Tạo cơ hội, cơ chế cho người dân được thụ hưởng thành quả của văn hóa, thể thao và du lịch
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch diễn ra trong ngày 18/12.
Dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 772 điểm cầu trên toàn quốc.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lào Cai có đồng chí Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Năm 2024, toàn ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã quán triệt và triển khai kịp thời các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, với phương châm: “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”, “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả”;…
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu, trình Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035…
Thể thao Việt Nam tham dự các đại hội thể thao quốc tế để lại nhiều dấu ấn tích cực, đã giành được 1.214 huy chương quốc tế (trong đó 482 huy chương vàng, 360 huy chương bạc, 372 huy chương đồng).
Tổng thu từ du lịch năm 2024 ước đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Công tác văn hóa đối ngoại có nhiều điểm sáng, trong năm 2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức ký kết 11 văn bản hợp tác quốc tế nhân các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; xây dựng 14 kế hoạch triển khai các hoạt động đối ngoại; nhiều hoạt động, sự kiện giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa, thể thao và du lịch được tổ chức thành công, quảng bá hình ảnh và góp phần củng cố vị thế quốc tế của đất nước...
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung tham luận làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến hoạt động của ngành văn hóa, thể thao, du lịch; các vấn đề còn vướng mắc, tồn tại để tìm phương hướng, giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Năm 2024, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa được tỉnh Lào Cai chú trọng, tạo động lực phát triển kinh tế du lịch địa phương. Lào Cai dẫn đầu về số lượng di sản văn hóa phi vật thể được công nhận với 41 di sản phi vật thể cấp quốc gia.
Các hoạt động thể dục - thể thao trong tỉnh được liên tục tổ chức với sự tham gia của đông đảo tầng lớp Nhân dân, số lượng người tham gia các giải thể thao trung bình cao hơn 3 lần so với những năm trước. Đến tháng 12/2024, số người tham gia tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên đạt trên 37%; số hộ gia đình thể thao đạt trên 24%.
Năm 2024, Lào Cai dự kiến đón khoảng hơn 8 triệu lượt khách du lịch; tổng thu từ khách du lịch đạt 27.000 tỷ đồng. Lào Cai cũng phát triển được nhiều sản phẩm du lịch mới, đặc sắc, trở thành thương hiệu nổi tiếng, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước…
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng và chúc mừng những kết quả quan trọng mà ngành văn hóa, thể thao và du lịch trên cả nước đã đạt được trong năm 2024.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Trong năm 2025 ngành văn hóa, thể thao và du lịch cần tạo đột phá về thế chế theo hướng dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm", kiên quyết loại bỏ cơ chế "xin - cho"; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số; đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược, toàn diện, các thiết chế văn hóa, thể thao và du lịch, cả về hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, hạ tầng kết nối, đặc biệt là hạ tầng số trên cơ sở dữ liệu, trí tuệ nhân tạo; đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành, có cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp; nâng cao năng lực quản lý, quản trị ngành theo hướng thông minh, trên cơ sở dữ liệu; xây dựng các điển hình tiên tiến, nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt, tạo phong trào, xu thế phát triển; tạo cơ hội, cơ chế cho người dân Việt Nam được thụ hưởng thành quả của văn hóa, thể thao và du lịch.