Tăng trưởng kinh tế năm 2025 tối thiểu 8%: Mục tiêu khó đã có giải pháp thực hiện
Năm 2025, nước ta đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế tối thiểu 8%. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, nhưng theo lãnh đạo các bộ, ngành, chỉ tiêu được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu rất kỹ lưỡng thực tiễn và khả năng thực hiện.
Tăng trưởng tối thiểu 8%
Tại Kỳ họp thứ tám, ngày 12-11-2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) năm 2025 (Nghị quyết số 158/2024/QH15), trong đó xác định chỉ tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2025 khoảng 6,5-7,0%, phấn đấu khoảng 7,0-7,5%.
Ngày 27-12-2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 140/CĐ-TTg về việc phấn đấu năm 2025 tăng trưởng kinh tế hai con số. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xây dựng kịch bản tăng trưởng để thực hiện, phấn đấu năm 2025 đạt tốc độ tăng trưởng tối thiểu 8%, trong điều kiện thuận lợi thì phấn đấu đạt tăng trưởng hai con số. Ngày 8-1-2025, tại Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12-2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, phấn đấu tăng trưởng ít nhất 8%.
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII diễn ra từ chiều 23 đến ngày 24-1, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất với đề án bổ sung mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên và tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030. Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, đây là mục tiêu phải phấn đấu thực hiện để nước ta thoát ra khỏi bẫy thu nhập trung bình, đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Ngày 5-2-2025, tại Phiên họp thường kỳ tháng 1-2025, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực, địa phương bảo đảm tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên (Nghị quyết số 25/NQ-CP). Trong đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương khẩn trương xây dựng kịch bản tăng trưởng và chủ động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo thẩm quyền, kiến nghị, đề xuất giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng hằng tháng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030.
Tại Phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Đề án bổ sung về phát triển KT-XH năm 2025. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trình Quốc hội xem xét, điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 dự kiến diễn ra từ ngày 12 đến 19-2 này.
Làm thế nào để đạt mục tiêu tăng trưởng tối thiểu 8%?
Tăng trưởng GDP năm 2025 tối thiểu phải đạt 8% là một nhiệm vụ rất nặng nề. Tuy nhiên, trao đổi với báo giới về vấn đề này, lãnh đạo các bộ, ngành đều khẳng định, mục tiêu tăng trưởng được đưa ra trên cơ sở nghiên cứu rất kỹ lưỡng cả về cơ sở thực tiễn và khả năng thực hiện, thuận lợi và khó khăn.
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Đức Tâm cho biết: "Năm 2025, các bộ, ngành, địa phương sẽ phải thực hiện giải ngân khoảng 295.000 tỷ đồng vốn đầu tư công theo kế hoạch, đồng thời thực hiện giải ngân đầu tư công số chuyển tiếp từ năm 2024 sang. Đây là con số rất lớn, nếu chúng ta giải ngân được hết số vốn này sẽ tạo động lực thu hút các thành phần kinh tế khác, làm vốn mồi để thu hút, thúc đẩy tăng trưởng”. Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm cũng nhắc tới giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước; đẩy mạnh khai thác lợi thế từ 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết, trong đó có thị trường hàng hóa Halal; tập trung thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; đẩy mạnh hoàn thiện kết cấu hạ tầng, trong đó có đường cao tốc, đường ven biển; xây dựng trung tâm tài chính ở TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng...
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết: "Bộ KH-ĐT đã chuẩn bị một dự thảo nghị quyết của Chính phủ nhằm triển khai thực hiện nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế. Nội dung chính của nghị quyết là cụ thể hóa nhiệm vụ tăng trưởng từ 8% trở lên, trong đó giao chỉ tiêu tăng trưởng cụ thể cho từng địa phương trên cả nước, đồng thời xác định một số chỉ tiêu chính dành cho các bộ, ngành ở Trung ương trên cơ sở phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính khả thi. Về quan điểm và tinh thần thực hiện, để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên, chúng ta cần có quyết tâm cao độ, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt”.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, về giải pháp từ phía cầu thì đẩy mạnh đầu tư là ưu tiên hàng đầu, trong đó có đầu tư công, đầu tư của doanh nghiệp nhà nước và đầu tư tư nhân. Doanh nghiệp nhà nước đầu đàn, doanh nghiệp dẫn dắt cần chủ động thực hiện những dự án có quy mô lớn, có sức lan tỏa mạnh mẽ. Còn về thu hút vốn đầu tư tư nhân, cần tiếp tục tháo gỡ vướng mắc về thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tháo gỡ vướng mắc, khơi thông các thị trường quan trọng trong nước, bao gồm thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán...
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Đào Minh Tú nhấn mạnh quan điểm, muốn có tăng trưởng thì phải có đầu tư, muốn đầu tư thì phải có vốn. Năm 2023, GDP tăng trưởng gần 7% thì tín dụng tăng trưởng 14,55%; năm 2024, GDP tăng trưởng 7,09% thì tín dụng tăng trưởng 15,08%. Như vậy, trung bình, tín dụng tăng trưởng hơn 2% sẽ giúp GDP tăng trưởng 1%. Do vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%, tăng trưởng tín dụng phải đạt khoảng 16%; tăng trưởng kinh tế 10% thì tăng trưởng tín dụng phải đạt mức 18-20%.
Để góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho rằng phải bảo đảm thanh khoản cho nền kinh tế, ngân hàng thương mại; đẩy mạnh huy động vốn, vốn nhàn rỗi bằng chính sách lãi suất hợp lý. Trường hợp cần thiết, NHNN Việt Nam sẽ sử dụng các công cụ điều hành về cung ứng vốn, tái cấp vốn hoặc các nghiệp vụ điều hành thị trường tiền tệ để bảo đảm vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư. NHNN Việt Nam cũng sẽ tiếp tục điều hành lãi suất ổn định; chỉ đạo ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất bằng cách tiết kiệm chi phí, ứng dụng công nghệ giảm chi phí để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. NHNN Việt Nam cũng đặt ra hạn mức tín dụng 16%, nhưng vẫn có thể nâng hạn mức tín dụng cao hơn nếu vẫn kiểm soát được lạm phát, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cho phép và đạt mục tiêu tăng trưởng.
Về chính sách điều hành tỷ giá, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết: "NHNN Việt Nam sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá nhằm hóa giải những tác động của thế giới để duy trì một thị trường ngoại tệ ổn định. Chúng tôi cũng sử dụng các biện pháp can thiệp khi cần thiết để bảo đảm được quan hệ ngoại tệ một cách tích cực và bảo đảm tỷ giá ở mức hợp lý, tránh tâm lý găm giữ cũng như đối phó”.
Như vậy, mục tiêu tăng trưởng tối thiểu 8% trong năm 2025 tuy là nhiệm vụ rất nặng nề, nhưng đã được các cơ quan hữu quan nghiên cứu rất kỹ lưỡng và chủ động xây dựng kịch bản, chuẩn bị những giải pháp cụ thể để thực hiện. Tin tưởng rằng, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, đề án bổ sung về phát triển KT-XH năm 2025 sẽ được Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng và thông qua trên cơ sở phân tích sâu sắc, toàn diện về điều kiện, khả năng, thuận lợi, thách thức, tính khả thi và giải pháp cụ thể để tạo đồng thuận, quyết tâm cao trong toàn hệ thống chính trị.
Đồng thời, sau khi được giao chỉ tiêu cụ thể, các bộ, ngành, địa phương sẽ tích cực thực hiện, trên tinh thần "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm" nhằm đạt mục tiêu chung, tạo tiền đề để nước ta đạt mức tăng trưởng cao hơn trong nhiệm kỳ tới, vượt bẫy thu nhập trung bình thành công và trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo mục tiêu mà Đảng ta đã đề ra.