Tạo cơ sở pháp lý để Hà Nội phát triển nhanh và bền vững
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, việc triển khai Luật Thủ đô 2024 cùng với các Nghị quyết, Chỉ thị quan trọng của Trung ương như một cú hích quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để Hà Nội phát triển nhanh và bền vững.
Ngày 14/11, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học “Triển khai Luật Thủ đô số 39/2024/QH15: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”.
Tham dự hội thảo có PGS.TS Lê Hải Bình - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai.
Năm nhóm vấn đề đóng góp triển khai Luật Thủ đô 2024
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận vào 5 nhóm vấn đề chính. Nhóm vấn đề thứ nhất: Trên cơ sở Luật Thủ đô, các bài viết đã đề xuất xây dựng một hệ thống các văn bản, quy định, giải pháp để cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm thúc đẩy Thủ đô phát triển nhanh, bền vững, đóng góp nhiều hơn cho công cuộc xây dựng phát triển đất nước.
Nhóm vấn đề thứ hai: Từ tổng kết thực tiễn, từ kinh nghiệm triển khai Luật Thủ đô năm 2012 trong thời gian vừa qua, các bài viết đã đề xuất các giải pháp, các cơ chế, chính sách cụ thể trên tất cả các lĩnh vực; đồng thời, vừa nhấn mạnh tính khả thi, thống nhất, đồng bộ với hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành của đất nước, vừa làm rõ được những cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội dành cho Thủ đô. Đây là yếu tố quyết định để Luật Thủ đô sớm đi vào cuộc sống và có tính khả thi, giá trị thực tiễn, khắc phục được những tồn tại, hạn chế của việc triển khai thi hành Luật Thủ đô trong giai đoạn trước đây.
Nhóm vấn đề thứ ba: Từ kinh nghiệm quốc tế, các bài viết đã gợi mở cho Hà Nội việc vận dụng những cơ chế, chính sách phù hợp với vị trí, vai trò, chức năng của Thủ đô theo quy định của Hiến pháp năm 2013; giúp cho Thủ đô thực hiện hiệu quả, rõ nét hơn chức năng, nhiệm vụ không chỉ là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, mà còn là trung tâm lớn về kinh tế, về văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế; có sự so sánh giữa Luật Thủ đô với một số luật của Thủ đô một số nước trên thế giới.
Nhóm vấn đề thứ tư: Trên cơ sở phân tích, nghiên cứu tình hình quốc tế và đất nước, nhiều tham luận đã đề cập đến những yêu cầu quản trị, phát triển đặt ra đối với Hà Nội - một Thủ đô có quy mô dân số lớn so với thủ đô của các nước thế giới, của một quốc gia có quy mô dân số rất lớn, có nền kinh tế đang trong quá trình phát triển nhanh.
Từ đó, đề xuất nhiều cơ chế, chính sách rất mới, có những cơ chế, chính sách chưa được quy định trong Luật Thủ đô, gợi mở cho việc tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện pháp luật về Thủ đô. Nhiều cơ chế, chính sách được đề xuất trong các tham luận phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, phù hợp định hướng trong dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV và quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Nhóm vấn đề thứ năm: Việc xây dựng hệ thống văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô cũng đồng thời với quá trình xây dựng các chính sách, định hướng phát triển lớn của đất nước. Chính vì vậy, các bài viết cũng đặt ra nhiều nội dung cần tiếp tục nghiên cứu để có đóng góp thêm vào những thể chế, chính sách lớn của đất nước mà trong Luật Thủ đô chưa đề cập đến.
Các bài viết của Hội thảo không chỉ dừng lại ở việc cụ thể hóa, triển khai thi hành Luật Thủ đô mà còn gợi mở để đóng góp thêm những ý kiến vào chủ trương, định hướng trong việc cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật của đất nước trong thời kỳ mới.
Tháo gỡ điểm nghẽn, tạo động lực mới để Hà Nội phát triển nhanh, bền vững
Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đánh giá cao các ý kiến tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học đầy tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn, cụ thể, tập trung vào những nội dung quan trọng, nội dung khó, đóng góp cho thành phố những giải pháp, cách thức triển khai thi hành Luật Thủ đô năm 2024.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong, đây là lần đầu tiên thành phố tổ chức hội thảo khoa học lớn để triển khai thực hiện, cụ thể hóa các nội dung của Luật Thủ đô sau khi được Quốc hội thông qua. Hội thảo khoa học lớn này nhằm chuẩn bị cho kỳ họp HĐND TP vào tháng 12 tới khi thành phố cụ thể hóa các điều trong Luật.
Bày tỏ vui mừng khi nhận được sự tham gia của các cơ quan, nhà khoa học Trung ương và TP Hà Nội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, các tham luận và ý kiến tại hội thảo thể hiện mong muốn Luật Thủ đô 2024 sớm đi vào thực tiễn, tính khả thi cao, tạo điều kiện như mục tiêu của Luật là tháo gỡ điểm nghẽn nhằm tạo động lực mới để Hà Nội phát triển nhanh, bền vững.
Nhấn mạnh Hà Nội là trung tâm chính trị, hành chính; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học giáo dục; trung tâm, động lực của vùng, theo , Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong, không có Thủ đô nào trên thế giới mà xã nhiều hơn phường, huyện nhiều hơn quận, người dân sống ở nông thôn nhiều hơn người dân sống ở đô thị, song Hà Nội được xếp vào loại đô thị đặc biệt.
Cụ thể hóa, triển khai thi hành Luật Thủ đô 2024
Từ những phân tích trên, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, việc triển khai Luật Thủ đô cùng với các Nghị quyết, Chỉ thị quan trọng của Trung ương như một cú hích quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để Hà Nội phát triển nhanh và bền vững; thực hiện đúng chức năng và nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, việc cụ thể hóa các nội dung trong Luật Thủ đô cũng như triển khai thực hiện hiệu quả là những vấn đề mới với Hà Nội. Vì thế, qua hội thảo, không chỉ cung cấp thêm cho thành phố những căn cứ về lý luận khi triển khai cụ thể hóa Luật Thủ đô, mà còn thêm các căn cứ thực tiễn để triển khai Luật đi vào cuộc sống, bảo đảm yếu tố đặc trưng, đặc thù của Luật.
Trên cơ sở các ý kiến tham luận tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị UBND, HĐND TP và các đơn vị liên quan tiếp thu một cách nghiêm túc để cụ thể hóa vào các nội dung của Luật thuộc thẩm quyền của thành phố.
“Trong thời gian tới, Hà Nội mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của Tạp chí Cộng sản trong việc nghiên cứu lý luận, rất mong nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của các lãnh đạo, các cơ quan Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học vào việc xây dựng các văn bản pháp luật để cụ thể hóa, triển khai thi hành Luật Thủ đô 2024” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong nói.