Tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy nhà ở xã hội

Chiều 5-8, Văn phòng Chính phủ tổ chức Họp báo Chính phủ cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm tới báo chí.

Họp báo Chính phủ. Ảnh: QUANG PHÚC

Họp báo Chính phủ. Ảnh: QUANG PHÚC

Họp báo diễn ra sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7.

Tại họp báo, liên quan đến chương trình xây dựng nhà ở xã hội với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng cho biết, tính đến ngày 30-7-2024, theo tổng hợp báo cáo của các địa phương trong giai đoạn từ 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 619 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 561.816 căn, trong đó đã hoàn thành 40.679 căn; đã cấp phép, khởi công xây dựng 111.688 căn; đã chấp thuận chủ trương đầu tư 409.449 căn.

 Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng. Ảnh: QUANG PHÚC

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng. Ảnh: QUANG PHÚC

Riêng 6 tháng đầu năm 2024, có 8 dự án đã hoàn thành (4 dự án hoàn thành toàn bộ, 4 dự án hoàn thành 1 phần) với quy mô 3.136 căn; được cấp phép khởi công với quy mô 8.468 căn; 9 dự án đã có chủ trương đầu tư với quy mô 8.795 căn.

Mục tiêu của năm 2024 là phấn đấu hoàn thành khoảng 130.000 căn hộ. Theo đó, khoảng 3.100 căn hộ đã hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 2024, còn hơn 100.000 căn hộ cần hoàn thành trong năm 2024. Bộ Xây dựng cũng đặt ra mục tiêu hoàn thành các dự án đã khởi công đúng tiến độ vào năm 2024. Đây là áp lực tiến độ rất lớn, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, bộ, ban, ngành, địa phương.

Về gói hỗ trợ tín dụng 120.000 tỷ đồng, qua tổng hợp, đến nay mới có 34/63 tỉnh thành có văn bản, công bố 78 dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi trên cổng thông tin điện tử. Các ngân hàng đã giải ngân số tiền 1.344 tỷ đồng bao gồm 1.295 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 12 dự án; và 49 tỷ đồng cho người mua nhà tại 5 dự án.

Các ngân hàng đã triển khai chương trình gói tín dụng khoảng 120.000 tỷ cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn khoảng 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường trong các thời kỳ.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang xin ý kiến với các bộ, ban, ngành liên quan để trình Chính phủ nghị quyết điều chỉnh nội dung chương trình 120.000 tỷ đồng theo hướng giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng mua từ 3-5% (đối với khách hàng là chủ đầu tư thì giữ nguyên mức hỗ trợ 1,5-2%).

Bộ Xây dựng đã có văn bản thống nhất với đề xuất của Ngân hàng Nhà nước để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy nhà ở xã hội.

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 5-8, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng thuận với nội dung đề xuất của Ngân hàng Nhà nước, và yêu cầu Ngân hàng Nhà nước sớm hoàn thiện, trình phê duyệt Nghị quyết điều chỉnh nội dung chương trình 120.000 tỷ đồng.

Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, khuyến khích thêm các ngân hàng thương mại tham gia cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng và nới tín dụng, tạo điều kiện cho ngân hàng thực hiện các thủ tục nghiên cứu, xem xét tăng thời hạn nhà ở lãi suất cho vay, nguồn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng. Thời hạn cho vay là 10-15 năm, lãi suất ưu đãi hơn, thấp hơn 3-5% so với ngân hàng thương mại thông thường, để hỗ trợ đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.

Thứ trưởng cũng cho biết, hiện đã cắt giảm quy định điều kiện cư trú, đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội chỉ còn 1 điều kiện về thu nhập. Đối với đối tượng nhà ở xã hội thì không xác định điều kiện cư trú và điều kiện thu nhập, chỉ cần đúng đối tượng. Đối tượng là công nhân, lực lượng vũ trang được hưởng theo chính sách riêng về nhà ở lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp và nhà ở cho lực lượng vũ trang theo Điều 80 Luật Nhà ở.

 Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn. Ảnh: QUANG PHÚC

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn. Ảnh: QUANG PHÚC

Liên quan đến tình hình đăng ký tuyển sinh đại học năm nay, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, năm nay có khoảng trên 733.000 thí sinh (trên tổng số hơn 1 triệu em đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT) đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Tỷ lệ này khá cao, đạt 68,5% trong khi 2 năm trước đây, tỷ lệ này là 66,5% và khoảng 64%.

Cũng như dự báo, con số này chứng tỏ nhu cầu học tập đại học của các em học sinh tốt nghiệp THPT tăng, cũng như thị trường lao động việc làm, nhu cầu về trình độ nhân lực trình độ cao của xã hội cũng tăng. Điều này là phù hợp với xu hướng phát triển về kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo quy hoạch tổng thể quốc gia đến năm 2023, nước ta phải đạt 260 sinh viên/10.000 dân, tức là gấp khoảng 1,3 lần so với hiện nay. Như vậy là với xu hướng trên, nước ta sẽ đạt được mục tiêu này. Điều này cũng chứng tỏ sự tin tưởng của người học, của xã hội đối với chất lượng giáo dục đại học đã có những chuyển biến tích cực những năm qua.

Thứ trưởng cũng cho biết, xu hướng lựa chọn các ngành học, các lĩnh vực đào tạo phản ánh thông qua tỷ lệ nguyện vọng của các em. Tương tự như mọi năm, có khoảng gần 400 ngành đào tạo, chia thành 24 lĩnh vực. Lĩnh vực có nhiều thí sinh đăng ký nhất là kinh doanh và quản lý, sau đó là kỹ thuật và công nghệ; tiếp đến là lĩnh vực về STEM như máy tính, công nghệ thông tin. Từ năm nay, khối khoa học giáo dục đào tạo giáo viên, tức là ngành sư phạm có số lượng thí sinh đăng ký rất đông.

Cụ thể, lĩnh vực khoa học đào tạo giáo viên tăng 85% so với 2023; lĩnh vực khoa học tự nhiên số lượng nguyện vọng tăng 61%. Trong khi đó, có một số lĩnh vực giảm, như kinh doanh quản lý giảm 3%; máy tính và CNTT giảm khoảng 5%, tương đương 15.000 nguyện vọng. Tổng thể, khối STEM số nguyện vọng chiếm khoảng 30%; ngành thiết kế vi mạch bán dẫn tăng khoảng 30%.

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tao-dieu-kien-cho-nguoi-dan-doanh-nghiep-tiep-can-nguon-von-uu-dai-thao-go-kho-khan-thuc-day-nha-o-xa-hoi-post752696.html
Zalo