Tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn trung, dài hạn trên thị trường chứng khoán
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng giao ngành Chứng khoán tiếp tục đưa thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn trung, dài hạn quan trọng, tạo điều kiện cho tất cả các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn vốn sản xuất, kinh doanh, hạn chế sự phụ thuộc vào nguồn vốn ngắn hạn từ ngân hàng.
Chiều 18/12, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai công tác năm 2025. Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng dự và chỉ đạo Hội nghị.
Nhiều điểm sáng nổi bật
Năm 2024, mặc dù tình hình kinh tế và căng thẳng địa chính trị thế giới tiếp tục biến động phức tạp với nhiều yếu tố bất định, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sáng suốt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ cùng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế vĩ mô vẫn được duy trì ổn định và đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện.
Nền kinh tế trong nước đã khẳng định sự phục hồi rõ nét, dự kiến đạt và vượt 15/15 chỉ tiêu chủ yếu trong phát triển kinh tế-xã hội của cả năm 2024. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm ước đạt khoảng 6,8-7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%). Lạm phát được kiểm soát phù hợp với mục tiêu đề ra, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, uy tín và vị thế của Việt Nam tiếp tục được nâng cao trên trường quốc tế.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, đóng góp không nhỏ cho kết quả chung của nền kinh tế không thể không kể đến những thành quả đạt được của ngành Tài chính nói chung và Chứng khoán nói riêng.
Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024 ghi nhận thanh khoản duy trì ở mức cao, trung bình đạt hơn 21 tỷ đồng/phiên, tăng 7,6% so với bình quân năm 2023. Tổng mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt hơn 7 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với cuối năm trước, tương đương 69% GDP. Tổng mức huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán đạt khoảng 14,5% giá trị vốn đầu tư toàn xã hội.
Số lượng tài khoản nhà đầu tư tiếp tục gia tăng, đến hết tháng 11/2024, đạt hơn 9,1 triệu tài khoản, tương đương khoảng 9% dân số, đạt mục tiêu 9 triệu tài khoản trước thời hạn năm 2025 và đang hướng đến con số 11 triệu tài khoản vào năm 2030 được đề ra tại Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Công tác giám sát và xử lý vi phạm đã được tăng cường mạnh mẽ, góp phần củng cố kỷ cương, kỷ luật thị trường, nâng cao niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.
Bộ trưởng cho rằng, để đạt được những kết quả tích cực trên, bên cạnh sự điều hành, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, UBCKNN đã không ngừng nỗ lực áp dụng nhiều giải pháp tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, bảo vệ nhà đầu tư, tạo thuận lợi để khơi thông nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
“Thị trường chứng khoán đã đi qua năm 2024 với nhiều thách thức khi nền kinh tế thế giới còn nhiều phức tạp, biến động khó lường, nhưng đã đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu. Thay mặt Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tài chính, tôi biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của tập thể cán bộ, công chức UBCKNN với những thành tích đã đạt được trong năm qua”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chia sẻ.
Quyết tâm trở thành kênh dẫn vốn quan trọng nhất
Để tiếp tục phát triển thị trường chứng khoán hiện đại, minh bạch, hiệu quả và bền vững, trở thành kênh huy động vốn quan trọng, chủ yếu trong hệ thống tài chính quốc gia và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, trong năm 2025, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị UBCKNN tập trung triển khai các nhiệm vụ chính sau:
Thứ nhất, tập trung hoàn thiện các nghị định và văn bản hướng dẫn thi hành sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán trong Luật số 56/2024/QH15; triển khai đồng bộ các giải pháp được đề ra tại Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đưa thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn trung, dài hạn quan trọng, tạo điều kiện cho tất cả các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn vốn sản xuất, kinh doanh, hạn chế sự phụ thuộc vào nguồn vốn ngắn hạn từ ngân hàng.
Thứ hai, quyết liệt, khẩn trương triển khai sắp xếp tổ chức tinh gọn bộ máy theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước, Bộ Tài chính, đảm bảo bộ máy mới đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không bị ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của thị trường chứng khoán. Quá trình triển khai phải đặc biệt chú trọng đến công tác phổ biến, quán triệt, nâng cao nhận thức, tư tưởng, của cán bộ, công chức. Người lao động, phải ủng hộ và chia sẻ, chấp hành nghiêm túc chủ trương của Đảng, Chính phủ về sắp xếp tinh gọn bộ máy, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Đất nước trong tình hình mới.
Thứ ba, tiếp tục tổ chức vận hành thị trường hoạt động ổn định, thông suốt, đảm bảo an ninh, an toàn; đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống công nghệ thông tin mới cho thị trường giao dịch chứng khoán; sớm triển khai các dự án công nghệ thông tin khác nhằm hiện đại hóa hoạt động quản lý, giám sát thị trường chứng khoán.
Thứ tư, tiếp tục xây dựng thị trường chứng khoán phát triển theo hướng hiệu quả, hiện đại, ngày càng tiệm cận với những chuẩn mực quốc tế cao nhất. Theo đó, trong thời gian tới, UBCKNN cần tập trung xây dựng các chỉ số mới, tạo điều kiện cho các quỹ đầu tư đầu tư vào chỉ số; Nghiên cứu, phát triển các sản phẩm mới như trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững, trái phiếu cơ sở hạ tầng; Tái cấu trúc nhà đầu tư thông qua việc phát triển các định chế quỹ, từng bước tăng quy mô, tiềm lực tài chính cho các công ty quản lý quỹ nhằm khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư tổ chức vào thị trường chứng khoán.
Thứ năm, sắp xếp lại khu vực thị trường, phân bảng công ty niêm yết phù hợp với điều kiện phát triển của thị trường; nghiên cứu xây dựng thị trường giao dịch tín chỉ các-bon thứ cấp, thị trường giao dịch cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Thứ sáu, tập trung triển khai kế hoạch chuyển đổi số, thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa các nghiệp vụ chứng khoán, tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và thị trường hoạt động. Trong đó, tập trung triển khai xây dựng, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin; nghiên cứu ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; nghiên cứu xây dựng kho dữ liệu số, làm chủ phần mềm hiện đại, đồng bộ để phục vụ việc điều hành hoạt động của thị trường chứng khoán đảm bảo an toàn, thông suốt.
Thứ bảy, tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao hình ảnh vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, hướng tới nâng hạng thị trường trong năm 2025; tổ chức thành công Hội nghị Tiểu ban Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APRC) - IOSCO; tích cực tham gia vào các diễn đàn hợp tác quốc tế như Hội đồng phân loại tài chính bền vững ASEAN, Diễn đàn các thị trường vốn ASEAN.
Thứ tám, đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm trên thị trường chứng khoán nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật trên thị trường, hướng đến sự phát triển thị trường chứng khoán theo hướng minh bạch và bền vững; đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về đầu tư minh bạch, tuân thủ pháp luật và phòng tránh các rủi ro, hiện tượng lừa đảo trên thị trường, khuyến khích các nhà đầu tư hướng đến đầu tư dài hạn, góp phần ổn định và phát triển thị trường bền vững.