Tạo cơ hội việc làm cho người nghèo, đối tượng chính sách
Góp phần phát triển kinh tế, ổn định đời sống người dân, các cấp, các ngành trong tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp tích cực để giải quyết vấn đề lao động và việc làm. Một trong những biện pháp thiết thực đó là tạo điều kiện về vốn, hỗ trợ kỹ thuật, khuyến khích người dân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Là đơn vị giải ngân cho vay nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh đã tích cực triển khai chương trình.
Đưa chính sách vào cuộc sống
Giải quyết việc làm là vấn đề cấp thiết, yếu tố quyết định phát huy nhân tố con người, ổn định và phát triển kinh tế. Từ nhiều năm nay, vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là người nghèo, đối tượng chính sách luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta. Xác định vốn vay giải quyết việc làm là một trong những kênh quan trọng, hỗ trợ người dân có thêm “cần câu” để thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, Ngân hàng CSXH tỉnh công khai các chính sách liên quan đến chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm đến tận vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua hệ thống các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác và thực hiện giải ngân trực tiếp tại Điểm giao dịch các phường, xã, thị trấn.
Theo đó, bên cạnh tăng cường tuyên truyền những ưu đãi của nguồn vốn vay đến người dân, Ngân hàng CSXH các huyện chủ động xây dựng chỉ tiêu kế hoạch hàng năm, tiến hành thẩm định, giải ngân cho vay thuận lợi, nhanh chóng nhằm chuyển tải nguồn vốn kịp thời đến đối tượng thụ hưởng, đồng thời đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn vào các dự án.
Đối với một huyện miền núi như Yên Lập, vấn đề cho vay ưu đãi giải quyết việc làm luôn được xác định là một trong những chương trình quan trọng hỗ trợ hộ nghèo, hộ chính sách có thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống. Vì vậy, Ngân hàng CSXH huyện luôn tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của chương trình. Ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện cho biết: “Cho vay giải quyết việc làm là chương trình nhằm tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp trong xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, nông thôn. Trong 10 tháng của năm 2024, nguồn vốn chương trình tín dụng giải quyết việc làm của Yên Lập đã hỗ trợ kịp thời vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho 50 lao động địa phương. Đến nay, dư nợ chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm đạt gần 35 tỷ đồng, có 465 khách hàng còn dư nợ”.
Chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm hiện nay chủ yếu được thực hiện từ nguồn vốn của Quỹ Quốc gia về việc làm, nguồn vốn do Ngân hàng CSXH huy động và nguồn địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH. Thông qua nguồn vốn, Ngân hàng CSXH đã giải ngân cho vay nhiều đối tượng lao động yếu thế, người khuyết tật, lao động khu vực nông thôn có cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi để mở rộng, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo và tự tạo việc làm cho bản thân, gia đình, cộng đồng. Đến nay, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm nhận ủy thác tại địa phương là 136,7 tỷ đồng.
Chỉ tính riêng trong năm 2024, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh đã giúp cho 2.326 dự án được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, qua đó có 2.825 lao động được tạo việc làm ổn định. Hầu hết các dự án vay vốn được đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt, phát triển nghề phụ, nghề truyền thống và kinh doanh tổng hợp. Trong tổng số các dự án cho vay, dự án thuộc kinh tế hộ gia đình chiếm đa số, tập trung ở vùng nông thôn, chủ yếu thu hút lực lượng lao động nông nghiệp nhàn rỗi. Hiện nay, dư nợ cho vay giải quyết việc làm đạt gần 739 tỷ đồng với 12.363 khách hàng còn dư nợ chương trình.
Đây là một trong số các chương trình tín dụng mang lại hiệu quả cao mà Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh triển khai trong thời gian qua. Các đối tượng trong diện đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, nâng cao hiệu quả trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh, giúp thoát nghèo bền vững.
Huy động nguồn lực, tăng khả năng tiếp cận vốn
Chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm với nhiều ưu đãi, rất thuận lợi cho người lao động. Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm. Đối với người lao động, mức vay tối đa là 100 triệu đồng. Mức vay cụ thể do Ngân hàng CSXH xem xét căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn để thỏa thuận với đối tượng vay vốn. Thời hạn vay vốn tối đa 120 tháng, lãi suất vay vốn bằng lãi suất vay vốn đối với hộ cận nghèo theo quy định pháp luật về tín dụng đối với hộ cận nghèo.
Có thể thấy, cùng với các chương trình cho vay hộ nghèo, cho vay học sinh, sinh viên, nước sạch, vệ sinh môi trường... dư nợ cho vay chương trình giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh luôn chiếm ở mức cao, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thời gian tới, các cấp, các ngành trong tỉnh tiếp tục quan tâm, xem xét, cấp thêm nguồn vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm để các địa phương thực hiện giải ngân theo Nghị định số 74/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Từ đó, giúp các gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm trong duy trì, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp giữa ngành LĐ,TB&XH và Ngân hàng CSXH trong xây dựng kế hoạch tạo việc làm, giải ngân nguồn vốn; ưu tiên cho vay các cơ sở sản xuất, kinh doanh tạo nhiều việc làm, đặc biệt là việc làm phi nông nghiệp; ưu tiên cho vay đối với lao động là người khuyết tật, lao động thanh niên, phụ nữ nông thôn.
Các hội, đoàn thể tiếp tục đổi mới hoạt động, lồng ghép hoạt động tín chấp nguồn vốn với các chương trình khuyến nông, khuyến công, chuyển giao khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của các dự án phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động. Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể trong việc phối hợp quản lý, hướng dẫn, thẩm định, đảm bảo cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích, sử dụng vốn vay hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương.
Ông Trương Việt Phương - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh khẳng định: Nguồn vốn vay giải quyết việc làm là một trong những kênh quan trọng hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và tạo việc làm ổn định. Hiện nay, việc triển khai cho vay, giải ngân nguồn vốn đến với người dân và doanh nghiệp trong tỉnh đang được thực hiện thuận lợi nhờ sự vào cuộc, phối kết hợp rất đồng bộ, nhịp nhàng của các cấp ủy, chính quyền, các hội đoàn thể cùng Ngân hàng CSXH từ tỉnh đến cơ sở, kịp thời đưa vốn tới người dân, doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, nhất là sau đại dịch COVID-19, sau cơn bão số 3 và hoàn lưu bão vừa qua.