Tạo cơ chế đặc thù để Hà Nội 'cất cánh', thúc đẩy sự phát triển chung của cả nước

Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XV thông qua là văn bản pháp lý thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại... Những cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội của Luật lần này được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực, điểm tựa, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để Hà Nội sớm 'cất cánh' trong giai đoạn mới.

Cử tri mong chờ Luật sớm được triển khai thực hiện, khi đi vào thực tiễn sẽ mang tính đột phá nhằm thúc đẩy xây dựng, phát triển Thủ đô, để Thủ đô vươn tầm, xứng đáng là đô thị đặc biệt, có vai trò dẫn dắt sự phát triển chung của cả nước. PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Đại biểu Quốc hội đoàn TP. Hà Nội đã chia sẻ góc nhìn xung quanh vấn đề này.

+ Thưa PGS, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Thủ đô năm 2024. Là Đại biểu thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, ông nhìn nhận như thế nào về ý nghĩa của Luật đối với sự phát triển của Hà Nội trong tương lai?

- Tôi cho rằng, đây là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử đối với sự phát triển Thủ đô nói chung và văn hóa Thủ đô nói riêng.

Hà Nội - Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - giờ đây, thực sự được “mặc một chiếc áo mới”, đủ vừa vặn để đẹp đẽ, đủ rộng để vươn tầm phát triển, xứng đáng là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở các cơ quan Trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là thành phố trực thuộc Trung ương, là đô thị loại đặc biệt, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế của cả nước!

 Đại biểu Quốc hội, PGS.TS Bùi Hoài Sơn.

Đại biểu Quốc hội, PGS.TS Bùi Hoài Sơn.

Giống như rất nhiều các Đại biểu Quốc hội và những người yêu văn hóa Thủ đô, tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua với nhiều chính sách, quy định tạo thuận lợi cho sự phát triển văn hóa. Trong Luật đã nhấn mạnh: “Việc bảo vệ và phát triển văn hóa Thủ đô phải xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội; xây dựng Hà Nội là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước; xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam”. Điều này được cụ thể hóa bằng các biện pháp ưu tiên nguồn lực cho bảo vệ và phát triển văn hóa Thủ đô.

+ Đại biểu Quốc hội có thể phân tích rõ hơn về việc “tăng” phân cấp, phân quyền để Thủ đô chủ động, sáng tạo, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế? Đặc biệt, trong Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có những quy định quan trọng để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và đổi mới sáng tạo, ông nghĩ sao về điều này?

- Đối với Hà Nội, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đi đầu cả nước, Hà Nội còn là thành phố đầu tiên tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, dành riêng một nghị quyết của Thành ủy cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Sức sống của sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có thể thấy hằng ngày qua các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, ở các phố đi bộ, những cây cầu vượt, hay ngay cả những khu tập thể cũ, các nhà máy cũ, thậm chí cả những nơi trước đây đã từng là những bãi rác ô nhiễm, không ai muốn tới, giờ đây đã trở thành những địa điểm thơ mộng, check-in cho giới trẻ, phục vụ cho đời sống người dân…

Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này như một cú huých, tiếp sức cho làn sóng đổi mới, sáng tạo của công nghiệp văn hóa, là sự động viên rất lớn đối với các nghệ sĩ, những người thực hành và kinh doanh văn hóa, nghệ thuật ở Hà Nội.

Tại Điều 21 của Luật, những điểm nghẽn như: Làm sao có thể khai thác được tiềm năng, lợi thế của bãi giữa sông Hồng, để không chỉ làm nên sức sống mới cho dòng sông này, mà còn tạo ra lợi thế mới, không gian mới cho sự phát triển văn hóa, nghệ thuật và cả kinh tế - xã hội của Thủ đô đã được tháo gỡ bằng quy định: “Thành phố Hà Nội được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch”.

Không chỉ dừng lại ở những quy định ở Điều 21 Luật Thủ đô (sửa đổi) về phát triển văn hóa, thể thao, du lịch, tôi thấy rằng, tinh thần phát huy giá trị văn hóa Hà Nội để sự phát triển văn hóa Thủ đô trở thành ngọn hải đăng dẫn dắt, điều tiết sự phát triển văn hóa của đất nước còn được thể hiện ở những quy định rất cởi mở, tháo gỡ được những điểm nghẽn trong hợp tác công - tư trong lĩnh vực văn hóa khi quy định cho phép: “Áp dụng phương thức đối tác công - tư đối với các dự án thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao trên địa bàn Thành phố”.

Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này cũng tháo gỡ điểm nghẽn trong quản lý, sử dụng tài sản công bằng cách quy định: “Cơ quan, tổ chức đang được giao quản lý, sử dụng công trình, hạng mục công trình là tài sản công quy định tại khoản 2 Điều này trên địa bàn Thành phố được ký hợp đồng nhượng quyền khai thác, quản lý với nhà đầu tư, doanh nghiệp để khai thác công trình, hạng mục công trình trong một thời gian nhất định” (Điều 41)…

Tôi cho rằng, những tháo gỡ này sẽ không chỉ giúp cho các thiết chế văn hóa của Thủ đô phát triển mạnh mẽ hơn, xứng tầm với “trái tim văn hóa” của cả nước, mà còn giúp cho các thiết chế văn hóa, thể thao lớn của Trung ương ở Hà Nội phát huy hơn nữa giá trị của mình, đóng góp nhiều hơn vào bức tranh văn hóa, thể thao chung của đất nước từ Thủ đô.

Như vậy, Luật Thủ đô (sửa đổi) cùng với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã tạo ra nền tảng pháp lý và kế hoạch phát triển đồng bộ, giúp thúc đẩy phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội.

Điều này sẽ thúc đẩy cải cách hành chính, tăng cường năng lực quản lý nhà nước, và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; quản lý và sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả; định hướng phát triển xanh, thân thiện với môi trường, sử dụng các công nghệ tiên tiến để bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe cộng đồng; tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi, hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên cơ sở bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của Hà Nội; định hướng phát triển hạ tầng giao thông, đô thị và các dịch vụ công cộng hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển của Thủ đô và cải thiện chất lượng sống của người dân… tạo nên một Hà Nội “Văn hiến, Văn minh, Hiện đại”, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước và thế giới. Đó cũng là điều mong muốn của không chỉ riêng tôi, các Đại biểu Quốc hội Hà Nội, người dân Thủ đô, mà còn cả Nhân dân cả nước!

+ Thưa ông, dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn đang trình Quốc hội cho ý kiến có đề cập tới nội dung “tái thiết đô thị”. Theo PGS, thời gian tới, cần có giải pháp gì để thúc đẩy hoạt động tái thiết đô thị từ sáng tạo, để Hà Nội phát triển bền vững?

+ Thưa ông, dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn đang trình Quốc hội cho ý kiến có đề cập tới nội dung “tái thiết đô thị”. Theo PGS, thời gian tới, cần có giải pháp gì để thúc đẩy hoạt động tái thiết đô thị từ sáng tạo, để Hà Nội phát triển bền vững?

- Để thúc đẩy hoạt động tái thiết đô thị từ sáng tạo, theo tôi, Hà Nội có thể tập trung vào một số giải pháp sau:

Đầu tiên là nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là ở các nhà lãnh đạo, quản lý về ý nghĩa của việc tái thiết đô thị dựa vào sáng tạo. Từ việc thông suốt về nhận thức chúng ta sẽ có các dự án, hành động phù hợp.

Thứ hai là cần tăng cường hợp tác công tư. Thứ ba là đầu tư vào giáo dục và đào tạo chuyên môn trong các lĩnh vực liên quan đến tái thiết đô thị và sáng tạo.

Thứ tư là cần cải cách thủ tục hành chính. Thứ năm là tăng cường sự tham gia của cộng đồng địa phương trong các dự án tái thiết đô thị thông qua việc tổ chức các buổi tham vấn, hội thảo và cuộc họp công khai. Lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của người dân, từ đó điều chỉnh các dự án sao cho phù hợp với nhu cầu và mong muốn của cộng đồng.

Thứ sáu là chú ý đến hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Thứ bảy là sử dụng công nghệ tiên tiến và các giải pháp sáng tạo để tối ưu hóa quá trình tái thiết đô thị.

Cuối cùng là tăng cường hợp tác quốc tế. Hà Nội cần tiếp tục hợp tác với các thành phố khác trong Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO và các tổ chức quốc tế để học hỏi kinh nghiệm và chia sẻ kiến thức. Tận dụng các chương trình hỗ trợ quốc tế để thúc đẩy các dự án tái thiết đô thị sáng tạo.

+ Trân trọng cảm ơn ông!

Thiên An (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tao-co-che-dac-thu-de-ha-noi-cat-canh-thuc-day-su-phat-trien-chung-cua-ca-nuoc-post303874.html
Zalo