Tạo đà phát triển công nghiệp văn hóa

Dù thuật ngữ 'công nghiệp văn hóa' mới chỉ bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam từ những năm 2000, nhưng sự phát triển nhanh, mạnh của các ngành công nghiệp văn hóa thời gian qua đã ngày càng chứng minh được sức ảnh hưởng, vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước và định vị thương hiệu quốc gia. Làm thế nào để khơi thông mọi nguồn lực, tạo đường băng cho công nghiệp văn hóa 'cất cánh' đang là một trong những nhiệm vụ được coi trọng hàng đầu.

Việt Nam đã có những show diễn âm nhạc thu hút hàng chục nghìn khán giả.

Việt Nam đã có những show diễn âm nhạc thu hút hàng chục nghìn khán giả.

Sau tám năm triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016, Việt Nam đã có những bộ phim điện ảnh đạt doanh thu vài trăm tỷ đồng, những concert âm nhạc thu hút hàng chục nghìn người tham gia, và cả những show diễn thực cảnh gây ấn tượng với truyền thông quốc tế… Số lượng các doanh nghiệp sáng tạo, thành phố sáng tạo, không gian sáng tạo không ngừng tăng lên, góp phần hình thành hệ sinh thái văn hóa sáng tạo đa dạng trên cả nước.

Tuy nhiên, so với tiềm năng và dư địa rộng lớn để phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam, những kết quả đạt được vẫn là rất nhỏ. Đó là lý do Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đã được ban hành, nhằm tạo đòn bẩy để công nghiệp văn hóa có những bước tiến mới.

Chỉ thị đưa ra định hướng chiến lược “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa phải bảo đảm khai thác tối đa, hiệu quả tiềm năng, lợi thế; đa dạng, liên kết đa ngành, lĩnh vực; có tư duy sắc bén, hành động quyết liệt, hiệu quả, biết lựa chọn tinh hoa và tạo đột phá phát triển; đáp ứng được các yếu tố: Sáng tạo, bản sắc, độc đáo, chuyên nghiệp, lành mạnh, cạnh tranh, bền vững trên nền tảng dân tộc, khoa học, đại chúng; từng bước tạo dựng thương hiệu quốc gia, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; phù hợp với quy luật của kinh tế thị trường, luật pháp trong nước và quốc tế”. Chỉ thị cũng đưa ra những yêu cầu cụ thể, rõ ràng cho từng cơ quan của Chính phủ, các bộ, ngành, tổ chức liên quan.

Tham gia hội nghị triển khai Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức mới đây tại Đà Nẵng, nhiều chuyên gia đã thẳng thắn chỉ ra những “nút thắt” cần tháo gỡ và hiến kế để các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển. Nhấn mạnh vai trò của việc kiến tạo môi trường để kích hoạt sáng tạo, nhạc sĩ Quốc Trung khẳng định: Muốn có công nghiệp văn hóa, phải có nghệ thuật và sáng tạo đỉnh cao. Lâu nay, chúng ta vẫn hay lạc quan liệt kê nhiều tiềm năng từ những kho tàng văn hóa dân gian, truyền thống lịch sử… nhưng lại ít đề cập những hạn chế trong quá trình quản lý, vận dụng và khai thác những giá trị này.

Vì thế, cần thẳng thắn chỉ ra những bất cập về chính sách để tạo nên môi trường mới, giúp cho các nhà sản xuất, nghệ sĩ có điều kiện sáng tạo tốt hơn, hướng tới xây dựng những tác phẩm, dự án đỉnh cao. Theo nhạc sĩ Quốc Trung, để phát triển công nghiệp văn hóa, điều quan trọng là phải tập hợp, huy động được khả năng sáng tạo của đội ngũ sáng tạo, xác định được những người có khát vọng, khả năng dẫn lối và định hướng cho sự phát triển ngành.

Hiện nay, một phần không nhỏ đội ngũ sáng tạo nằm ngoài các đơn vị nghệ thuật nhà nước, nên cần xóa bỏ ranh giới trong và ngoài nhà nước, tạo ra các kết nối để huy động sự tham gia sâu, rộng của những người làm công tác sáng tạo. Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có nhiều cải cách hơn trong quy định về hợp tác công-tư, không chỉ trên phương diện vật chất mà còn trong các công việc sáng tạo; mạnh dạn giao cho nhiều tổ chức xã hội được tham gia vào các dự án đầu tư công, tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng.

Nhạc sĩ Quốc Trung cũng đề xuất, cần có thể chế và quy định cho việc thành lập các quỹ văn hóa, các trung tâm xúc tiến kết nối và hỗ trợ nghệ sĩ Việt Nam có điều kiện thuận lợi trong tiếp xúc, giao lưu, cọ xát với môi trường quốc tế để học hỏi các quy trình làm việc văn minh, nâng cao năng lực sáng tạo và từng bước hội nhập.

Xuất phát từ thực tế liên kết giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa các tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa tại nước ta còn lỏng lẻo, dẫn đến chưa thể kết nối các chủ thể cùng tham gia và đóng góp vào chuỗi giá trị công nghiệp văn hóa, bà Trần Thị Phương Lan, Vụ trưởng Vụ Văn hóa-Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, cần nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam; thành lập các nhóm chuyên trách có trách nhiệm thúc đẩy, tăng cường các mối quan hệ hợp tác và thực hiện các hoạt động về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Đồng quan điểm, ông Phạm Minh Toàn, Tổng Giám đốc VietFest cũng khẳng định sự cần thiết của việc thành lập một ủy ban quốc gia phụ trách quy hoạch, giám sát, hỗ trợ các hoạt động văn hóa, bảo đảm sự phát triển bền vững của công nghiệp văn hóa, tương tự như cách mà Chính phủ Thái Lan đã thành lập Cơ quan Văn hóa Sáng tạo để thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, thông qua các giải pháp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật như miễn thuế để thu hút sự kiện quốc tế, phát triển hạ tầng công nghệ cho sản xuất, phân phối các sản phẩm văn hóa…

Trên cơ sở phân tích các mô hình phát triển công nghiệp văn hóa tại một số quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…, Tổng Giám đốc VietFest đề xuất Việt Nam cần xác định được các ngành công nghiệp văn hóa mang tính mũi nhọn của quốc gia và từng địa phương dựa trên thế mạnh nội tại và xu hướng quốc tế để tránh đầu tư dàn trải; đồng thời xây dựng các chính sách hỗ trợ tài chính, thuế và cơ chế bảo trợ cho các doanh nghiệp, nhà sáng tạo trong ngành công nghiệp văn hóa, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp văn hóa thông qua các ưu đãi về thuế và tài trợ.

Mặt khác, cần có chiến lược để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghiệp văn hóa, bằng cách tăng cường giáo dục, đào tạo về văn hóa, nghệ thuật và công nghiệp sáng tạo trong các trường đại học, trung tâm đào tạo; xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu về quản lý văn hóa, nghệ thuật số và marketing văn hóa kết hợp phát triển các chương trình hợp tác quốc tế; cùng với đó là đưa các nghệ sĩ, nhà quản lý văn hóa tham gia các khóa học, chương trình trao đổi quốc tế để học hỏi kinh nghiệm phát triển công nghiệp văn hóa…

Theo Baonhandan

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/tao-da-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-202731.html
Zalo