Tạo chính sách thuận lợi để thu hút đầu tư cho văn hóa dân tộc
Các nhà đầu tư cho rằng cần có những chính sách và cơ chế rõ ràng hơn để giải quyết các điểm nghẽn trong việc thu hút đầu tư. Điều này sẽ giúp Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam phát triển và trở thành trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch quốc gia.
Vừa qua, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Bộ VHTT&DL) tổ chức “Hội nghị cơ chế chính sách và giải pháp thu hút đầu tư vào Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam” tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội. Đây là hoạt động thường niên nhằm quảng bá, giới thiệu và xúc tiến đầu tư vào Làng Văn hóa. Hội nghị được tổ chức với mục đích cụ thể hóa các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về phát triển văn hóa con người Việt Nam, đồng thời huy động các nguồn lực đầu tư để phát triển văn hóa nói chung và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng cũng như các khu chức năng của Làng Văn hóa theo quy hoạch.
Mục tiêu đầu tư là xây dựng Làng Văn hóa thành một trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch quốc gia. Làng Văn hóa có hai nhiệm vụ chính: tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam; đồng thời đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, thể thao, văn hóa của nhân dân trong nước và du khách quốc tế. Đến nay, các hạng mục đã được Nhà nước đầu tư gồm: hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung, hệ thống cây xanh và cảnh quan, khu các làng dân tộc. Tuy nhiên, để Làng Văn hóa thực sự trở thành trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch quốc gia, cần đầu tư thêm nhiều hạng mục khác.
Phát biểu tại Hội nghị bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL nhấn mạnh rằng, dù Làng Văn hóa đã có nhiều đổi mới và sáng tạo nhằm phát huy lợi thế về vị trí và vai trò, nhưng vẫn còn nhiều thách thức trong việc huy động nguồn lực đầu tư để phát triển. Thứ trưởng mong muốn các đại biểu và doanh nghiệp sẽ đóng góp ý kiến, đề xuất các giải pháp cụ thể để thu hút đầu tư vào Làng Văn hóa, giúp nơi đây vừa bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc, vừa trở thành một thiết chế văn hóa quốc gia hiện đại, quy mô và phát triển bền vững.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư mong muốn đầu tư vào Làng Văn hóa. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có dự án nào được triển khai. Theo ý kiến của các doanh nghiệp và tổ chức, dù Làng Văn hóa được đánh giá là khu vực có quy hoạch ổn định nhất tại Hà Nội, nhưng việc đầu tư vẫn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do chính sách và cơ chế đầu tư chưa rõ ràng, chức năng và nhiệm vụ của Làng còn vướng mắc với các quy định và luật pháp, đặc biệt là Luật Đất đai.
Tại Hội nghị, ông Đặng Ngọc Khánh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Văn hóa Nghỉ dưỡng Đồng Mô, đã đề xuất giải pháp thu hút đầu tư. Ông nhấn mạnh rằng ngoài việc sớm đề nghị cấp có thẩm quyền ban hành các quy định về chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của Làng, Ban Quản lý cũng cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách trong lĩnh vực đầu tư. Đội ngũ này cần nghiên cứu các quy định của Nhà nước, phối hợp với các cơ quan liên quan để xây dựng quy trình và thủ tục đầu tư tại Làng, đồng thời tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư hiệu quả hơn.
Ông Kiều Văn Toản, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Kvinland, cho rằng cần sớm ban hành các quy chế đầu tư vào Làng Văn hóa, đặc biệt là xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của Ban Quản lý. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách và tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại một cách hiệu quả.
Đại diện Công ty Chiến Thắng, ông Kim Sơn, cũng chia sẻ về những vướng mắc trong quá trình kêu gọi đầu tư vào Làng Văn hóa. Ông cho biết công ty đã theo đuổi dự án đầu tư vào Làng trong suốt nhiều năm và rất hiểu rõ về mục đích cũng như chất lượng đầu tư cần thiết. Tuy nhiên, cơ chế đầu tư còn nhiều bất cập, thẩm quyền của Làng chưa được quy định rõ ràng, dẫn đến việc phối hợp giữa các bên gặp khó khăn. Dù có nhiều phương án đầu tư đồng bộ, hiện đại và nổi bật, nhưng các vướng mắc trên vẫn cản trở việc triển khai. Ông Kim Sơn mong muốn sớm có cơ chế và giải pháp rõ ràng để thu hút vốn đầu tư vào Làng Văn hóa.
Tại phiên thảo luận “Giải đáp tháo gỡ khó khăn và thu hút đầu tư vào Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam”, ông Trịnh Ngọc Chung, Quyền Trưởng ban Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, cho biết để Làng Văn hóa được đầu tư và phát triển theo đúng mục tiêu của Đảng và Nhà nước, đồng thời khai thác, vận hành hiệu quả về lâu dài, Ban Quản lý đề xuất áp dụng cơ chế ưu đãi đầu tư như Khu kinh tế đối với các khu chức năng và các dự án kêu gọi đầu tư tại Làng. Việc này nhằm tăng cường lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ lấp đầy các khu chức năng và hoàn thành các dự án. Đây cũng được xem là động lực quan trọng để Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam phát triển thành một Khu Văn hóa - Du lịch quốc gia.
Hội nghị đã tổ chức hai phiên thảo luận: “Cơ chế ưu đãi thuận lợi và tiềm năng phát triển đầu tư tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam” và “Giải pháp tháo gỡ khó khăn và thu hút đầu tư vào Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam”. Qua đó, Ban Quản lý kỳ vọng những điểm nghẽn trong thu hút đầu tư sẽ sớm được tháo gỡ. Điều này sẽ giúp Làng Văn hóa, ngôi nhà chung của dân tộc anh em, trở thành một điểm đến hấp dẫn và phát triển thành trung tâm văn hóa, thể thao và du lịch mang tầm quốc gia.