Tạo cơ chế để nhà khoa học trẻ là đảng viên phát triển
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, đội ngũ nhà khoa học trẻ là đảng viên có vai trò rất quan trọng. Họ trở thành động lực cho sự phát triển khoa học công nghệ của Nhà trường và triển khai thành công Nghị quyết 57.
Thưa ông, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong đó nêu rõ, người đứng đầu phải trực tiếp phụ trách, chỉ đạo; cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện. Vậy tại Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, việc này đã thực hiện như thế nào và sẽ được cụ thể hóa trong thời gian tới ra sao?
Với vai trò là một cán bộ quản lý cơ sở đào tạo về công nghệ - kỹ thuật, tôi đánh giá cao quyết tâm của Đảng, Chính phủ khi ban hành Nghị quyết 57, đưa Khoa học công nghệ trở thành một trong những điểm đột phá trong phát triển kinh tế xã hội Việt Nam; Lấy khoa học công nghệ trở thành trụ cột và động lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế. Điều này hoàn toàn phù hợp với điều kiện, văn hóa, và thế mạnh thông minh, học giỏi và chăm chỉ của con người Việt Nam.
Trong thời gian tới, chúng ta sẽ không có nhiều dư địa để phát triển đất nước nếu như không dựa vào khoa học công nghệ. Đây là bài học rất nhiều các quốc gia trên thế giới trải qua. Đã có rất nhiều bài báo, nghiên cứu chỉ ra, năng suất lao động của người Việt Nam thấp so với Singapore, Malaysia đến 10 lần. Năng suất này không phải là năng lực của từng cá nhân mà là năng suất tổng hợp của cả hệ thống. Bởi nếu nhìn vào năng suất lao động của một doanh nghiệp, chúng ta cần nhìn vào tổng thế các yếu tố từ tổ chức của doanh nghiệp, mặt hàng, định vị thị trường, thị phần đầu tư, sau đó mới kể đến năng suất lao động.
"Đảng ủy Nhà trường luôn có chính sách bồi dưỡng kết nạp các nhà khoa học trẻ trở thành các đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Chúng tôi tin rằng, họ chính là “hạt giống đỏ” trong xây dựng đội ngũ khoa học đầu đàn, đầu ngành nước ta trong nhiều năm tới, tham gia vào hệ thống quản trị, lãnh đạo các cấp và cũng sẽ là nhân lực dẫn dắt các doanh nghiệp công nghệ đồng hành với chủ trương của Đảng trong triển khai Nghị quyết 57", GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết.
Ví dụ, cùng sản xuất một mặt hàng linh kiện điện tử, có doanh nghiệp thu được lợi nhuận cao nhưng có doanh nghiệp không. Bởi những doanh nghiệp lợi nhuận cao đã đưa kiến thức, kỹ năng và trong quá trình thiết kế, chế tạo, tham gia vào trong những công đoạn mà có giá trị gia tăng cao hơn. Trong khi đó doanh nghiệp của chúng ta lại đang còn dựa vào công đoạn có giá trị gia tăng thấp nên thu nhập thấp hơn.
Đồng chí Tổng bí thư Tô Lâm cũng đề cập về việc thời gian tới Việt Nam phải tham gia vào công đoạn giá trị cao hơn trong chuỗi công nghiệp. Đây có lẽ sẽ là điểm mấu chốt để công nghiệp nước ta bứt phá. Hơn một năm trước, trong chuyến thăm của Thủ tướng Hà Lan tới Việt Nam, thông điệp của Ngài Thủ tướng là nâng cao vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu, chứ không phải phấn đấu làm chủ cả chuỗi công nghiệp. Hiện nay, trên thế giới, không nhiều doanh nghiệp xây dựng mô hình làm chủ hoặc tham gia tất cả các công đoạn khác nhau trong chuỗi giá trị công nghiệp.
Nghị quyết 57 cho thấy, chúng ta cần huy động cả hệ thống chính trị, Chính phủ, các Bộ, ngành tham gia xây dựng, ban hành và thực hiện các thể chế, chính sách, quy định để nâng cao vai trò giá trị của khoa học công nghệ, của nghiên cứu và phát triển (R&D) vào hệ thống công nghiệp. Chính sách này là chỗ dựa vững chắc về thể chế để các doanh nghiệp tự tin đầu tư lâu dài vào phát triển các sản phẩm công nghệ với tầm nhìn thị trường toàn cầu. Nghị quyết 57 sẽ là động lực để huy động và khai thác triệt để các bên liên quan tham gia đầu tư, phát triển sản phẩm khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao. Chỉ khi nào các trường đại học, các viện nghiên cứu nhìn thấy vai trò quan trọng của nghiên cứu khoa học của họ trong phát triển sản phẩm của các doanh nghiệp công nghiệp, và cũng chỉ khi nào doanh nghiệp thấy tiềm năng lợi nhuận cao trong hợp tác R&D với các cơ sở nghiên cứu khoa học, thì lúc đó công nghiệp Việt Nam mới có khả năng có chỗ đứng quan trọng trên không gian toàn cầu. Và đó chính là sứ mạng mà Nghị quyết 57 đã đặt ra cho tất cả các bên liên quan bao gồm: Nhà quản lý, doanh nghiệp, trường đại học và các viện nghiên cứu.
Các doanh nghiệp cần đầu tư rất mạnh để nâng cao giá trị công nghệ trong từng sản phẩm, đầu tư cho công tác nghiên cứu và phát triển R&D, sáng tạo các giá trị mới của sản phẩm, nâng tầm giá trị của sản phẩm trong chuỗi giá trị toàn cầu. Vì thế, Việt Nam không chỉ xây dựng nền tảng thể chế, hạ tầng và nhân lực để đón các doanh nghiệp FDI đầu tư mà phải chuẩn bị thể chế để đẩy mạnh phát triển các doanh nghiệp Việt Nam bao gồm cả các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp siêu nhỏ. Chúng ta cần đẩy mạnh xây dựng chính sách thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua các chính sách mạnh mẽ về hỗ trợ cơ sở hạ tầng, thông tin, hỗ trợ pháp lý, thuế, thuế thu nhập cá nhân. Bức tranh công nghiệp Việt Nam hiện nay cho thấy vị thế còn khá hạn chế của các doanh nghiệp nội.
Nhưng ở góc nhìn tích cực và kỳ vọng, chúng ta lại thấy tiềm năng to lớn trong không gian phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam trong giai đoạn khá mới mẻ này. Trước năm 2010, các doanh nghiệp FDI chủ yếu khai thác tiềm năng lao động chăm chỉ, giá rẻ trong các công đoạn gia công chế tạo. Nhưng những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp FDI đã thấy rõ tiềm năng lợi nhuận cao trong đầu tư vào công đoạn nghiên cứu và phát triển R&D, trong đó có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ. Samsung Việt Nam là một ví dụ thành công trong đầu tư Trung tâm nghiên cứu phát triển SRV tại Hà Nội. LG cũng phát triển cơ sở mới của bộ phận R&D. Nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng đã đầu tư vào các công đoạn nghiên cứu, thiết kế tại Việt Nam như Marvel Technology, Qorvo trong thiết kế vi mạch bán dẫn. Ngoài ra, có thể còn liệt kê nhiều doanh nghiệp FDI khác nhau đang tìm thấy lợi nhuận tốt trong đầu tư R&D tại Việt Nam như Bosch Global Software Technologies, Panasonic, Toshiba, Nissan Automotive Technology, Infineon Technologies… Nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng làm việc trong môi trường doanh nghiệp toàn cầu là yêu cầu cao đặt ra cho hệ thống giáo dục đại học nước ta. Nhân lực chất lượng cao sẽ nâng tầm vị thế Việt Nam trong bức tranh doanh nghiệp toàn cầu.
Theo tôi, thời gian tới các cơ sở giáo dục đại học cần triển khai những việc trọng tâm như sau:
Thứ nhất, các trường đại học phải nâng cao chất lượng của các chương trình đào tạo, chất lượng chuẩn đầu ra của sinh viên tốt nghiệp để đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi cao hơn khi tham gia chuỗi giá trị của các doanh nghiệp.
Thứ hai, các trường đại học phải đào tạo cho sinh viên kiến thức, kỹ năng về R&D để sẵn sàng hội nhập vào môi trường doanh nghiệp ngay sau khi tốt nghiệp.
Thứ ba, các trường phải tự xây dựng văn hóa làm việc để phát triển thành các đại học nghiên cứu. Yêu cầu về đại học nghiên cứu không phải là yêu cầu mới, nhưng sẽ là rất thách thức và khó khăn để bất cứ một cơ sở giáo dục đại học Việt Nam nào phát triển thành công thành trường đại học nghiên cứu.
Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tự chủ được 3 năm. Chúng tôi nhận thức rõ, Nhà trường chỉ có thể phát triển khi gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học. Nhà trường có một số chính sách trong đồng hành với các nhóm nghiên cứu, các thầy cô và các nhóm sinh viên. Nhà trường hỗ trợ thầy cô, nhóm nghiên cứu dựa trên kết quả nghiên cứu. Nhà trường đầu tư trực tiếp các nhóm nghiên cứu thông qua hỗ trợ trực tiếp dựa trên kết quả khoa học là bài báo khoa học, sáng chế. Chính sách này, phần nào đã tạo ra động lực rất tốt trong các nhóm nghiên cứu. Do đó, thành tích nghiên cứu khoa học công nghệ của Nhà trường vài năm qua đạt tốc độ phát triển cao. Năm 2024, Trường có gần 400 bài báo trong nước và quốc tế. Bình quân mỗi thầy cô có khoảng 2,4 bài báo khoa học thuộc danh mục ISI, Scopus/năm. Nhiều cán bộ giảng viên của Nhà trường là nhà khoa học hàng đầu trong nước và trên thế giới. Nhà trường đã có nhiều hợp tác trong đào tạo nhân lực, R&D với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế như Samsung, LG, Viettel, VNPT, Dai Nippon Printing, McNEX, Giaohangtietkiem, FPT, Toshiba… Trường Đại học Công nghệ phân cấp trực tiếp cho lãnh đạo các đơn vị trong Trường về chỉ tiêu khoa học và kinh phí thực hiện. Lãnh đạo đơn vị thực hiện phân bổ tài chính nghiên cứu khoa học cho các nhóm nghiên cứu. Từ đó, Nhà trường đã tạo dựng văn hóa nghiên cứu gắn với công tác giảng dạy trong mỗi thầy cô, mỗi đơn vị và lan tỏa đến từng sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh.
Thời gian vừa qua, Trường Đại học Công nghệ có hai chính sách có điểm nhấn trong khoa học công nghệ là: Mô hình đầu tư đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở (đề tài CN), và Mô hình đào tạo sau đại học.
Trường Đại học Công nghệ thí điểm thực hiện đầu tư một số đề tài cấp cơ sở với thời gian thực hiện từ 3 đến 5 năm, và mức kinh phí lên đến vài tỷ/năm. Kinh phí tài trợ và thời gian thực hiện sẽ dựa trên tầm vóc của sản phẩm tiềm năng của đề tài. Các nhóm nghiên cứu sẽ được hạn chế tối đa công tác liên quan đến khâu thanh quyết toán tài chính của đề tài. Dựa trên những kê khai, cam kết của nhóm nghiên cứu, kinh phí nhân lực sẽ được cấp trực tiếp vào tiền lương hàng tháng của các thầy cô. Công tác mua sắm nguyên vật liệu, linh kiện, tham dự hội thảo, xuất bản… sẽ được các phòng chức năng của Nhà trường thực hiện. Cơ chế này cho phép khai thác tối đa thế mạnh và chức năng của từng bộ phận, từng cán bộ, giảng viên. Cơ chế này sẽ đẩy mạnh được sự sáng tạo tối đa của giảng viên, sinh viên trong công tác nghiên cứu và giảng dạy. Thông qua hệ thống quản trị, các phòng chức năng sẽ giữ được sự chặt chẽ trong tổ chức về tài chính, cơ sở vật chất.
Đề án đầu tư đề tài cấp cơ sở, đề tài CN, của Trường Đại học Công nghệ đã được Đảng ủy, Hội đồng trường thông qua. Đề án đầu tư này sẽ khai thác tối đa tác động của Nghị quyết 57. Tôi tin, chính sách này sẽ là cú hích mạnh mẽ để nâng cao vị thế khoa học công nghệ của Nhà trường.
Đối với chính sách đào tạo sau đại học, từ năm 2025, toàn bộ các học viên cao học và nghiên cứu sinh đều được miễn học phí 100% và cấp học bổng sinh hoạt. Học viên và nghiên cứu sinh sẽ học tập, nghiên cứu khoa học và tham gia trợ giảng toàn thời gian tại Trường. Ngoài miễn học phí, mỗi học viên cao học nhận hỗ trợ 5 triệu, nghiên cứu sinh nhận hỗ trợ 7 triệu đồng mỗi tháng.
Để triển khai có hiệu quả chính sách này, các nghiên cứu sinh, học viên cao học sẽ được tham gia toàn thời gian vào các nhóm nghiên cứu và tham gia thực hiện đề tài khoa học cùng các giảng viên. Dựa trên thành tích cụ thể của từng học viên, nghiên cứu viên, các nhóm nghiên cứu còn có chính sách khác nhau trong hỗ trợ từng thành viên này. Bên cạnh động viên người học khai thác tối đa tiềm năng nghiên cứu khoa học, chính sách này cũng gắn trách nhiệm cho các thầy cô trong nâng cao năng suất lao động khoa học của các học viên và nghiên cứu sinh.
Quan điểm của ông về vai trò của những nhà khoa học trẻ là đảng viên trong việc triển khai Nghị quyết 57 này là gì? Ông có thể dẫn chứng tại Trường Đại học Công nghệ đã tạo lập môi trường và cơ chế như thế nào để những nhà khoa học trẻ này cống hiến?
Nhà khoa học trẻ đóng vai trò vô cùng quan trọng và là đối tượng chính trong cách chính sách của Nhà trường. Hầu hết, các nhà khoa học trẻ của Nhà trường được đào tạo Tiến sĩ ở các trường đại học danh tiếng trên thế giới. Hơn nữa, họ là những người thuộc thế hệ trẻ nên rất gần gũi và dễ dàng làm việc, dẫn dắt các khóa sinh viên. Giảng viên trẻ sẽ là cầu nối giữa các sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh với cộng đồng khoa học thế giới. Nhà nghiên cứu khoa học trẻ là động lực chính cho sự phát triển của Trường Đại học Công nghệ.
Đảng ủy Nhà trường luôn có chính sách bồi dưỡng kết nạp các nhà khoa học trẻ trở thành các đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Chúng tôi tin rằng, họ chính là “hạt giống đỏ” trong xây dựng đội ngũ khoa học đầu đàn, đầu ngành nước ta trong nhiều năm tới, tham gia vào hệ thống quản trị, lãnh đạo các cấp và cũng sẽ là nhân lực dẫn dắt các doanh nghiệp công nghệ đồng hành với chủ trương của Đảng trong triển khai Nghị quyết 57.
Trường Đại học Công nghệ đã làm thế nào để thu hút được những nhà khoa học trẻ tiên phong trong xây dựng Đảng, thưa ông?
Thu hút, xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao là là một chính sách dài hơi. Nhà khoa học trẻ hôm nay là trụ cột và tương lai của Nhà trường trong thời gian trung hạn và dài hạn. Nhà khoa học trẻ là đại diện tiêu biểu cho một thế hệ trẻ rất tài năng. Như vậy, hiểu biết, trải nghiệm và chia sẻ các chính sách về chính trị, xã hội của các nhà khoa học trẻ sẽ nâng tầm, nâng cao trách nhiệm xã hội, và trách nhiệm quốc gia của mỗi cá nhân nhà khoa học.
Trong thời gian vừa qua, Trường Đại học Công nghệ đã thực hiện triệt để mô hình Đảng lãnh đạo toàn diện, gắn với yêu cầu thực tế của sự phát triển đơn vị thông qua thiết chế khác như Hội đồng trường, Ban Giám hiệu, Công đoàn và Đoàn Thanh niên. Các chính sách của Đảng ủy, chiến lược phát triển, các nhiệm vụ trọng tâm của Trường thông qua các nghị quyết, các quyết định đã tác động trực tiếp đến các hoạt động và giá trị hàng ngày. Nhà trường xác định nhiệm vụ chính trị của giảng viên là nghiên cứu khoa học tốt, giảng dạy tốt, dẫn dặt người học trách nhiệm, tận tụy, đồng hành với giá trị nhận được cao hơn, từ đó tạo ra phong trào tốt, các khóa sinh viên tốt nghiệp đúng hạn tỉ lệ cao, chất lượng cao.
Hiện nay, số lượng đảng viên là nhà khoa học trẻ, sinh viên, học viên của Nhà trường chiếm tỷ lệ nhiều hơn 60% trong tổng số đảng viên. Các đảng viên trẻ nhận thức rõ được vai trò, trách nhiệm, trách nhiệm tự chủ và làm chủ trong các hoạt động của Nhà trường.
Trường Đại học Công nghệ đã phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ra sao, thưa ông?
Với bối cảnh tự chủ đại học, Nhà trường mong muốn mỗi đơn vị, mỗi cán bộ, giảng viên và người học thể hiện tinh thần tự chủ, làm chủ. Tự chủ đại học cho phép các đơn vị, các giảng viên, cán bộ sáng tạo hơn, chủ động hơn trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng hành với tự chủ, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ sẽ là những giá trị nhận được của mỗi bên liên quan. Hiệu quả hoạt động sẽ nâng cao thu nhập của mỗi cán bộ và nâng cao cơ hội học tập, rèn luyện. Do đó nâng cao chuẩn đầu ra của mỗi sinh viên, mỗi người học.
Trong thời gian vừa qua, Nhà trường đã xây dựng và ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ mới. Chúng tôi phấn đấu để các cán bộ trong toàn trường nhận được mức lương tương đương với các trường đại học khác, các doanh nghiệp công nghiệp, thậm chí là các doanh nghiệp FDI tại Hà Nội và các khu vực lân cận. Mức lương của giảng viên Nhà trường phấn đấu tương đương với các nhân lực làm việc trong bộ phận R&D của doanh nghiệp FDI. Điều này tạo sự cạnh tranh công bằng trong thu hút nhân lực giữa Nhà trường với các đơn vị, doanh nghiệp khác. Để xây dựng văn hóa làm chủ, tự chủ, Nhà trường đang xây dựng văn hóa làm việc: “Làm theo nhu cầu, hưởng theo năng lực”.
Hệ thống quản trị của Nhà trường luôn đổi mới sáng tạo để khai thác tối đa năng lực của mỗi cán bộ, giảng viên và sinh viên toàn Trường. Nhà trường luôn đồng hành với xã hội với triết lý giáo dục “Sáng tạo và vun đắp giá trị nhân văn của công nghệ”. Chúng tôi đào tạo và vun đắp mỗi sinh viên sẽ trở thành một nhà khoa học giỏi, một nhà công nghệ, kỹ thuật giỏi, đồng hành với tinh thần làm việc, cống hiến hăng say, với thái độ nhân văn và xây dựng vì một tương lai tươi sáng của đất nước, của cộng đồng, của mỗi doanh nghiệp, của mỗi đơn vị và của mỗi gia đình.
Trân trọng cảm ơn ông!