Tăng trưởng tín dụng là một trong những yếu tố hỗ trợ thị trường chu kỳ phục hồi
Theo các chuyên gia, trong giai đoạn từ nay đến hết tháng 2 thường là chu kỳ tăng trưởng tích cực của thị trường chứng khoán. Trong đó, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công và tăng trưởng tín dụng là hai yếu tố quan trọng giúp hỗ trợ thị trường trong chu kỳ phục hồi.
Những chuyển động tích cực trong tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Kinh tế vĩ mô đang mở ra nhiều động lực cho sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán Gỡ rào cản về cơ chế thanh toán để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán
Thị trường kỳ vọng phục hồi cuối năm
Những tháng cuối năm 2024 đang là thời điểm đầy thử thách cho thị trường chứng khoán Việt Nam. VN-Index liên tục dao động và chịu nhiều áp lực trước những chính sách lãi suất mới, cùng với dòng tiền thiếu ổn định. Bên cạnh đó, thị trường cũng chứng kiến các động thái điều chỉnh từ Ngân hàng Nhà nước và sự biến động từ các nguồn vốn, tạo ra không ít thách thức cho thị trường.
Thực tế cho thấy, dòng tiền vẫn thiếu hụt rõ rệt, dù một số ngành như bất động sản, ngân hàng, và công nghệ vẫn có sức hút riêng. Tuy nhiên, trong bối cảnh thanh khoản suy yếu và các quy định mới về giao dịch cổ phiếu dành cho nhà đầu tư được ban hành, tương lai của thị trường vẫn còn là một dấu hỏi lớn.
Để có cái nhìn tổng quan về thị trường trong phiên giao dịch đầu tuần, ông Dương Hoàng Anh - Chuyên gia từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá, tại phiên giao dịch ngày 11/11, thị trường đã có những chuyển biến tích cực hơn trong phiên chiều. Theo quan sát, thị trường buổi sáng chịu áp lực bán khá mạnh, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, lan tỏa trên diện rộng.
Tuy nhiên, đến phiên chiều, thị trường bắt đầu phục hồi, với sự tham gia tích cực của từ nhóm cổ phiếu ngành thép và bất động sản. Thanh khoản tăng lên đáng kể, lực mua chủ động quay lại.
Nhiều cổ phiếu giảm điểm buổi sáng đã trở về mức tham chiếu, thậm chí một số còn đạt sắc xanh. Đây là dấu hiệu tích cực cho thị trường.
Dù vậy, đây chỉ là diễn biến trong ngày. Nếu nhìn sâu hơn, từ tuần trước đến nay, thị trường dường như đang tạo đáy ngắn hạn quanh ngưỡng hỗ trợ mạnh từ 1.235 đến 1.240 điểm - vùng hỗ trợ đã xuất hiện vào giữa tháng 9. Ngay hôm nay, thị trường cũng tạo thêm một đáy ở vùng này.
Về dòng tiền, hiện tại, dòng tiền chủ yếu đến từ vay margin, còn dòng tiền thật của nhà đầu tư vẫn hạn chế do đang bị mắc kẹt nhiều trong thị trường bất động sản. Do đó, thanh khoản không thể mạnh như vài tháng trước.
Tuy nhiên, nếu thanh khoản tiếp tục duy trì trên mức trung bình và tăng lên trong thời gian tới, đây có thể là tín hiệu khả quan về sự trở lại của dòng tiền. Điều này cũng là yếu tố quan trọng để xác định liệu thị trường có thể tạo đáy ở ngưỡng hiện tại, hay cần lùi về mức hỗ trợ sâu hơn quanh 1.210 - 1.220 điểm. Ngoài ra, cũng cần thời gian để xem dòng tiền có thực sự quay lại ở vùng này không, hay phải chờ sức hút mạnh hơn trong thời gian tới.
Dư địa cho vay tín dụng còn lớn
Dưới góc nhìn của các chuyên gia từ Công ty Chứng khoán MB (MBS), thị trường chứng khoán toàn cầu vừa khép lại một tuần sôi động với nhiều sự kiện đáng chú ý. Tăng trưởng mạnh tập trung chủ yếu vào thị trường Mỹ và Trung Quốc. Trong tuần này, chứng khoán Trung Quốc có thể sẽ là tâm điểm nhờ gói kích thích kinh tế trị giá 1.400 tỷ USD từ chính phủ nước này.
Ở các thị trường khác, giới đầu tư tỏ ra thận trọng trước các hàng rào thuế quan - yếu tố có thể chi phối thị trường toàn cầu trong thời gian tới, dù nhiều ngân hàng trung ương lớn, bao gồm Fed, đang thực hiện cắt giảm lãi suất.
Tại thị trường trong nước, chỉ số chứng khoán “giậm chân tại chỗ” trong tuần qua và từ tháng 10 đến nay, khi vấn đề tỷ giá trở lại với việc USD/VND tăng lên mức cao tương tự giai đoạn tháng 5-7. Dù Ngân hàng Nhà nước đã can thiệp bơm ròng để giúp VND tăng giá so với USD, dòng tiền vẫn thận trọng đứng ngoài, thanh khoản ở mức thấp nhất từ cuối năm ngoái. Cùng lúc đó, khối ngoại tiếp tục xu hướng bán ròng mạnh từ tháng 10, sau khi tạm lắng trong tháng 9.
Các cổ phiếu tiềm năng gồm các nhóm đang được kỳ vọng hưởng lợi từ các chính sách mới như bất động sản khu công nghiệp, logistics, xuất khẩu (dệt may, thủy sản, gỗ), Viettel, thép, hóa chất….
Các chuyên gia cũng cho rằng, thị trường chứng khoán trong nước thường có chu kỳ tăng trưởng tích cực từ tháng 11 đến hết tháng 2. Trong 2 năm gần đây, chỉ số VN-Index đã tạo đáy trong tháng 11 và bắt đầu đợt phục hồi mạnh. Ngoài yếu tố mùa vụ, thị trường kỳ vọng vào khả năng đẩy nhanh nới lỏng chính sách vào cuối năm, bao gồm tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công và tăng trưởng tín dụng.
Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 15%, nhưng mới đạt hơn 9% tính đến hết tháng 9, hệ thống các tổ chức tín dụng vẫn còn dư địa khá lớn cho vay trong quý IV này.
Hiện tại, chỉ số VN-Index vẫn trong xu hướng giảm ngắn hạn kể từ tháng 8, sau khi đánh mất xu hướng tăng. Kết quả kiểm định lại ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật MA200 chưa mang lại tín hiệu khả quan, nhưng khu vực 1.252 điểm vẫn đang nhận được sự hỗ trợ từ mức thoái lui Fibonacci 38,2%.
Biên độ dao động hẹp cùng thanh khoản thấp trong hai tuần qua có thể là dấu hiệu tích cực, cho thấy khả năng tạo đáy chưa được xác nhận nhưng thị trường có thể đang trong giai đoạn tạm nghỉ sau chuỗi ¾ tuần giảm vừa qua. Hỗ trợ chính vẫn là vùng đáy tháng 9 tại 1.238 - 1.240 điểm.
So với đáy tháng 9 (1.240 điểm), chỉ số VN-Index vẫn cao hơn khoảng 1%, và nhiều nhóm cổ phiếu đã tạo vùng nền và bật tăng tốt hơn chỉ số chung. Thị trường hiện tại còn thiếu thông tin hỗ trợ, khó có thể tăng mạnh nhưng cũng khó giảm sâu. Thanh khoản đã cạn, tạo điều kiện phù hợp cho các hoạt động mua thăm dò và tích lũy cổ phiếu trung, dài hạn.