Tăng trưởng vượt bậc, Chứng khoán Kafi đẩy mạnh tăng vốn

Từ năm 2022, sự góp mặt của cổ đông Uniben và đợt tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng đã đem tới 'bước ngoặt' cho sự phát triển của Chứng khoán Kafi.

Công ty CP Chứng khoán Kafi vừa ra quyết định triển khai phương án tăng vốn điều lệ và thông qua hồ sơ đăng ký chào bán 250 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1, qua đó tăng gấp đôi vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trước ngày 30/06/2025.

Với mức giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến công ty sẽ thu về 2.500 tỷ đồng. Số tiền này chủ yếu sẽ được Kafi dành cho hoạt động tự doanh và hoạt động cho vay ký quỹ khi mỗi mảng đều được phân bổ 1.125 tỷ đồng.

Phần còn lại, Kafi sẽ dùng 150 tỷ đồng để bổ sung ngân sách hoạt động, 75 tỷ đồng cho đầu tư phát triển hạ tầng và dịch vụ công nghệ, 25 tỷ đồng dành cho đầu tư phát triển, duy trì mạng lưới chi nhánh hoặc phòng giao dịch.

Toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào bán sẽ được công ty giải ngân cho đến ngày 31/3/2026.

Tiếp đà tăng trưởng vượt bậc

Việc tập trung huy động vốn cho mảng tự doanh và cho vay ký quỹ của Kafi được phê duyệt trong bối cảnh hai mảng kinh doanh chính này của công ty ghi nhận đà tăng trưởng tích cực.

Lũy kế chín tháng đầu năm, Kafi ghi nhận tổng doanh thu đạt 616 tỷ đồng, tăng 95% so với cùng kỳ nhờ sự tăng trưởng mạnh đến từ các mảng kinh doanh cốt lõi.

Theo đó, doanh thu từ môi giới chứng khoán tăng 222%, hoạt động cho vay ký quỹ tăng 254%, và doanh thu tự doanh tăng hơn 56%.

Theo báo cáo tài chính cuối quý III/2024, Kafi dành tới gần 96% tổng tài sản cho hoạt động tự doanh (7.547 tỷ đồng) và cho vay ký quỹ (4.680 tỷ đồng). Đáng chú ý, hơn 90% số tài sản tự doanh nằm dưới dạng các tài sản an toàn là giấy tờ có giá và tiền gửi có kỳ hạn, trái phiếu chính phủ và trái phiếu các tổ chức tín dụng.

Trong khi đó, dư nợ cho vay ký quỹ của Kafi đạt 4.680 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2024, tăng gấp 3,2 lần so với đầu năm. Tổng giá trị giao dịch cổ phiếu của nhà đầu tư thông qua Kafi đạt 59.200 tỷ đồng, cao gấp 4,6 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Công ty CP Chứng khoán Kafi tiền thân là Chứng khoán Hoàng Gia với vốn điều lệ chỉ 20 tỷ đồng. Năm 2019, Công ty đổi tên thành Chứng khoán Globalmind Capital.

Tới năm 2022, với sự góp mặt của cổ đông Uniben và đợt tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng, Chứng khoán Kafi chính thức “bước” sang một chương mới, với mô hình kinh doanh mới và hàng loạt thay đổi từ tên, nhận diện thương hiệu cho tới đội ngũ lãnh đạo.

Trong đó, ông Trịnh Thanh Cần - người được bổ nhiệm làm tổng giám đốc của công ty từ tháng 4/2022 là một cái tên giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính. Ông Cần từng làm việc tại VinaCapital, HSBC. Từ năm 2007 đến nay, ông bắt đầu nắm các vị trí quản lý tại các công ty chứng khoán hàng đầu như Bản Việt, HSC và từng đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc ACBS.

Tới thời điểm quý III/2024, vốn điều lệ của công ty đạt 2.500 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông ở thời điểm này có hai cổ đông lớn là Công ty CP Ubiben và Gentle Sun Investments, lần lượt nắm giữ hơn 10% và 20% vốn.

Trong đó, Uniben có tiền thân là Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Việt Hưng, được thành lập năm 1992 với sản phẩm chính là mì 3 Miền, trà mật ong Boncha.

Ngoài Kafi, Uniben còn nắm giữ nhiều cổ phần của Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB). Theo danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của VIB công bố ngày 27/9, Uniben nắm giữ 116,2 triệu cổ phiếu VIB tương ứng hơn 3,9% vốn tại ngân hàng này.

Dũng Phạm

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/tang-truong-vuot-bac-chung-khoan-kafi-day-manh-tang-von-d38066.html
Zalo