Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, phát triển sản xuất kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa

Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu cho rằng, cần có giải pháp hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn, đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa ngay trong các tháng đầu năm của năm 2025.

Cần có giải pháp để "giữ chân" người tài, bảo đảm cho bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Chiều 15/2, thảo luận tại Quốc hội đối với Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội bày tỏ cơ bản thống nhất với mục tiêu, yêu cầu, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 trong Tờ trình, Báo cáo của Chính phủ. Việc trình Quốc hội điều chỉnh tăng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, góp phần củng cố, tạo nền tảng vững chắc để đạt tăng trưởng 2 con số trong thời gian đủ dài, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng.

 Đại biểu Trần Khánh Thu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình phát biểu.

Đại biểu Trần Khánh Thu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình phát biểu.

Nêu ý kiến, đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) cho biết, Tờ trình và Đề án của Chính phủ cũng đã chỉ ra 4 điều kiện để thực hiện kịch bản tăng trưởng, trong đó nhấn mạnh việc phải có tư duy mới, cách làm mới, đột phá về thể chế, giải pháp; phân cấp, phân quyền triệt để. Cùng với đó, cần phải tiến hành khẩn trương và hoàn thành công tác sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, không để ảnh hưởng đến người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong cả ngắn và dài hạn.

Đại biểu Trần Khánh Thu cho rằng, thời gian qua, việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả được các cấp triển khai thực hiện quyết liệt, khẩn trương đang tạo ra những hiệu ứng tích cực, sự tán đồng của cử tri và Nhân dân.

Tuy nhiên, một vấn đề cần phải được quan tâm trong việc tổ chức tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả là việc chảy máu chất xám, tình trạng “người tài xin nghỉ, người dở ở lại” dẫn đến bộ máy “tuy có gọn nhưng không tinh”. Đại biểu cho rằng, cần phải có giải pháp để giữ chân người tài, người có năng lực thật sự để bảo đảm cho bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

 Đại biểu Lý Tiết Hạnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định phát biểu.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định phát biểu.

Tham gia ý kiến tại phiên họp, đại biểu Lý Tiết Hạnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) nêu rõ, cần tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về thủ tục hành chính để thúc đẩy nền kinh tế hấp thụ vốn nhanh trong 6 tháng đầu năm. Trong đó, cần quan tâm đến các dự án đầu tư của khu vực tư nhân, đánh giá sát thực hơn những khó khăn của khu vực kinh tế tư nhân trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực xuất khẩu, giúp họ chủ động các biện pháp chống chịu trước những biến động của thị trường thế giới.

Đồng thời, cần có giải pháp hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn, đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa ngay trong các tháng đầu năm của năm 2025.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khơi thông nguồn lực, thu hút đầu tư, huy động vốn đầu tư toàn xã hội, đại biểu Lý Tiết Hạnh kiến nghị Quốc hội xem xét đề xuất của Chính phủ về tăng mạnh đầu tư công, chấp nhận bội chi ngân sách cao hơn năm trước, tăng tín dụng trong điều kiện lạm phát đạt mục tiêu dưới 5%. Sử dụng dụng công cụ tài chính, tín dụng để kích cầu đầu tư tiêu dùng, có chính sách thúc đẩy thị trường du lịch, phục hồi nhanh thị trường bất động sản để tăng tổng cầu nền kinh tế.

Ưu tiên ngân sách đầu tư vào hệ thống giao thông huyết mạch

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) cho rằng, mục tiêu tổng quát của dự thảo Nghị quyết cần được điều chỉnh lại thành: củng cố nền tảng thể chế khoa học công nghệ nền tảng và nguồn nhân lực nhằm thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, đưa Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển cao hơn với nền kinh tế hiện đại, hội nhập sâu rộng. Năm 2025, tập trung thúc đẩy tăng trưởng bứt phá với mục tiêu đạt 8% gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao chất lượng tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

 Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh phát biểu.

Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh phát biểu.

Đồng tình với 5 giải pháp đã nêu trong dự thảo Nghị quyết, đại biểu cho rằng, để các địa phương thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn tới, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành cần có những chính sách đồng bộ, hỗ trợ cụ thể, tháo gỡ khó khăn, tạo động lực phát triển cho các địa phương. Đại biểu cho rằng dự thảo Nghị quyết cần bổ sung nội dung về hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển bền vững. Cụ thể, cần tiếp tục ban hành các chính sách ưu đãi đặc thù cho các địa phương có tiềm năng nhưng còn gặp nhiều khó khăn về hạ tầng, nguồn lực, từ đó thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng cần ưu tiên ngân sách đầu tư vào hệ thống giao thông huyết mạch như đường cao tốc, đường sắt, cảng biển, sân bay để tăng cường kết nối giữa các địa phương, vùng kinh tế trọng điểm. Đồng thời, cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, đào tạo lao động chất lượng cao theo nhu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, kinh tế số; xây dựng các cơ chế thu hút, đãi ngộ nhân tài, góp phần ngăn chặn tình trạng chảy máu chất xám từ địa phương ra các thành phố lớn hoặc ra nước ngoài.

 Đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông phát biểu.

Đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông phát biểu.

Đóng góp ý kiến thảo luận, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) đề nghị Nghị quyết cần tập trung đưa ra các giải pháp toàn diện, các định hướng cho công tác xây dựng pháp luật để tháo gỡ những điểm nghẽn, để thể chế không còn là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, mà trở thành “đột phá của đột phá”, tạo không gian phát triển mới. Đồng thời, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Quốc hội sẽ áp dụng hình thức một luật sửa nhiều luật, hoặc một luật được sửa đổi, bổ sung ở nhiều luật có liên quan, kéo theo đó, các văn bản hướng dẫn thi hành cũng được sửa đổi, bổ sung, tuy nhiên, tình trạng nợ các văn bản hướng dẫn thi hành vẫn còn. Đại biểu cho rằng cần khắc phục triệt để tình trạng này, đồng thời cần quan tâm thực hiện việc ban hành các văn bản hợp nhất để đảm bảo thuận lợi trong áp dụng pháp luật.

Ngoài ra, đại biểu kiến nghị cần tập trung nguồn lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, khơi thông, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công, cần có giải pháp cụ thể, gắn trách nhiệm thực hiện để đổi mới quản lý, đầu tư công, bảo đảm giải ngân được số vốn đầu tư công.

Thiên An

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tao-dieu-kien-thuan-loi-cho-doanh-nghiep-tiep-can-von-phat-trien-san-xuat-kinh-doanh-xuat-khau-hang-hoa-post334678.html
Zalo