Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động

Ngày 27/9, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tại chỗ và đối thoại với doanh nghiệp kết hợp thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp tại khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, tại hội nghị, hơn 20 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được nghe báo cáo tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh trong KCN, KKT 9 tháng đầu năm 2024; giới thiệu hệ thống chuyển đổi số trong doanh nghiệp; giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư trên địa bàn tỉnh; công bố và trao quyết định chủ trương đầu tư cho doanh nghiệp trong KCN, KKT.

Đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế và hơn 20 doanh nghiệp tham gia hội nghị.

Đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế và hơn 20 doanh nghiệp tham gia hội nghị.

Theo đó, trên địa bàn tỉnh Cà Mau hiện có 3 KCN, 1 KKT được chính thức thành lập, với tổng số 51 dự án được cấp phép đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký là 21.088 tỷ đồng (bao gồm 3 dự án FDI, vốn đăng ký 1.964 tỷ đồng; 1 dự án hạ tầng, vốn đăng ký 538,6 tỷ đồng). Trong đó, 30 dự án đã đi vào hoạt động và 21 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chưa hoạt động.

Về quy mô sản xuất, kinh doanh, toàn tỉnh có 46 doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm 90% tổng số doanh nghiệp trong KCN, KKT; còn lại 5 doanh nghiệp thuộc quy mô lớn, chiếm 10%.

Lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào ngành nghề chế biến thủy sản, thức ăn và phế phẩm, công nghiệp chế biến khí, bao bì, vật liệu xây dựng... Theo đó, trong 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp trong các KCN, KKT có tổng doanh thu hơn 5.250 tỷ đồng, bằng 79,5% kế hoạch năm (6.600 tỷ đồng). Doanh thu xuất khẩu đạt hơn 1.470 tỷ đồng và nộp ngân sách 90 tỷ đồng.

Mặt dù đã đạt được nhiều kết quả, song hiện nay một số doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, vướng mắc. Khó khăn lớn là nhóm khó khăn về nguồn vốn tín dụng, nguyên liệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm, mặt bằng đất đai phục vụ cho sản xuất kinh doanh, khó khăn về lao động và nhà ở công nhân…

Ông Ngô Quốc Nam, Phó giám đốc phụ trách Cảng Năm Căn trong khu kinh tế Năm Căn, chia sẻ, hiện nay hạ tầng trong khu kinh tế chưa phát triển nên việc mời gọi đầu tư rất khó khăn. Đồng thời, thời gian qua chưa có cống bố giá đất cụ thể cho từng phân khu trong KTT Năm Căn nên đã qua có một số nhà đầu đến tìm hiểu nhưng gặp khó khăn trong việc đầu tư. Do đó, tỉnh cần cần nghiên cứu xây dựng giá đất cụ thể cho từng khu đất trong khu kinh tế và chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư.

Tại hội nghị, ông Trần Lĩnh Trang, Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế, cho biết, phát triển hạ tầng ở các KKT, KCN là một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của tỉnh. Ban đang quyết liệt triển khai giải pháp mời gọi đầu tư hạ tầng. Mong muốn thông qua hội nghị lần này sẽ góp phần tăng cường hơn nữa công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, tiếp tục mời gọi các dự án đầu tư có tiềm năng vào KCN, KKT nhằm góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời cho doanh nghiệp; góp phần cải thiện môi trường đầu tư và thu hút thêm những dự án mới vào KCN, KKT. Tiếp tục thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm và hiệu quả giải quyết các thủ tục hành chính; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động.

Ông Trần Lĩnh Trang, Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, khẳng định: “Ban đang cải cách thủ tục hành chính với tinh thần càng ngắn càng tốt để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động”.

Ông Trần Lĩnh Trang, Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, khẳng định: “Ban đang cải cách thủ tục hành chính với tinh thần càng ngắn càng tốt để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động”.

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh còn tiến hành mời gọi đầu tư 6 danh mục dự án mới đã phê duyệt năm 2022, 2023 và những năm tiếp theo. Cụ thể như dự án đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Hòa Trung (326 ha); dự án đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Khánh An mở rộng (345 ha); các dự án đầu tư kinh doanh thuộc các phân khu chức năng của Khu Kinh tế Năm Căn (hơn 10.800 ha); đầu tư khu dịch vụ dân cư Năm Căn, Khu kinh tế Năm Căn (57,5 ha) và Khu đô thị dịch vụ - du lịch sinh thái Năm Căn, Khu kinh tế Năm Căn (hơn 169,3 ha).

Lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế trao quyết định chủ trương đầu tư cho 2 dự án.

Lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế trao quyết định chủ trương đầu tư cho 2 dự án.

Ông Hứa Minh Hữu, Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cho biết, tỉnh đã mời gọi đầu tư hạ tầng các KKT, KCN, tuy nhiên thời gian qua đang vướng công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để kêu gọi đầu tư. Hiện nay Ban đang tiến hành duy tu, sửa chữa các tuyến đường giao thông trong các KKT, KCN bị xuống cấp. Thời gian tới Ban sẽ hỗ trợ hết mình cho các doanh nghiệp để các doanh nghiệp thuận tiện hơn trong đầu tư cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tại hội nghị, lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế trao quyết định chủ trương đầu tư cho dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sản xuất khay nhựa của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hưng Thịnh Cà Mau với vốn đăng ký 59 tỷ đồng và dự án đầu tư xây dựng nhà máy cấp nước và nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước Năm Căn của Công ty Cổ phần cấp nước Cà Mau, vốn đăng ký 49,9 tỷ đồng.

Hạ tầng giao thông đang tiếp tục được tỉnh đầu tư nâng cấp để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong khu kinh tế, khu công nghiệp hoạt động hiệu quả.

Hạ tầng giao thông đang tiếp tục được tỉnh đầu tư nâng cấp để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong khu kinh tế, khu công nghiệp hoạt động hiệu quả.

Nguyễn Phú

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/tao-dieu-kien-thuan-loi-nhat-cho-doanh-nghiep-hoat-dong-a34679.html
Zalo