Tánh Linh khai thác tiềm năng, lợi thế từ rừng
Trong thời gian tới, Tánh Linh sẽ huy động nguồn lực để phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng trên địa bàn huyện gắn với bảo tồn các loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm…
Tánh Linh là huyện miền núi của tỉnh Bình Thuận có diện tích tự nhiên gần 117,5 km2, trong đó chủ yếu là rừng và đất lâm nghiệp chiếm khoảng 65%. Với đặc điểm của địa phương, mới đây UBND huyện đã xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn Tánh Linh. Theo đó hướng đến phát huy tiềm năng, thế mạnh và giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng thông qua việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên rừng. Kế hoạch này được triển khai cũng góp phần bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học thuộc hệ sinh thái rừng đặc dụng gắn với bảo tồn các loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm… Cùng với đó quan tâm phát triển các hình thức tổ chức sản xuất nông - lâm - ngư kết hợp hiệu quả, bền vững trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa bàn cơ sở nhằm nâng cao giá trị gia tăng từ rừng.

Kế hoạch của huyện Tánh Linh tính đến phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí. (Ảnh minh họa)
Để thực hiện đem lại hiệu quả, Tánh Linh sẽ tập trung phát triển nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp và nâng cao giá trị cho cơ sở, doanh nghiệp chế biến gỗ tại địa phương. Cụ thể là tiếp tục triển khai Đề án phát triển vùng nguyên liệu gỗ và chế biến bền vững trên địa bàn huyện Tánh Linh giai đoạn 2021 - 2030, thông qua đó đánh giá, rút kinh nghiệm cho giai đoạn đến năm 2050… Đối với định hướng phát triển lâm sản ngoài gỗ, dược liệu thì địa phương giao các đơn vị chức năng phối hợp khảo sát để xác định những khu vực thuận lợi phát triển các loài lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu dưới tán rừng có giá trị kinh tế cao. Từ đó đề xuất phương án bảo tồn, khai thác và sử dụng bền vững theo tiềm năng, thế mạnh của từng sản phẩm, từng vùng sinh thái. Mặt khác khuyến khích phát triển cơ sở, nhà máy chế biến sản phẩm từ lâm sản ngoài gỗ (như tre, le, song mây…) nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đồng thời xây dựng sản phẩm OCOP về dược liệu, sản phẩm phù hợp với nét đặc trưng của địa phương.
Giai đoạn tới, Tánh Linh cũng tính đến phát triển các hình thức nông - lâm - ngư kết hợp, trong đó có triển khai hướng dẫn xây dựng một số mô hình: Nuôi trồng, chăn nuôi dưới tán rừng, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, phát triển cây đa mục đích… theo quy định của pháp luật cũng như đảm bảo phù hợp điều kiện của huyện miền núi. Bên cạnh đó còn tập trung phát triển dịch vụ môi trường rừng như thực hiện đa dạng hóa và mở rộng nguồn thu từ các loại dịch vụ môi trường rừng phù hợp với quy định của pháp luật, đặc biệt là dịch vụ hấp thụ, lưu giữ các - bon của rừng. Ngoài ra sẽ tăng cường quản lý, hướng dẫn nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng để đầu tư cho bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên rừng. Nhất là về đảm bảo chia sẻ công bằng lợi ích với cộng đồng người dân địa phương, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống của người trực tiếp tham gia quản lý bảo vệ và phát triển rừng.
Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn Tánh Linh cũng định hướng phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí. Như tăng cường hợp tác giữa chủ rừng với cộng đồng và khuyến khích cộng đồng, hộ gia đình tham gia vào quá trình lập kế hoạch, quản lý du lịch, cung cấp sản phẩm, dịch vụ du lịch. Hoặc thí điểm triển khai các mô hình du lịch sinh thái gắn du lịch cộng đồng, thu hút nguồn lực tham gia phát triển bền vững du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong các hệ sinh thái rừng…
Việc triển khai thực hiện kế hoạch này cũng đặt ra yêu cầu các ban ngành, địa phương liên quan bám sát nội dung đã đề ra, đồng thời lồng ghép chương trình, dự án, chính sách đang triển khai trên địa bàn Tánh Linh đảm bảo hiệu quả và phù hợp điều kiện thực tế của huyện.
Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn Tánh Linh vừa được ban hành cũng đã xác định nguồn vốn thực hiện. Theo đó địa phương sẽ phát huy tối đa nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thông qua lồng ghép trong các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững hoặc chương trình, đề án, dự án, kế hoạch khác cũng như các nguồn vốn hợp pháp theo quy định pháp luật…