Tăng trưởng kinh tế năm 2024 với 10 điểm vượt trội
Tăng trưởng kinh tế có tầm quan trọng hàng đầu, năm 2024 đã đạt được 10 điểm vượt trội.
Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế năm 2024 đạt tốc độ cao hơn mục tiêu đề ra (7,09% so với 6-6,5%). Cần nhớ rằng, với tốc độ tăng của 2 năm bị đại dịch (năm 2020 tăng 2,87%, năm 2021 tăng 2,55%), năm 2022 tăng cao (8,54%), năm 2023 tăng thấp (5,07%), nên mục tiêu năm 2024 được đề ra không chỉ là sự thận trọng, mà còn thể hiện quyết tâm tương đối cao.
Thứ hai, tăng trưởng kinh tế năm 2024 đạt tốc độ cao hơn năm trước và nhiều năm trước nữa.
Thứ ba, năm 2024 là năm thứ 43 tăng trưởng kinh tế đạt liên tục, thuộc Top đầu thế giới có số năm tăng liên tục; có chăng chỉ thua kỷ lục thế giới 46 năm hiện do Trung Quốc nắm giữ.
Thứ tư, năm 2024, tăng trưởng cao lên qua các quý (quý I tăng 5,98%, quý II tăng 7,25%, quý III tăng 7,43%, quý IV tăng 7,55%).
Thứ năm, tăng trưởng cao đạt được ở cả ba nhóm ngành. Nông, lâm nghiệp - thủy sản gặp nhiều thiên tai, với mức thiệt hại lớn nhất so với nhiều năm trước, nhưng tăng trưởng vẫn đạt 3,27%, cao hơn mức trung bình của nhiều năm trước. Công nghiệp - xây dựng - ngành kinh tế thực lớn nhất - tăng tốc với 8,24%, cao nhất từ năm 2020 đến nay, phục hồi tốc độ tăng những năm trước đại dịch. Nhóm ngành dịch vụ tăng 7,38%, cao hơn năm trước (6,91%,) và cao hơn tốc độ tăng chung của toàn bộ nền kinh tế.
Thứ sáu, với tốc độ tăng khác nhau và có tốc độ tăng giá sản xuất khác nhau, nên cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng GDP của nông, lâm nghiệp - thủy sản tiếp tục ở mức 11,86%, thấp nhất từ trước đến nay. Tỷ trọng của công nghiệp - xây dựng đạt cao hơn năm trước (37,64% so với 37,58%), trong đó của công nghiệp chế biến, chế tạo - tiêu chí của nước công nghiệp - đạt 24,43%, cao nhất từ trước đến nay. Tỷ trọng của dịch vụ đạt 42,36%, cao hơn năm trước và cao nhất trong ba nhóm ngành.
Thứ bảy, nhờ đạt được tốc độ tăng cao, mà tổng quy mô GDP của Việt Nam tính bằng USD theo tỷ giá VND/USD cán mốc 476,3 tỷ USD, có thứ bậc cao hơn và có sức hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư, thương mại thế giới. Cũng nhờ tổng GDP cao lên và dân số trung bình tăng chậm lại, nên GDP bình quân đầu người năm 2024 ước đạt 4.700 USD, cao nhất từ trước đến nay.
Thứ tám, tăng trưởng cao về số lượng (tốc độ) thường kéo theo đầu tư, tăng số lượng lao động đang làm việc - những yếu tố có giới hạn về nguồn và thường gây ra những hiệu ứng phụ. Nhưng lạm phát năm 2024 cũng thấp hơn mục tiêu (3,63% so với 4,5%). Đó là kết quả “kép”.
Thứ chín, cùng với sự tăng lên về tốc độ (số lượng) là sự cải thiện về chất lượng. Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP năm 2024 đạt 32,07%, thấp hơn so với các tỷ lệ 33,5- 34% của các năm trước. Tuy vậy, hiệu quả đầu tư, biểu hiện bằng hệ số ICOR (có nghĩa là để GDP tăng 1 đồng thì phải đầu tư mấy đồng vốn đầu tư) năm 2024 đã tăng lên, khi ICOR giảm từ 14,27 lần năm 2020 và 15,57 lần năm 2021, còn 5,07 lần năm 2022, nhưng lại tăng lên 7,89 lần năm 2023, năm 2024 ước giảm còn dưới 5,5 lần.
Mô hình tăng trưởng đã chuyển dần từ chủ yếu dựa vào vốn đầu tư, số lao động tăng thêm, sang hiệu quả vốn, năng suất lao động, khoa học - công nghệ.
Năng suất lao động - yếu tố có tầm quan trọng hàng đầu của tăng trưởng kinh tế, năm 2024 đã có sự cải thiện về 2 mặt. Một mặt, mức năng suất lao động tính bằng USD đã tăng lên, từ 4.505 USD năm 2015 lên 9.182 USD năm 2024 - mức cao nhất từ trước đến nay. Mặt khác, tốc độ tăng năng suất lao động năm 2024 ước đạt trên 5,88% - là tốc độ tăng khá cao so với năm trước (5,05%).
Về tỷ trọng đóng góp vào tốc độ tăng GDP, nếu cách đây vài thập kỷ, tỷ trọng đóng góp của tăng vốn lên đến trên 50%, của tăng số lao động làm việc đến trên 20%, còn của Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) chỉ đạt dưới 30%, thì nay tỷ trọng đóng góp của tăng vốn chỉ khoảng 30%, của tăng số lao động khoảng 20%, còn của TFP đạt gần 50%.
Theo đó, mô hình tăng trưởng đã chuyển dần từ chủ yếu dựa vào vốn đầu tư, vào số lao động tăng thêm, sang chủ yếu dựa vào hiệu quả vốn, năng suất lao động, khoa học - công nghệ; tới đây còn có thêm kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh..., đặc biệt là thể chế, thì chất lượng tăng trưởng còn được cải thiện hơn nữa.
Thứ mười, tăng trưởng của năm 2024, cộng với định hướng tư tưởng chỉ đạo về kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, sẽ tạo tiền đề để tăng trưởng kinh tế tới đây sẽ cao hơn, nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2030 - kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng, đến năm 1945 - kỷ niệm 100 năm sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.