Tăng trưởng tín dụng cao nhưng không đi hết vào nền kinh tế thực?

Theo các chuyên gia, chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng GDP danh nghĩa tại Việt Nam đang cho thấy một thực tế là không phải toàn bộ tín dụng được đưa vào nền kinh tế thực, đó là một bài toán đáng lo của nền kinh tế hiện nay.

Tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào tăng tín dụng

Tại Data Talk tháng 12 với chủ đề “Theo dấu dòng tiền định chế tài chính: Top 10 cổ phiếu đáng quan tâm năm 2025” do VietnamBiz tổ chức, các chuyên gia kinh tế đã chia sẻ về những bài toán lớn của ngành ngân hàng trong năm 2025.

Chuyên gia kinh tế Lê Hoài Ân, Founder IFSS, đã chỉ ra vấn đề đáng lo hiện nay của ngành tài chính hiện nay là việc tăng trưởng còn phụ thuộc lớn vào tăng trưởng tín dụng trong khi một phần tăng trưởng lại không đi vào nền kinh tế thực.

Trong những năm gần đây, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam càng ngày càng tăng, hiện nay tỷ lệ này đã trên 130%. Trong khi GDP danh nghĩa (GDP công bố + lạm phát) tăng 10 - 11% nhưng tín dụng lại tăng đến 14 - 15%, điều này khiến cho tỷ lệ tín dụng/GDP liên tục tăng.

Nguồn: Tài liệu từ Chuyên gia Lê Hoài Ân.

Nguồn: Tài liệu từ Chuyên gia Lê Hoài Ân.

Ông Nguyễn Quang Dũng, Founder CKG, cho rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm nay là khá thách thức, tuy nhiên trên thực tế trong hai năm trở lại đây, cứ 1- 2 tháng cuối năm là tín dụng tăng 4 - 5%.

"Dưới góc độ người làm tài chính thì để nói là nền kinh tế có thể hấp thụ 4 - 5% chỉ trong một vài tháng cuối như vậy là điều không thể", ông Dũng nhận định.

Tuy nhiên theo ông Lê Hoài Ân, để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng của năm 2024 không phải là bài toán đáng lo, có nghĩa là trong năm nay mốc mục tiêu tăng trưởng 14 - 15% là có thể vẫn sẽ đạt được vào phút chót như những năm trước. Điều này đã được một đại diện của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chia sẻ trong các sự kiện gần đây.

Tuy nhiên, theo ông Lê Hoài Ân, bài toán đặt ra ở đây là mức chênh lệch (khoảng 4%) giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng GDP sẽ tiếp tục tăng qua các năm và đặt ra câu hỏi là bao giờ sẽ là mức giới hạn.

Ông lấy ví dụ một gia đình vay nhiều trong năm 2024 có thể mức tăng trưởng năm nay cao nhưng sẽ phải đối mặt với áp lực trả nợ lớn trong các năm tiếp theo, khiến chúng ta phải giảm tiêu dùng cho các kỳ sau. Nền kinh tế cũng vậy khi chấp nhận tăng trưởng cao hiện tại thì sẽ tạo các áp lực trong tương lai.

Bao nhiêu % tăng trưởng tín dụng đi vào nền kinh tế thật?

Theo ông Ân, về mặt lý thuyết tăng trưởng GDP danh nghĩa phải bằng tăng trưởng cung tiền, với nền kinh tế bình thường tăng trưởng cung tiền và tăng trưởng của nền kinh tế phải song song với nhau.

Như tại Trung Quốc với các năm trước dịch COVID-19, hai tỷ lệ tăng trưởng cung tiền và kinh tế của nước này tương đối khớp với nhau.

"Trong khi đó tại Việt Nam lại chênh một khoảng 4 - 5%, có nghĩa rằng có một lượng tín dụng bơm vào nền kinh tế nhưng lại không đi vào nền sản xuất thực, chính vì vậy nó không cấu thành vào công thức tính tăng trưởng GDP", ông cho hay.

Ông đưa ra ví dụ rằng một cá nhân vay ngân hàng 1,4 tỷ để mua nhà trị giá 2 tỷ, sau đó anh ta bán cho người khác với giá 3 tỷ, mức vay ngân hàng 2,1 tỷ. Như vậy tín dụng đã tăng thêm 700 triệu nhưng giá trị tăng của căn nhà không được tính vào GDP.

"Điều đó có nghĩa là vẫn tăng trưởng tín dụng, vẫn cấu thành nên tăng cung tiền nhưng lại không góp phần tăng trưởng GDP.", ông nhận định.

Theo ông, NHNN họ cũng nhận ra điều đó và cũng có những biện pháp điều tiết từng bước để giữ ổn định hệ thống, đó là điều quan trọng nhất.

H.T

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/tang-truong-tin-dung-cao-nhung-khong-di-het-vao-nen-kinh-te-thuc.html
Zalo