Tạo cơ chế để TP Hồ Chí Minh phát huy tối đa tinh thần 'dám nghĩ, dám làm'
Chia sẻ với phóng viên, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng, chủ trương bảo vệ cán bộ 'dám nghĩ, dám làm' sẽ tạo động lực để đổi mới, tạo sự nhảy vọt về phát triển cho các địa phương. Do vậy, rất cần có một nơi thực sự năng động, có năng lực để triển khai chủ trương này của Đảng.
Thí điểm nâng cấp từ Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành Sở An toàn thực phẩm
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 30/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh. Tổ 15 gồm các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Khánh Hòa, Bình Phước.
Tham gia thảo luận tại phiên họp Tổ 15, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, đây là nội dung rất quan trọng Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 nhằm thể chế hóa tinh thần của Nghị quyết số 24-NQ/TW và Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Trong đó, Nghị quyết số 31-NQ/TW có nêu rõ cần hết sức chú trọng đến việc phân cấp, phân quyền cho TP Hồ Chí Minh trên một số lĩnh vực, đây là điểm nhấn trong Nghị quyết trên. Trên tinh thần đó, Ban Cán sự Đảng Chính phủ cũng như Chính phủ đã có nhiều phiên họp để định hướng, trao đổi, chia sẻ và thống nhất, sau đó hoàn thiện. Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có những phiên họp thảo luận sâu về vấn đề này để trình Quốc hội. Có thể nói, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp lần này đã khá hoàn thiện.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tại kỳ họp lần này, dự kiến Quốc hội sẽ phân cấp, phân quyền cho TP Hồ Chí Minh một số nội dung, trong đó nổi lên vấn đề liên quan tới Sở An toàn thực phẩm. Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà chia sẻ, về cơ sở chính trị thì đã được căn cứ vào Chỉ thị số 17 của Ban Bí thư và căn cứ theo tinh thần của Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị. Liên quan tới pháp lý, các Luật cũng có quy định liên quan; đặc biệt liên quan tới Luật An toàn thực phẩm. Trên thực tiễn, Chính phủ đã cho TP Hồ Chí Minh thí điểm Ban Quản lý an toàn thực phẩm từ năm 2017 và đã được thực hiện rất hiệu quả.
Qua tổng kết đánh giá với 3 mô hình thí điểm gồm TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng và tỉnh Bắc Ninh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, TP Hồ Chí Minh thực hiện hiệu quả nhất. Từ đó, trên cơ sở Chỉ thị số 17 của Ban Bí thư, thành phố cũng có đề xuất tiếp tục nâng cấp thí điểm từ Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành Sở An toàn thực phẩm. Từ các cơ sở trên có thể thấy đã đủ điều kiện, tiêu chuẩn để nâng cấp từ Ban lên Sở và được thí điểm trong 5 năm khi Nghị quyết được Quốc hội thông qua. Bộ trưởng mong muốn, các vị Đại biểu Quốc hội sẽ ủng hộ TP Hồ Chí Minh trong việc thực hiện thí điểm mô hình này để tổng kết, rút kinh nghiệm và đánh giá hiệu quả thực hiện trên tinh thần Chỉ thị số 17 của Ban Bí thư. Qua đó kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất có một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm về an ninh, an toàn thực phẩm.
Phải có cơ chế “cởi trói” cho TP Hồ Chí Minh phát triển
Trước đó, trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nhìn nhận: TP Hồ Chí Minh vốn năng động, có tốc độ phát triển khá tốt nhưng tăng trưởng vừa qua ở cuối bảng trong các tỉnh, thành phố trên cả nước. Điều này không phải hoàn toàn do năng lực của thành phố, mà có nguyên nhân do TP Hồ Chí Minh bị bó buộc bởi cơ chế, chính sách. Do đó, việc phải có một cơ chế cởi mở để “cởi trói” cho TP Hồ Chí Minh là cần thiết.
Theo Đại biểu Hoàng Văn Cường, phạm vi, quy mô, tính chất của các chính sách hiện hành tại Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Hồ Chí Minh còn chừng mực, chưa tạo sức nặng đột phá. Nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách cản trở sự phát triển của thành phố cũng được đưa ra thảo luận trong quá trình sửa đổi các luật liên quan và chưa được Quốc hội thông qua. Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính lớn nhất cả nước, có vai trò quan trọng trong điều tiết về ngân sách trung ương, hiện đang đóng góp khoảng 27% ngân sách. Việc có chính sách vượt trội là cần thiết không chỉ đối với thành phố mà cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả đất nước.
Trong dự thảo Nghị quyết trình về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh trình Quốc hội tại kỳ họp lần này bao gồm các cơ chế, chính sách đang được triển khai theo Nghị quyết số 54/2017/QH14, cũng như một số chính sách đã được cho áp dụng với các tỉnh, thành phố gần đây. Đồng thời, cũng có một số chính sách đang được đưa ra trong quá trình sửa đổi các dự án luật liên quan. Nói cách khác, trong dự thảo Nghị quyết lần này không phải cơ chế, chính sách đặc thù nữa mà là một khung khổ pháp luật để thành phố “đi trước, hành động trước”. Như vậy, TP Hồ Chí Minh là địa phương được đi trước, trải nghiệm trước các quy định pháp luật này, góp phần tháo gỡ các vướng mắc, rào cản cho bản thân thành phố. Tuy đây chưa thực sự là những “viên thuốc” đặc hiệu để phát huy tối đa tiềm năng của TP Hồ Chí Minh, nhưng sẽ giúp tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách đang cản trở sự phát triển của thành phố.
Theo Đại biểu Hoàng Văn Cường, TP Hồ Chí Minh là một địa phương rất đặc biệt, cán bộ, người dân, doanh nghiệp vốn được đánh giá là luôn năng động, dám nghĩ, dám làm và đi đầu trong đổi mới. Bên cạnh đó, hiện nay đã có Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung đang tạo động lực dám nghĩ, dám làm cho hệ thống chính trị. “Có thể thấy, chính dám nghĩ, dám làm sẽ tạo động lực để đổi mới, tạo sự nhảy vọt về phát triển cho các địa phương. Do vậy, rất cần có một nơi thực sự năng động, thực sự có năng lực để triển khai chủ trương này của Đảng. Đồng thời cần một khuôn khổ pháp lý để TP Hồ Chí Minh phát huy tối đa được tinh thần dám nghĩ, dám làm này”, Đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Theo Đại biểu Hoàng Văn Cường, dự thảo Nghị quyết lần này cần có tầm nhìn dài hạn và đột phá hơn cho TP Hồ Chí Minh.