Tạo động lực để doanh nghiệp xuất khẩu bền vững
Triển khai Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 của Chính phủ, các doanh nghiệp cần được hỗ trợ nhiều hơn nữa trong việc thực hiện nhiều giải pháp xuất khẩu bền vững, phát huy lợi thế cạnh tranh, phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam.
Kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng chưa bền vững
Sau gần 40 năm Việt Nam mở cửa hội nhập đến nay, xuất nhập khẩu là lĩnh vực tăng trưởng mạnh của nền kinh tế. Hiện Việt Nam được xếp hạng là nước xuất khẩu lớn thứ 20 trên thế giới trong số 240 nền kinh tế. Việt Nam cũng đứng top đầu thế giới trong nhiều mặt hàng như gạo, cà phê, hạt điều, dệt may, da giày.
Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam còn nhiều hạn chế phải kể đến đó là: phát triển chưa bền vững, kim ngạch xuất khẩu cao nhưng giá trị gia tăng chưa cao. Bên cạnh đó, cơ cấu thị trường hiện nay tập trung quá lớn vào một số thị trường trọng điểm và các sản phẩm chủ lực.
Ngoài ra, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chưa mang hàm lượng khoa học công nghệ cao. Cụ thể, các doanh nghiệp chưa khai thác được lợi thế cạnh tranh, chưa khai thác được việc xuất khẩu dựa trên khoa học công nghệ, năng suất lao động. Đây là những hạn chế khiến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam dù đạt được thành tích về kim ngạch lớn nhưng chưa thực sự bền vững.
Theo báo cáo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), sản xuất xanh đang là xu thế và là công cụ cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, đây lại là điểm yếu của doanh nghiệp Việt. Nguyên nhân là nhận thức của doanh nghiệp còn hạn chế; nhiều doanh nghiệp chưa nắm được cụ thể và chi tiết xu thế về tiêu chuẩn xanh, sản xuất xanh trên thế giới, chưa hiểu đâu là yêu cầu bắt buộc.
Đơn cử như, thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), EU đưa ra nhiều yêu cầu về quy định đánh giá cacbon, về khí thải tạo ra trong môi trường sản xuất, về chiến lược xuất khẩu xanh… song nhiều doanh nghiệp chưa nắm được. Trong khi đó, những doanh nghiệp nắm được nhưng nguồn lực tài chính hạn hẹp nên việc chuyển đổi xanh, sản xuất và xuất khẩu xanh thực hiện rất chậm.
Doanh nghiệp phải tìm kiếm và tận dụng hỗ trợ
Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 được Bộ Công Thương xây dựng trình Chính phủ ban hành thông qua Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 và đến nay đã trải qua 2 năm thực hiện. Hiện, các bộ, ngành địa phương đã ban hành Chương trình hành động để chi tiết hóa, cụ thể hóa việc triển khai chiến lược này. Các doanh nghiệp hiện cũng tích cực tham gia chiến lược.
Với chuyển đổi xanh, doanh nghiệp sẽ phải bỏ ra chi phí ban đầu như sử dụng thiết bị tiết kiệm điện, sử dụng nguyên liệu tái chế được. Nhưng về lâu dài sẽ giảm chi phí cho doanh nghiệp như giảm chi phí năng lượng, giảm giá thành. Nếu doanh nghiệp đạt chuyển đổi xanh càng sớm, sẽ càng tăng sức canh tranh của mình với các đối thủ. Do đó, chuyển đổi xanh sẽ là cơ hội lớn cho doanh nghiệp.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cho biết, sau 2 năm thực hiện chiến lược cũng như suốt thời gian qua, chất lượng hàng hóa xuất khẩu tiếp tục được nâng cao, thể hiện dù trong bối cảnh kinh tế thương mại thế giới khó khăn trong suốt 2 năm 2022 - 2023. Việt Nam đã đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, điển hình là xuất khẩu nông sản. Hiện có rất nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu (thanh long, dừa, vải, nhãn, gạo, cà phê…) được xuất khẩu với giá cao, thâm nhập vào các thị trường khó tính, khắt khe, nghiêm ngặt như Mỹ, EU, Nhật Bản…
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng nỗ lực đưa ra thị trường các sản phẩm với giá cả cạnh tranh, quy trình sản ngày càng tiên tiến hơn, sản phẩm đa dạng hơn. Đối với đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thời gian qua, Việt Nam đã mở rộng được thị trường xuất khẩu sang các thi trường ngoài, thị trường trọng điểm như: Trung Đông, Châu Phi, Nam Mỹ… Đây là các khu vực mà hàng hóa Việt Nam rất có tiềm năng.
Theo ông Trần Thanh Hải, Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 cũng đề ra những mục tiêu về xuất khẩu xanh, xuất khẩu bền vững, bởi đây là xu thế tất yếu của thế giới. Vì vậy, để xuất khẩu bền vững, doanh nghiệp phải tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin về sản xuất xanh, chuyển đổi xanh, xuất khẩu bền vững. Điều này cũng thể hiện trong các quy định mới các nước đưa ra, buộc doanh nghiệp phải đáp ứng.
TS. Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) khuyến nghị: "Sau khi tìm hiểu kỹ thông tin về sản xuất xanh, chuyển đổi xanh là gì, doanh nghiệp phải rà soát trong quy trình sản xuất, kinh doanh xem có những gì chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh? Khâu nào cần chuyển đổi, những bước chuyển đổi như thế nào? Tiếp theo, doanh nghiệp phải đầu tư cho chuyển đổi xanh. Việc đầu tư này rất tốn kém, song doanh nghiệp đã tham gia cuộc chơi thì phải chấp nhận."
Song song đó, doanh nghiệp cần tìm kiếm sự hỗ trợ bên ngoài, từ tư vấn, hướng dẫn, kết nối, cung cấp tín dụng tài chính… Trong đó bao gồm cả nguồn hỗ trợ đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức quốc tế ở Việt Nam, các quốc gia tiên tiến như EU…
"Doanh nghiệp phải xem việc chuyển đổi xanh không chỉ là thách thức và khó khăn mà nó là cơ hội lớn để doanh nghiệp đầu tư, chuyển đổi hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư quy trình sản xuất, thay đổi thiết bị, nguyên liệu đầu vào. Sự thay đổi sẽ kích thích đổi mới sáng tạo, về lâu dài thúc đẩy chuyển đổi tốt hơn". - TS. Lê Quốc Phương nhấn mạnh.