Tạo đà bứt phá cho ngành nông nghiệp
Trong những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã tiến hành cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Nhiều phương pháp canh tác thông minh, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường và mang lại thu nhập cao cho người dân.

Quảng Nam phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững. (Ảnh: LÊ ANH QUÂN)
Theo quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050, ngành nông nghiệp tiếp tục là trụ cột trong phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Tại huyện Tiên Phước, măng cụt là một trong những loại cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế khá ổn định cho người dân. Trong những năm qua, địa phương đã vận dụng có hiệu quả cơ chế phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại để hỗ trợ người dân các xã Tiên Mỹ, Tiên Châu, Tiên Cảnh, Tiên Hà và thị trấn Tiên Kỳ chuyển đổi cây trồng hiệu quả thấp sang cây măng cụt.
Nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư kinh phí lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm, thông qua trí tuệ nhân tạo, sử dụng điện thoại thông minh để kiểm soát sự vận hành, tưới nước, theo dõi sự phát triển của cây trồng. Đây là một trong những chuyển biến tích cực trong quá trình áp dụng công nghệ cao, chuyển đổi số vào sản xuất.
Ông Võ Kim Tuân, xã Tiên Mỹ chia sẻ, trước kia chưa biết áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất thì việc tưới nước cho vườn cây bằng hình thức thủ công rất tốn thời gian và gặp nhiều khó khăn. Nhưng từ khi ông lắp đặt hệ thống tưới nước thông minh mọi việc đã trở nên dễ dàng hơn. Giờ đây, ông ngồi ở nhà hoặc bất cứ ở đâu, thông qua điện thoại di động thông minh có thể điều khiển tưới nước tự động cho toàn bộ khu vườn.
Để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, năm 2024, huyện Tiên Phước đã triển khai hỗ trợ 6,8 tỷ đồng cho 155 hộ phát triển kinh tế vườn có áp dụng công nghệ số hóa vùng trồng. Đến nay, đã có gần 1.300 hộ dân trên địa bàn huyện được hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, trang trại mới với tổng kinh phí khoảng 40 tỷ đồng.
Điều này đã giúp hơn 1.500 hộ dân có vườn tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm hướng đến việc hoàn chỉnh và xây dựng thương hiệu các vùng trồng cây chủ lực, cây đặc sản địa phương, góp phần tăng năng suất, tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích sản xuất.
Theo thống kê, năm 2024, tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm của huyện Tiên Phước ước đạt 5.652ha, đạt 104,31% kế hoạch. Diện tích các cây trồng chủ lực tăng đáng kể như tiêu gần 87 ha, thanh trà hơn 307ha, bòn bon hơn 312ha, măng cụt gần 600ha và cau gần 1.200ha…
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tiên Phước Nguyễn Hùng Anh cho biết, hiệu quả đã thấy rõ khi giá trị thu nhập từ kinh tế vườn, kinh tế trang trại của huyện Tiên Phước đã tăng từ 120 triệu đồng/ha năm 2020 lên gần 170 triệu đồng/ha năm 2024 và ước đạt 172 triệu đồng/ha vào năm 2025.
“Tiên Phước phấn đấu giá trị sản xuất kinh tế vườn, kinh tế trang trại chiếm hơn 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện”, ông Nguyễn Hùng Anh thông tin.

Dưa hấu Kỳ Lý (huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) đã xây dựng thành công nhãn hiệu và thương hiệu hàng hóa. (Ảnh: LÊ ANH QUÂN)
Còn tại huyện Phú Ninh, địa phương xác định hạn chế lớn nhất trong kinh tế nông nghiệp là chưa thể xây dựng được các vùng sản xuất tập trung, sản xuất nguyên liệu và hàng hóa.
Phần lớn đất sản xuất vẫn thuộc quyền sử dụng cá nhân và người dân chưa đồng ý cho doanh nghiệp thuê đất để phát triển vùng sản xuất cây chủ lực theo hướng vùng sản xuất lớn. Điều này dẫn đến Phú Ninh chưa thể thu hút đầu tư mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Từ thực tế đó, Phú Ninh đã chuyển định hướng phát triển hợp tác xã quy mô hơn nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tăng liên kết sản xuất, tăng giá trị sản phẩm nông sản.
Toàn huyện Phú Ninh hiện có 49 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó 37 hợp tác xã đang hoạt động hiệu quả. Theo Ủy ban nhân dân huyện, trong thời gian tới, địa phương tiếp tục vận động thành lập thêm bốn hợp tác xã hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp; đồng thời, mở rộng số lượng thành viên, quy mô kinh doanh, thông qua các hình thức liên kết, hợp tác giữa các hợp tác xã và vận động từ 40-50% tổng số hộ nông, lâm nghiệp trên địa bàn huyện tham gia là thành viên hợp tác xã nông nghiệp.
Đặt mục tiêu doanh thu bình quân của hợp tác xã nông nghiệp đạt từ hai tỷ đồng/năm trở lên và hợp tác xã phải phù hợp với điều kiện, yêu cầu sản xuất, kinh doanh ngành hàng, sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP của huyện. Tập trung nguồn lực đầu tư, xây dựng ít nhất một mô hình hợp tác xã nông nghiệp phát triển bền vững, hiệu quả, phù hợp điều kiện thực tế của địa phương.

Nông dân Tam Vinh (huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) tham gia chuỗi liên kết sản xuất ớt. (Ảnh: LÊ ANH QUÂN)
Ông Trần Quốc Doanh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phú Ninh cho biết, huyện xác định trong tương lai sẽ nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp theo định hướng phát triển bền vững, ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Ưu tiên cho các hợp tác xã nông nghiệp có định hướng phát triển gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, mở rộng quy mô, thu hút nông dân, người sản xuất, kinh doanh nông nghiệp tham gia. Điều này sẽ đưa hợp tác xã nông nghiệp trở thành mô hình kinh tế-xã hội quan trọng ở khu vực nông thôn, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và tăng thu nhập cho người nông dân.
Định vị thương hiệu nông nghiệp
Thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 của Chính phủ và Kết luận số 91-KL/TU Hội nghị Tỉnh ủy Quảng Nam lần thứ năm, khóa XXII về phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam đã tập trung chỉ đạo sản xuất, phát huy tối đa các nguồn lực, thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ sang tư duy kinh tế nông nghiệp, triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, nghị quyết để phát triển ngành, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội.
Năm 2024, được xem là năm thành công lớn của ngành nông nghiệp Quảng Nam khi giá trị sản xuất của cả ngành đạt hơn 16.200 tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, nông nghiệp đạt gần 9.800 tỷ đồng, góp phần ổn định kinh tếxã hội của tỉnh.
Theo thống kê, năm 2024, diện tích gieo trồng đạt hơn 83.000ha (đạt 100% kế hoạch), năng suất ước đạt hơn 58 tạ/ha, (tăng hơn hai tạ/ha so với năm 2023) và sản lượng lúa đạt hơn 485.000 tấn (tăng 19,8 nghìn tấn so với năm 2023)... Đến nay, Quảng Nam có 75 dự án liên kết lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, trong đó, có 66 dự án liên kết trồng lúa, rau màu, cây ăn quả và chăn nuôi. Các dự án liên kết sản xuất nông nghiệp thu hút 113 hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia vào chuỗi với hơn 17.000 hộ dân đồng hành.
Theo quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050, ngành nông nghiệp tiếp tục là trụ cột trong phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Qua 7 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP (2018-2024), toàn tỉnh có 479 sản phẩm của 376 chủ thể được công nhận là sản phẩm OCOP; trong đó, có 419 sản phẩm ba sao, 60 sản phẩm bốn sao. Đầu năm 2025, lần đầu tiên Quảng Nam có hai sản phẩm đạt chuẩn OCOP năm sao là bánh dừa nướng Quý Thu của Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất-Thương mại Quý Thu (xã Quế Xuân 2, huyện Quế Sơn) và thực phẩm bảo vệ sức khỏe SAPHRATON của Công ty trách nhiệm hữu hạn Sâm Sâm (xã Trà Linh, huyện Nam Trà My).

Người dân Tiên Phước (Quảng Nam) chú trọng kinh tế vườn, kinh tế trang trại. (Ảnh: LÊ ANH QUÂN)
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hồ Quang Bửu chia sẻ, Quảng Nam đã chủ động để ứng phó với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp và linh hoạt thích ứng bằng các giải pháp như thay đổi cơ cấu cây trồng, phát triển hệ thống thủy lợi… đồng thời, các sản phẩm nông nghiệp phải làm theo hướng sản phẩm hữu cơ, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định của nhiều thị trường. Và điều cần thiết là sản phẩm nông nghiệp của Quảng Nam phải có thương hiệu để hạn chế các rủi ro và tiến tới xây dựng thương hiệu mạnh không chỉ trong nước mà còn ở thị trường thế giới.
Tỉnh Quảng Nam định hướng ngành nông nghiệp trong tương lai là phát triển nông nghiệp hữu cơ, an toàn theo hướng tăng cường liên kết chuỗi, ứng dụng công nghệ tiên tiến, thích ứng biến đổi khí hậu; chuyển đổi cây trồng các vùng khô hạn, nhiễm mặn, các vùng trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi, các vùng chuyên canh rau màu, dược liệu có giá trị cao; hình thành các vùng sản xuất nông sản thực phẩm an toàn cung cấp cho thị trường. Quy hoạch, đầu tư hạ tầng bảo đảm ổn định vùng lúa giống chất lượng cao.
Phát triển nông nghiệp gắn với sản xuất các sản phẩm OCOP, đưa Quảng Nam trở thành địa phương dẫn đầu trong vùng về số lượng, chủng loại, chất lượng sản phẩm OCOP. Bảo tồn, phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với phát triển các sản phẩm nông nghiệp giàu bản sắc vùng miền. Khuyến khích phát triển chăn nuôi theo nhóm hộ, trang trại, quy mô bán công nghiệp, an toàn. Đẩy mạnh kinh tế vườn, kinh tế trang trại, chuyển đổi trồng các loại cây ăn trái theo mùa vụ với các loại hình hợp tác xã kết hợp phát triển du lịch cộng đồng.
“Năm 2025, hai mục tiêu mà Quảng Nam phải đạt là xây dựng được các thương hiệu lớn cho ngành nông nghiệp để xuất khẩu và đẩy mạnh du lịch nông nghiệp, nông thôn; đồng thời, giải quyết câu chuyện thích ứng biến đổi khí hậu để trong tương lai Quảng Nam định hình trên bản đồ kinh tế nông nghiệp toàn quốc là địa phương mạnh có những sản phẩm đặc sản xuất khẩu, vươn tầm thế giới”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hồ Quang Bửu kỳ vọng.