Tăng tỷ lệ nội địa hóa hàng xuất vào Mỹ
Qua nhiều bài phát biểu của ông Donald Trump, cho thấy mục tiêu của Mỹ muốn Việt Nam không đóng vai trò trung gian hàng hóa từ Trung Quốc chuyển sang Mỹ.

Nếu Việt Nam giải quyết được vấn đề đó sẽ giảm được áp lực thuế quan. Nhưng nền kinh tế Việt Nam không thể giải quyết vấn đề này một sớm một chiều được. Trong 120 tỷ USD thặng dư thương mại với Mỹ, Việt Nam chỉ chiếm khoảng 10-20 tỷ USD, còn lại khoảng 100 tỷ USD thuộc về việc nhập khẩu từ các quốc gia khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Hiện chúng ta đang đàm phán thuế quan với Mỹ, chắc chắn sẽ có giảm nhưng vấn đề là giảm ít hay nhiều.
Nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ là một cách để giảm bớt thặng dư thương mại, nhưng khả năng này thấp, vì Mỹ không có nhiều hàng hóa để nhập, còn với hàng hóa có giá trị lớn như máy bay lại có chi phí quá cao. Giải pháp để hóa giải khó khăn hiện nay là phải tăng tỷ lệ nội địa hóa của hàng xuất khẩu sang Mỹ.
Chẳng hạn tỷ lệ này hiện nay chỉ 10%, cần phải tăng lên 40-50% trong thời gian tới. Nhưng điều này cũng không thể thực hiện trong một sớm một chiều, sẽ phải cam kết với Mỹ trên bàn đàm phán, sẽ tăng được tỷ lệ nội địa hóa trong thời gian tới, nhưng cần có lộ trình thực hiện chứ không thể ngay lập tức.
Ở thời điểm hiện tại, trong chiến lược đàm phán có thể sử dụng một số lợi thế, chẳng hạn như vai trò của Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á, vai trò trong chuỗi cung ứng các mặt hàng như điện tử, dệt may, da giày. Nếu Mỹ áp thuế cao với hàng Việt Nam, những mặt hàng, sản phẩm này được sản xuất tại Việt Nam phục vụ thị trường Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng. Những lợi thế này dù nhỏ nhưng cũng là những yếu tố qua lại, có thể sử dụng để đàm phán.
Tuy nhiên, qua câu chuyện này cũng thấy hai vấn đề. Một là mô hình gia công của Việt Nam đang có rủi ro khi không tự chủ về công nghệ, không tự chủ về nguyên vật liệu sản xuất. Hai là Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Mỹ. Vì vậy cần có những chiến lược dài hạn để khắc phục các vấn đề này.
Việt Nam hiện vẫn chủ yếu tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ở khâu gia công, một công đoạn có giá trị gia tăng thấp. Nền công nghiệp phụ trợ trong nước còn yếu và chưa phát triển đồng đều, khiến DN nội địa phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu. Điều này không chỉ khiến chi phí sản xuất cao, mà còn làm nền kinh tế dễ bị tổn thương khi chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn.
Vì vậy, Chính phủ cần ưu tiên để phát triển theo chiều dọc chứ không phát triển theo chiều ngang như hiện tại, hỗ trợ mạnh mẽ cho ngành công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là các ngành có khả năng cung ứng nguyên liệu, linh kiện cho các ngành xuất khẩu chủ lực.
Thông qua đó, chúng ta có thể nâng tỷ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ trong trung hạn, giảm dần sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu và tăng giá trị thực tế trong kim ngạch xuất khẩu, từng bước nâng cấp vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Hiện nay chúng ta cũng đang có những chính sách để hỗ trợ DN nhỏ trong nước, nhưng cần phải có sự liên kết chặt chẽ với các DN FDI, để DN nội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của họ.
Các DN FDI hiện nay chủ yếu là nhập khẩu, sau đó gia công và xuất khẩu, nên Việt Nam giống như một trạm trung chuyển. Vậy nên cần rà soát lại, tạo mối liên kết giữa DN FDI và DN nội địa, từ đó có cơ chế khuyến khích FDI ưu tiên sử dụng nguồn cung từ DN trong nước nhiều hơn.
Một việc cần làm nữa là đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Vẫn biết thị trường Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, dù đa dạng hóa cỡ nào cũng sẽ bị ảnh hưởng. Còn các thị trường thay thế như Trung Đông, Ấn Độ, châu Phi khó thâm nhập trong ngắn hạn, đòi hỏi phải có nhiều thời gian để phát triển thị trường mới. Tuy nhiên chúng ta vẫn phải làm điều đó ngay từ bây giờ.