Tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân, doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ công chứng
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 25/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).
Tại Kỳ họp thứ 7 (05/2024), Quốc hội đã thảo luận,cho ý kiến về dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Ngay sau Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các vị ĐBQH; xin ý kiến tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách; gửi xin ý kiến Chính phủ, các Đoàn ĐBQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, cơ quan, tổ chức hữu quan; tổ chức khảo sát, hội thảo để có thêm thông tin, cơ sở lý luận và thực tiễn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật có 79 điều (sửa đổi, bổ sung 73 điều; giữ nguyên 05 điều; bổ sung 01 điều 36a; do đó, số lượng điều tăng lên 01 điều so với dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội).
Tại phiên họp, đa số ý kiến đại biểu đánh giá cao quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo, các đại biểu góp ý vào nhiều nội dung cụ thể liên quan tới: công chứng bản dịch; mô hình tổ chức của văn phòng công chứng (VPCC); vấn đề xã hội hóa hoạt động công chứng; bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp về công chứng; địa điểm công chứng;…
Thành lập VPCC theo loại hình doanh nghiệp tư nhân ở các địa bàn có điều kiện KT-XH khó khăn
Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là mô hình tổ chức văn phòng công chứng. Theo đó, hiện đang có hai phương án: Phương án 1: đề nghị bên cạnh các VPCC được tổ chức theo mô hình công ty hợp danh như Luật hiện hành, tại các địa bàn cấp huyện có mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng và dịch vụ chưa phát triển và khó khăn trong việc thành lập VPCC theo loại hình công ty hợp danh theo quy định của Chính phủ, VPCC còn được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân; Phương án 2: Một số ý kiến tán thành với phương án như Chính phủ trình, đề nghị kế thừa Luật Công chứng hiện hành quy định VPCC được tổ chức và hoạt động theo mô hình công ty hợp danh.
Nêu quan điểm về nội dung này, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An tán thành phương án 1. Đồng thời, đề nghị việc đặt tên của VPCC do các công chứng viên (CCV) của Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh thống nhất lựa chọn và Trưởng VPCC được thành lập theo loại hình doanh nghiệp tư nhân lựa chọn.
Theo đại biểu, quy định VPCC phải có từ 02 công chứng viên hợp danh trở lên đã dẫn đến những bất cập, hạn chế mà báo cáo thẩm tra và nhiều ý kiến ĐBQH đã phân tích. Bên cạnh đó, việc quy định tên gọi của VPCC theo quy định hiện hành phải bao gồm cụm từ “VPCC” kèm theo họ tên của Trưởng Văn phòng hoặc họ tên của một công chứng viên hợp danh khác của VPCC cũng tạo ra nhiều bất cập, gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này (như VPCC lấy tên của CCV, khi CCV đó không còn hành nghề tại VPCC thì VPCC phải thay đổi tên gọi, tạo nên sự xáo trộn, thiếu ổn định trong hoạt động của VPCC). Tuy nhiên, với quy định khi đặt tên VPCC không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề công chứng khác đang hoạt động trong phạm vi toàn quốc; chỉ được đảm bảo khả thi khi đã có cơ sở dữ liệu về tổ chức hành nghề CC trên cả nước để tra cứu thực hiện khi xét duyệt hồ sơ đăng ký thành lập VPCC tại một tỉnh, thành phố, trong đó có tiêu chí đặt tên VPCC; hiện nay cả nước có 1317 VPCC và có VP đang đặt tên là tên của CCV mà cơ sở dữ liệu về công chứng là chưa có, do đó đại biểu đề nghị cần bổ sung vấn đề này trong quy định chuyển tiếp…
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng, việc quy định theo phương án 1 sẽ mở rộng sự lựa chọn cho công chứng viên khi thành lập tổ chức hành nghề công chứng, tạo thuận lợi cho việc phát triển Văn phòng công chứng ở những địa bàn vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, để thuận tiện, thống nhất trong áp dụng, đại biểu tỉnh Quảng Bình đề nghị xem xét để quy định rõ về tiêu chí, nguyên tắc địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, dịch vụ chưa phát triển.
Tạo điều kiện để người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ công chứng
Liên quan tới quy định về địa điểm công chứng, đại biểu Nguyễn Trường Giang – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng việc có quy trình, thủ tục chặt chẽ hay không không liên quan đến việc phải công chứng tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng. “Tại sao không thể công chứng hợp đồng tại địa điểm có tài sản là bất động sản được giao dịch (nhất là trong trường hợp cần xác minh) hay tại trụ sở/ chi nhánh của ngân hàng trong trường hợp công chứng hợp đồng thể chấp bất động sản, hợp đồng mua bán bất động sản cần thanh toán qua ngân hàng. Việc tra cứu thông tin trên cơ sở dữ liệu công chứng cũng không nhất thiết phải diễn ra tại trụ sở tổ chức hành nghề công chứng. Hơn nữa cho dù công chứng ở đâu thì dự thảo Luật cũng đã yêu cầu “Việc ký văn bản công chứng trước sự chứng kiến của công chứng viên phải được chụp hình và lưu trữ trong hồ sơ công chứng”…”, đại biểu lý giải.
Từ lập luận nêu trên, đại biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị bỏ quy định cấm công chứng ngoài trụ sở. Việc cho phép công chứng ngoài trụ sở cũng là biện pháp, giải pháp cung cấp dịch vụ công đến với người dân một cách thuận lợi nhất. Với việc cho phép công chứng ngoài trụ sở cùng với bỏ quy định công chứng giao dịch bất động sản theo địa hạt cấp tỉnh cũng là giải pháp để cung cấp dịch vụ công chứng đến người dân tại địa bàn chưa có tổ chức hành nghề công chứng, giúp những người dân ở những địa bàn này khi có nhu cầu có thể dễ dàng tiếp cận dịch vụ công chứng.
Góp ý về khái niệm công chứng viên, đại biểu Phạm Thị Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho biết, dự thảo Luật tiếp tục kế thừa Luật Công chứng hiện hành về quy định chức năng xã hội của công chứng viên. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng chức năng xã hội này cũng chính là một trong những đặc điểm riêng có của công chứng viên, đó là cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm để bảo đảm an toàn pháp lý đối với các giao dịch. Do đó, đại biểu đề nghị cần gắn chức năng này tại giải thích khái niệm về công chứng viên theo hướng chuyển toàn bộ nội dung của Điều 3, ghép vào khoản 2 Điều 2 và chỉnh lý lại như sau: "Công chứng viên là người có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật này, được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm để hành nghề công chứng và thực hiện một số việc chứng thực theo quy định của pháp luật về chứng thực. Công chứng viên cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia giao dịch; phòng ngừa tranh chấp; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.”.
Ngoài ra, tại phiên họp các đại biểu cũng đề xuất nhiều nội dung cụ thể như: Cân nhắc quy định tuổi bổ nhiệm CCV và tuổi hành nghề công chứng nên chênh lệch nhau ít nhất là 5 tuổi; Quy định đầy đủ, cụ thể hơn việc giải quyết khiếu nại trong hoạt động công chứng để đảm bảo phù hợp; Đề nghị không quy định công chứng giao dịch về bất động sản theo địa hạt cấp tỉnh;…
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, với tinh thần làm việc khẩn trương, trách nhiệm cao, đã có 18 lượt ý kiến ĐBQH phát biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật báo cáo làm rõ nhiều vấn đề trọng tâm được nêu tại phiên họp. Qua thảo luận, đa số ý kiến ĐBQH đánh giá cao Báo cáo tiếp thu, giải trình dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) của UBTVQH; cơ bản thống nhất với nhiều nội dung tại dự thảo. Bên cạnh đó, các vị ĐBQH cũng góp ý, đề xuất phương án chỉnh lý, hoàn thiện nhiều điều, khoản cụ thể nhằm bảo đảm tính thống nhất, chặt chẽ, khoa học, khả thi của dự thảo Luật; đề cao trách nhiệm quản lý nhà nước để vừa quản lý có hiệu quả vừa đáp ứng tốt nhất trách nhiệm của nhà nước, văn phòng công chứng trong việc cung cấp dịch vụ công chứng cho người dân và doanh nghiệp đảm bảo tiện nhất, an toàn trong các giao dịch pháp lý;…
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan có liên quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình đầy đủ, kỹ lưỡng ý kiến của các vị ĐBQH nhằm tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật với chất lượng cao nhất trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua vào cuối Kỳ họp thứ 8./.
***Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận: