Tạo bước tiến đột phá xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại

Sáng nay 6/1, Bộ Ngoại giao tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác ngành ngoại giao năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị - Ảnh: H.N

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị - Ảnh: H.N

Năm 2024, dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ, công tác đối ngoại và ngoại giao đã được triển khai chủ động, đồng bộ, sáng tạo và hiệu quả, tiếp tục đóng góp quan trọng vào củng cố vững chắc môi trường hòa bình, ổn định và cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi cho phát triển KT - XH và bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.

Công tác đối ngoại ngày càng được nâng tầm, phát huy mạnh mẽ vai trò tiên phong, tạo đồng thuận ngày càng cao và đạt nhiều bước phát triển mới trong các lĩnh vực đối ngoại song phương và đa phương, ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân.

Đặc biệt, ngoại giao kinh tế và kinh tế đối ngoại dưới sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ đã chuyển biến mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực thương mại, đầu tư, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo...,đóng góp quan trọng vào duy trì Việt Nam trong nhóm nước tăng trưởng cao, là điểm sáng về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động.

Về mục tiêu, nhiệm vụ năm 2025, Bộ Ngoại giao xác định: Nắm chắc, dự báo đúng tình hình, nhạy bén phát hiện các vấn đề mới, xu thế mới, nhận diện chính xác thời cơ để luôn giữ vững thế chủ động chiến lược trước diễn biến nhanh, phức tạp của tình hình; tiếp tục triển khai đồng bộ, nâng tầm công tác đối ngoại, bao gồm cả đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, đối ngoại song phương và đa phương, ngoại giao chính trị, kinh tế, văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân...

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Nhiệm vụ bao trùm đối với công tác đối ngoại và ngoại giao là phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò tiên phong, trọng yếu, thường xuyên trong việc tạo lập, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định đi đôi với bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, huy động các nguồn lực bên ngoài, nhất là các nguồn lực có tính đột phá, tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước, góp phần tạo đà cho đất nước tăng tốc, bứt phá, vững bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, yêu cầu ngành ngoại giao tiếp tục quán triệt sâu sắc và bám sát đường lối đối ngoại, các nghị quyết, kết luận, chỉ thị về đối ngoại của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành tập trung triển khai tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Thúc đẩy nâng cấp, nâng tầm quan hệ với các đối tác quan trọng; tranh thủ hiệu quả các cam kết, thỏa thuận, thu hút các nguồn lực mới để thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước; tiếp tục phát huy vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam tại các diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng.

Xử lý tốt các tình huống đối ngoại phức tạp nảy sinh, đặc biệt chú trọng nghiên cứu mang tính tổng thể, dài hơi và có chiều sâu về đối ngoại để chủ động tham mưu, cập nhật, bổ sung và hoàn thiện đường lối, chủ trương đối ngoại.

Thực hiện tốt chủ trương tổng kết Nghị quyết 18 của BCH Trung ương và tinh gọn tổ chức bộ máy của Bộ Ngoại giao sau khi tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ chính của Ban Đối ngoại Trung ương và Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, bảo đảm triển khai thông suốt, thống nhất công tác đối ngoại, phát huy sức mạnh tổng hợp của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, tạo bước tiến đột phá về xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại.

Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, đảng viên trong ngành ngoại giao; xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao “vừa hồng, vừa chuyên”, tuyệt đối trung thành với lợi ích quốc gia, dân tộc, tin cậy về phẩm chất, vững vàng về bản lĩnh, sâu sắc về chiến lược, nhạy bén về thời thế, khôn khéo về ứng xử và tinh thông về nghiệp vụ.

Hoài Nhung

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/tao-buoc-tien-dot-pha-xay-dung-nen-ngoai-giao-viet-nam-toan-dien-hien-dai-190924.htm
Zalo