Tăng trưởng từ 8% trở lên: 'Cần quyết tâm cao độ và hành động quyết liệt'

Theo đại diện Bộ KHĐT, việc đạt được mức tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm 2025 sẽ là tiền đề để hướng đến tốc độ tăng trưởng cao hơn trong những năm tiếp theo, với kỳ vọng đạt mức hai con số.

Xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để đạt được mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên, chúng ta cần có quyết tâm cao độ, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt. Các giải pháp tổng thể, toàn diện trên tất cả các ngành, lĩnh vực đã được thể hiện trong Nghị quyết 01 của Chính phủ.

Tuy nhiên, với yêu cầu tăng trưởng cao hơn, cường độ thực hiện các giải pháp này cũng phải được nâng lên tương ứng. Điều này đòi hỏi tất cả các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm triển khai ở mức độ cao hơn, thậm chí gấp đôi so với trước đây. “Nói một cách đơn giản, mỗi cá nhân, mỗi đơn vị phải làm việc với năng suất gấp đôi so với hiện tại thì mới có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng mới,”

Thông tin trên được Thứ trưởng Trần Quốc Phương đưa ra tại buổi họp báo thường kỳ do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 5/2, tại Hà Nội.

Đảm bảo tính khả thi thay vì áp đặt cứng nhắc cho từng địa phương

Thông tin thêm, theo ông Phương, tại Hội nghị Trung ương tháng 1 vừa qua, nhiều nghị quyết quan trọng đã được thông qua, trong đó, có nội dung liên quan đến việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025.

“Trước đây, khi triển khai nghị quyết của Quốc hội, mục tiêu tăng trưởng được đặt ra là từ 6,5-7%, với định hướng phấn đấu đạt 7-7,5%. Tuy nhiên, Trung ương đã quyết nghị và chỉ đạo điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2025, đặt ra yêu cầu phải đạt từ 8% trở lên,” ông Phương cho hay.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng mục tiêu này không chỉ giúp hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế của cả giai đoạn 5 năm mà còn tạo nền tảng vững chắc để bước vào một giai đoạn phát triển mới. Việc đạt được mức tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm 2025 sẽ là tiền đề để hướng đến tốc độ tăng trưởng cao hơn trong những năm tiếp theo, với kỳ vọng đạt mức hai con số, tức trên 10%.

Để triển khai các nghị quyết của Trung ương với mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt từ 8% trở lên, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chuẩn bị đầy đủ các nội dung và hồ sơ cần thiết.

 Thứ trưởng Trần Quốc Phương thông tin về các giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Thứ trưởng Trần Quốc Phương thông tin về các giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Thứ trưởng cho biết, trước tiên, Chính phủ sẽ trình Tờ trình lên Quốc hội tại kỳ họp bất thường sắp tới, trong đó đề xuất điều chỉnh một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng. Về hồ sơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình Chính phủ trước khi đưa ra kỳ họp bất thường của Quốc hội để xem xét thông qua. Bên cạnh đó, Bộ đã chuẩn bị một dự thảo nghị quyết riêng của Chính phủ nhằm triển khai nhiệm vụ quan trọng này.

"Chính phủ sẽ ban hành một nghị quyết, trong đó giao chỉ tiêu tăng trưởng cụ thể cho từng địa phương trên cả nước, đồng thời xác định một số chỉ tiêu chính dành cho các bộ, ngành ở Trung ương," ông cho hay, đồng thời khẳng định, trong quá trình xây dựng nội dung nghị quyết này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiến hành rà soát kỹ lưỡng, bám sát các văn kiện, nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị và Chính phủ. Trên cơ sở đó, Bộ đề xuất đặt mục tiêu phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính khả thi thay vì áp đặt cứng nhắc cho từng địa phương.

Ưu tiên các nguồn lực cho tăng trưởng

Về các giải pháp cụ thể, ông Phương thông tin, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm, trước hết, hoàn thiện thể chế pháp luật.

Theo đó, giải pháp từ phía cầu, ông cho rằng việc đẩy mạnh đầu tư là ưu tiên hàng đầu. Ngoài ra, về đầu tư công cần tiếp tục sử dụng hiệu quả nguồn vốn, đảm bảo các dự án được triển khai nhanh chóng, đúng tiến độ và mang lại giá trị thực tiễn.

“Sáng nay, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm các khoản chi không cần thiết, phấn đấu đưa tỷ trọng chi thường xuyên xuống dưới 60% ngân sách nhà nước, nhằm dành nhiều nguồn lực hơn cho đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, đầu tư công cũng cần được đẩy mạnh hơn nữa, đặc biệt thông qua việc triển khai sớm một số dự án quan trọng,” ông Phương nói.

Cũng theo ông, trong thời gian tới, doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu đàn, doanh nghiệp dẫn dắt, cần chủ động thực hiện những dự án quy mô lớn, có sức lan tỏa mạnh mẽ, nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng đầu tư và đóng góp tích cực vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2025.

 Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất lao động. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất lao động. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Liên quan tới đầu tư tư nhân, bao gồm cả đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), ông Phương cho rằng cần tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc về thể chế và pháp luật, đồng thời cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh theo hướng minh bạch, thuận lợi hơn để tạo sức hút đối với các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, triển khai ngay một số chính sách quan trọng mà Quốc hội đã thông qua, đặc biệt là chính sách "luồng xanh" nhằm thu hút các dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực công nghệ cao.

Đối với doanh nghiệp tư nhân trong nước, bên cạnh việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh để gia tăng số lượng doanh nghiệp mới, cần đồng thời triển khai các giải pháp mang tính vĩ mô, giúp tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển.

Dẫn lại nhận định của Thủ tướng, ông Phương thông tin, xuất khẩu trong năm 2025 có thể đối mặt với nhiều thách thức lớn, đặc biệt là từ các chính sách bảo hộ thương mại và chính sách thuế của Hoa Kỳ, một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Ngoài ra, nguy cơ gia tăng căng thẳng thương mại toàn cầu do các biện pháp trả đũa lẫn nhau về thuế quan giữa các nền kinh tế lớn cũng có thể tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

“Trước tình hình đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cần theo dõi sát diễn biến thị trường, tiến hành phân tích kỹ lưỡng để có biện pháp ứng phó kịp thời, hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực từ những biến động của thương mại thế giới,” ông nói.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo việc thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, đơn cử là Việt Nam đang có vị thế rất tốt trên bản đồ công nghệ toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực AI và các công nghệ cao khác, đây là lợi thế và cơ hội quan trọng để Việt Nam bứt phá trong lĩnh vực khoa học-công nghệ, tạo nên những động lực tăng trưởng mới.

Tại họp báo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16% cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%. Nếu tăng trưởng kinh tế đến 10% thì tăng trưởng tín dụng phải ở mức 18-20%.

“Việc điều hành chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện trước hết quan điểm vẫn phải là làm sao đạt mục tiêu, kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền; hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng nền kinh tế và đảm bảo cân đối lớn của nền kinh tế. Với quan điểm cũng như mục tiêu đó cùng với những kinh nghiệm, bài học trước đây, điều hành chính sách tiền tệ năm nay tiếp tục linh hoạt, chặt chẽ và phù hợp với chính sách tài khóa cũng như các chính sách kinh tế vĩ mô khác như chính sách xuất nhập khẩu, chính sách thương mại…,” ông Đào Minh Tú khẳng định./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/tang-truong-tu-8-tro-len-can-quyet-tam-cao-do-va-hanh-dong-quyet-liet-post1010749.vnp
Zalo