục nghìn tỷ đồng.

Nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của huyện vùng cao Đồng Văn. Giúp đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn được tiếp cận với các chính sách, phúc lợi xã hội, có thêm nguồn lực để vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Bí thư Huyện ủy Đồng Văn

Huy động nguồn lực, trong đó có nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia đã giúp huyện Đồng Văn thực hiện đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm là 6%, hiện tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn gần 55%.

KHÁNH TOÀN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tao-dong-luc-de-nguoi-dan-vung-cao-dong-van-thoat-ngheo-post832849.html
Zalo