Tăng tỷ lệ sinh viên có việc làm

Việc làm sau khi tốt nghiệp luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu không chỉ đối với bản thân sinh viên, mà còn cả đối với gia đình, nhà trường và xã hội. Các trường đại học, cao đẳng đã và đang triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp.

Sinh viên tham gia hoạt động “Phỏng vấn thử” tại Trường Đại học Kinh tế TP HCM để nâng cao kỹ năng.

Sinh viên tham gia hoạt động “Phỏng vấn thử” tại Trường Đại học Kinh tế TP HCM để nâng cao kỹ năng.

Liên kết đào tạo, hợp tác với doanh nghiệp

Trong đề án tuyển sinh năm 2024 của Đại học Huế, kết quả khảo sát sinh viên có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp cho thấy nhiều ngành tỷ lệ có việc làm đạt rất cao, như: Ngôn ngữ Nga, ngôn ngữ Nhật tại Trường đại học Ngoại ngữ; ngành Quản trị nhân lực, Hệ thống thông tin quản lý của Trường đại học Kinh tế; ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống tại Trường Du lịch... Nhiều trường đạt tỷ lệ trung bình sinh viên có việc làm lên đến 95 - 98,5%, có thể kể đến Trường đại học Kinh tế, Trường đại học Y - Dược, Trường đại học Ngoại ngữ...

Chia sẻ từ đại diện nhà trường, để có “đầu ra” tốt, liên kết đào tạo với doanh nghiệp là yêu cầu gần như bắt buộc. Thời gian qua, nhà trường tập trung cho giải pháp này. Doanh nghiệp đã trực tiếp tham gia đào tạo, tiếp nhận sinh viên thực tập và tiếp nhận sau khi các em ra trường. Kết nối tốt hơn, giúp nhà trường phát triển các chương trình đào tạo phù hợp với thực tiễn. Xây dựng mối liên kết vững chắc với doanh nghiệp để đảm bảo rằng, sinh viên được huấn luyện với những kỹ năng cần thiết cho thị trường lao động.

Tương tự, tại trường Đại học Thủ đô Hà Nội, trong bối cảnh nhiều sinh viên ra trường khó xin việc, nhà trường đã xây dựng chương trình đào tạo hợp tác chặt chẽ với các tổ chức, doanh nghiệp. Đặc biệt bám sát nhu cầu doanh nghiệp giúp sinh viên có thể tự tin và thành thạo trong việc ứng xử tại môi trường chuyên nghiệp, trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao có trình độ chuyên môn tốt, phục vụ sự phát triển kinh tế đất nước.

Nhà trường đã triển khai mô hình đào tạo nghề nghiệp ứng dụng: Đối với các ngành đào tạo sư phạm, trong cả khóa học, thay vì sinh viên chỉ thực tập trong những khoảng thời gian nhất định (thường là chỉ 4 tuần hoặc 6 tuần/đợt), thì hiện nay, các em sẽ vừa học tập tại trường đại học vừa thực tập tại các trường phổ thông/tiểu học/mầm non. Thời gian thực tập của sinh viên diễn ra trong cả học kỳ hoặc thậm chí cả năm học. Nhà trường gọi đó là “thực tập sư phạm thường xuyên”. Đối với các ngành ngoài sư phạm. Đặc biệt là những ngành đào tạo có tính nghiệp vụ nghề nghiệp cao như: Quản trị khách sạn, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Công nghệ thông tin…, nhà trường tổ chức đào tạo một số học phần tại các doanh nghiệp như: Nghiệp vụ bếp; Nghiệp vụ buồng/bàn/bar… và các học phần thuộc chương trình đào tạo ngành Công nghệ thông tin như: Quản trị hệ thống, phân tích dữ liệu…

ThS Trương Thị Ngọc Bích - Giám đốc Trung tâm Thông tin - Truyền thông, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF) cho biết, theo thống kê của Trung tâm Hợp tác doanh nghiệp UEF, 95% sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp. Để triển khai có hiệu quả các giải pháp đảm bảo việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, nhà trường đã tăng cường thời lượng thực hành và đa dạng hình thức học tập.

Bên cạnh trang bị nền tảng lý thuyết, sinh viên còn được thực hành liên tục. Chẳng hạn, sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô, Công nghệ thực hành ô tô được thực hành tại hệ thống garage; sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện học làm phim, sản xuất show, vận hành thiết bị tại studio; sinh viên ngành Tài chính - ngân hàng thực hành tại ngân hàng mô phỏng… Ngoài ra, sinh viên còn được học theo cách “nhập vai” những chuyên viên, nhân viên thực thụ và thực hiện các công việc của người trong nghề để phát triển kỹ năng chuyên môn, hiểu thực tế công việc.

Đào tạo kiến thức, kỹ năng và thái độ

Vẫn theo đại diện Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM: Trong quá trình từ năm nhất đến năm cuối tại trường, ngoài giảng đường học thuật, sinh viên liên tục được tham dự hội thảo chuyên đề, workshop, tham gia các cuộc thi chuyên môn, ngày hội việc làm, trực tiếp đến học việc, kiến tập tại các doanh nghiệp gắn với ngành học. Kết quả đạt được là sinh viên tự tin, trưởng thành trong học tập, kiến thức vững chắc, nắm bắt được hướng đi sau tốt nghiệp. Ngoài ra, một điểm nổi bật của nhà trường trong quá trình tạo cơ hội thực tập và làm việc cho sinh viên là tiếp cận thị trường quốc tế. Năm học vừa qua, trường đã liên tục đưa sinh viên đến Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Mỹ, Trung Quốc với con số trên 200 thực tập sinh. Nhiều sinh viên đã được giữ lại làm việc chính thức sau khi hoàn tất quá trình thực tập.

Chia sẻ với truyền thông, TS Lê Văn Tường Lân, Quyền Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên, Đại học Huế cho biết, có nhiều yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến tỷ lệ có việc làm của sinh viên sau khi ra trường. Trong đó, chất lượng của sinh viên là yếu tố quyết định, được phản ánh thông qua kiến thức, kỹ năng và thái độ. Để có được tốt nhất những yêu cầu trên, đầu tiên phải nói đến chuẩn đầu ra. Khi đầu ra tốt, càng tiệm cận đến nhu cầu của doanh nghiệp thì tỷ lệ có việc làm của sinh viên sẽ cao.

Đại học Huế luôn yêu cầu các trường, khoa phải xác định chuẩn đầu ra cụ thể đối với các ngành của mỗi lĩnh vực đào tạo. Làm sao đó đáp ứng nhu cầu và yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và thị trường lao động, đặc biệt các ngành nghề đòi hỏi người lao động trình độ cao. Các đơn vị phải liên tục rà soát, điều chỉnh, cập nhật các chương trình đào tạo hiện có, ưu tiên các ngành nghề đào tạo xã hội có nhu cầu, theo hướng lý thuyết gắn với thực hành và ứng dụng vào thực tiễn. Tổ chức đánh giá đầu ra của sinh viên để theo dõi và đánh giá hiệu suất của chương trình học. Tổ chức các cuộc đánh giá từ phía doanh nghiệp và cộng đồng để đảm bảo rằng đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Theo đại diện Trường ĐH Thủ Đô: Ngoài kiến thức chuyên môn, sinh viên cần có kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, quản lý thời gian, và giải quyết vấn đề. Các khóa học ngắn hạn hoặc hội thảo về kỹ năng này sẽ giúp sinh viên nâng cao khả năng cạnh tranh. Ngoài ra để đáp ứng tốt nhất yêu cầu của các nhà tuyển dụng, nhà trường đặt ra tiêu chí để đánh giá chất lượng các chương trình đào tạo là phải có sự tham gia của các nhà tuyển dụng ngay từ khâu xây dựng chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo. Tính đến nay, trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã có nhiều khóa đào tạo theo mô hình này tốt nghiệp ra trường và có hơn 90% sinh viên có việc làm đúng chuyên ngành đào tạo.

VÂN ANH

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tang-ty-le-sinh-vien-co-viec-lam-10290327.html
Zalo