Tạo 'đòn bẩy' cho người lao động mở rộng sản xuất, kinh doanh

Chương trình cho vay giải quyết việc làm (GQVL) do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) triển khai đã hỗ trợ đắc lực cho các hộ dân, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc phát triển đa ngành nghề, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Qua đó, đã tạo 'đòn bẩy' giúp người dân mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế, giảm tỉ lệ thất nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.

Gia đình ông Trịnh Văn Hưng, xã Vĩnh Long (Vĩnh Lộc) được vay vốn chương trình GQVL thực hiện dự án mô hình trồng cây trong nhà màng.

Gia đình ông Trịnh Văn Hưng, xã Vĩnh Long (Vĩnh Lộc) được vay vốn chương trình GQVL thực hiện dự án mô hình trồng cây trong nhà màng.

Hiện nay, chương trình tín dụng cho vay GQVL thực hiện theo Nghị định số 74/2019/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm. Nghị định này có nhiều ưu đãi thuận lợi cho người lao động như: Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Đối với người lao động, mức vay tối đa là 100 triệu đồng. Mức vay cụ thể do NHCSXH xem xét căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn để thỏa thuận cho vay. Thời hạn vay vốn tối đa 120 tháng, lãi suất vay vốn bằng lãi suất vay vốn đối với hộ cận nghèo theo quy định pháp luật về tín dụng đối với hộ cận nghèo.

Để người dân thuận lợi tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của chương trình, NHCSXH Vĩnh Lộc đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền những ưu đãi của nguồn vốn vay đến người dân; đồng thời tiến hành thẩm định, giải ngân cho vay thuận lợi, nhanh chóng các dự án vay vốn. Thông qua Quỹ quốc gia về việc làm, NHCSXH Vĩnh Lộc đã hỗ trợ cho vay nhiều đối tượng lao động yếu thế, người khuyết tật, lao động khu vực nông thôn có cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi để mở rộng, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo và tự tạo việc làm cho bản thân, gia đình, cộng đồng.

Năm 2022, gia đình ông Trịnh Văn Hưng ở xã Vĩnh Long được NHCSXH Vĩnh Lộc cho vay 90 triệu đồng vốn GQVL để thực hiện mô hình trồng cây trong nhà màng, nhà lưới. Hiện nay, mô hình của gia đình ông Hưng có diện tích 4.500m2, với nhiều loại cây trồng như dưa lưới, dưa vàng, dâu tây, hoa các loại..., cho thu nhập bình quân hơn 200 triệu đồng/năm. Ông Hưng cho biết: “Mong muốn có vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho các thành viên trong gia đình, nên khi được cán bộ NHCSXH Vĩnh Lộc tuyên truyền về nguồn vốn vay, tôi đăng ký vay vốn với lãi suất ưu đãi, thủ tục vay vốn thuận lợi, giải ngân nhanh, tôi thấy rất vui. Từ nguồn vốn vay, tôi đã mở rộng sản xuất, kinh doanh, thu nhập của gia đình tôi tăng lên. Gia đình tôi cam kết sẽ sử dụng vốn vay hiệu quả, thực hiện việc trả lãi và gốc đúng hạn theo quy định”.

Cơ sở may gia công hàng may mặc của gia đình bà Phạm Thị Thức, xã Vĩnh Phúc cũng được vay vốn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động nhờ nguồn vốn vay của NHCSXH. Được biết, năm 2024, gia đình bà Thức được NHCSXH Vĩnh Lộc cho vay 100 triệu đồng vốn chương trình GQVL đầu tư mua máy móc, mở rộng quy mô sản xuất. Hiện xưởng may của gia đình đang tạo việc làm cho gần 20 lao động với thu nhập đạt từ 5 - 6 triệu/người/tháng.

Giám đốc NHCSXH Vĩnh Lộc Lê Anh Thiện, cho biết: “Nhiều năm qua, chương trình vốn vay GQVL thực sự là “cú hích” giúp các hộ dân vươn lên phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Trong quá trình thực hiện, ngân hàng đã triển khai đầy đủ, kịp thời và công khai các chính sách liên quan. Đồng thời phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội nhận ủy thác đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận vốn vay. Đặc biệt, để nguồn vốn GQVL phát huy hiệu quả, trước khi giải ngân vốn, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thẩm định kỹ lưỡng từng dự án. Sau khi giải ngân một tháng, các tổ chức chính trị - xã hội tập trung kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các trường hợp thụ hưởng sử dụng vốn đúng mục đích. Các tổ tiết kiệm và vay vốn ở cơ sở đôn đốc các trường hợp vay vốn trả lãi và gốc theo định kỳ, không để phát sinh nợ quá hạn".

Tính đến trung tuần tháng 5/2025, tổng dư nợ các chương trình tín dụng trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc đạt gần 430 tỷ đồng, với hơn 6.000 khách hàng đang vay vốn. Trong đó cho vay GQVL đạt dư nợ gần 101 tỷ đồng với 1.090 lao động đang vay vốn. Đối tượng cho vay chủ yếu là các hộ gia đình có mục đích sản xuất, kinh doanh rõ ràng, có tiềm năng phát triển, hiệu quả kinh tế cao và có khả năng GQVL cho nhiều lao động nông thôn. Đặc biệt ưu tiên cho vay các mô hình sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ nguồn vốn này, nhiều hộ đã đầu tư vào các mô hình chăn nuôi, trồng cây ăn quả, kinh doanh dịch vụ, phát triển ngành nghề... tạo thu nhập ổn định, GQVL tại chỗ cho nhiều lao động.

Bài và ảnh: Khánh Phương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/tao-don-bay-cho-nguoi-lao-dong-mo-rong-san-xuat-kinh-doanh-249872.htm
Zalo