Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp vay vốn để phục hồi

Sáng 21/10, trong chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã trình bày Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực

Trình bày Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, năm 2024, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, mạnh, phức tạp, không thuận lợi. Vượt qua khó khăn, thách thức, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi và phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu đề ra tại Nghị quyết số 103/2023/QH15 (năm 2023 đạt và vượt 10/15 chỉ tiêu).

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Ảnh: Quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Ảnh: Quochoi.vn

Tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, cả năm ước đạt khoảng 6,8-7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%), được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát trong điều kiện tăng lương tối thiểu ở mức cao; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; nợ công, nợ Chính phủ, bội chi được kiểm soát, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đã được Trung ương, Quốc hội cho phép. Thị trường tài chính, tiền tệ cơ bản ổn định; lãi suất cho vay bình quân đối với các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại tiếp tục có xu hướng giảm.

Xuất nhập khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt mức tăng trưởng cao, là điểm sáng của kinh tế Việt Nam năm 2024. Tính chung 9 tháng 2024, kim ngạch xuất khẩu tăng 15,4% và kim ngạch nhập khẩu tăng 17,3% so với cùng kỳ, xuất siêu đạt gần 20,79 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký hơn 24,8 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện ước đạt 17,34 tỷ USD, tăng 8,9%, cao nhất từ năm 2021 đến nay, phản ánh môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam. Bên cạnh đó, khách quốc tế đến Việt Nam 9 tháng đạt 12,7 triệu lượt, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước; dự kiến cả năm có hơn 18 triệu lượt khách quốc tế, tương đương với trước đại dịch Covid-19…

Các đại biểu Quốc hội tham dự Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi.vn

Các đại biểu Quốc hội tham dự Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi.vn

Kiểm soát lạm phát, tỷ giá

Về dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, năm 2025 là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nhiệm kỳ.

Ủy ban Kinh tế cơ bản thống nhất với các định hướng lớn, mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu và 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Báo cáo của Chính phủ. Để tập trung vào một số vấn đề chính, cốt lõi thực hiện trong năm 2025, Ủy ban Kinh tế bổ sung, nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở tăng cường năng lực nội sinh, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; kiểm soát lạm phát, tỷ giá.

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi.vn

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi.vn

Cùng đó, tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; củng cố, giữ vững vai trò và làm mới các động lực tăng trưởng chính, động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Tăng cường điều chỉnh chính sách tài khóa phù hợp, hiệu quả hơn trong năm 2025 để thích ứng với những thách thức của toàn cầu.

Ngoài ra, tập trung tháo gỡ khó khăn, vực dậy thị trường vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp vay vốn để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh. Thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả…

Hồng Thái

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tao-dieu-kien-thuan-loi-cho-nguoi-dan-va-doanh-nghiep-vay-von-de-phuc-hoi.html
Zalo