Tăng trưởng kinh tế đạt mức cao nhất gần hai thập kỷ
Theo báo cáo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2025, diễn ra chiều 3/7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, tăng trưởng GDP quý II ước đạt 7,67% so với cùng kỳ năm trước, đưa mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm lên khoảng 7,31%. Trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 3,85%; công nghiệp và xây dựng tăng 8,18%; khu vực dịch vụ tăng 7,83%. Thậm chí, theo các ước tính mới nhất đến hết tháng 6, tốc độ tăng trưởng 6 tháng có thể cao hơn từ 0,2–0,3 điểm phần trăm so với dự báo ban đầu.
Đây là mức tăng trưởng nửa đầu năm cao nhất trong gần 20 năm qua. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhận định, các chỉ tiêu kinh tế, sản xuất - kinh doanh, thu - chi ngân sách nhà nước đều cho thấy xu hướng cải thiện tích cực qua từng quý. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm.
Phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, tăng trưởng “ngược chiều” thế giới
Trong bối cảnh tình hình thế giới biến động khó lường, nhiều nền kinh tế lớn tăng trưởng chậm lại, Việt Nam vẫn giữ được đà phục hồi mạnh mẽ.
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, toàn hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, chủ động ứng phó với khó khăn, thử thách, triển khai hiệu quả nhiều nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Nhờ đó, nhiều kết quả tích cực đã được ghi nhận trên các lĩnh vực then chốt như thu ngân sách, xuất khẩu, đầu tư, phát triển doanh nghiệp…

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, tốc độ tăng trưởng 6 tháng có thể cao hơn từ 0,2–0,3 điểm phần trăm so với dự báo ban đầu. Đây là mức tăng trưởng nửa đầu năm cao nhất trong gần 20 năm qua. Ảnh: BCP
Đặc biệt, quá trình cải cách thể chế, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, thực hiện ba đột phá chiến lược và hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh. Ngày 2/7, Việt Nam và Hoa Kỳ đã thống nhất Tuyên bố chung về khuôn khổ Hiệp định thương mại đối ứng, công bằng và cân bằng. Ngay sau đó, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nhằm củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mũi nhọn, như khoa học và công nghệ cao.
Nhiều điểm sáng nổi bật trong từng lĩnh vực
Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò động lực khi tăng trưởng quý II đạt 10,65%, đưa mức tăng 6 tháng lên 10% - thuộc nhóm mức tăng cao nhất kể từ năm 2011. Xuất khẩu hàng hóa 6 tháng tăng 14,4%, cán cân thương mại xuất siêu ước đạt 7,63 tỷ USD.
Cần sát sao, quyết liệt hơn nữa để hoàn thành các nhiệm vụ
Theo Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm, trong bối cảnh khó khăn nối tiếp khó khăn, thách thức nối tiếp thách thức, chúng ta đã rất nỗ lực, quyết tâm, kiên định với mục tiêu, bản lĩnh trong triển khai công việc, ứng phó kịp thời, hiệu quả với tình hình, nhờ đó đạt được những kết quả phát triển KTXH khá toàn diện; kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng cao. Tuy vậy, thời gian tới dự báo nền kinh tế sẽ phải tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức hơn; yêu cầu các cấp, ngành, địa phương phải chủ động, quyết liệt, sát sao hơn nữa để hoàn thành các nhiệm vụ đề ra.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý II tăng 9%, lũy kế 6 tháng tăng 9,3%. Du lịch phục hồi mạnh mẽ với gần 10,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng 20,7%.
Vốn đầu tư toàn xã hội quý II tăng 10,5%, cả 6 tháng tăng 9,8%. Đặc biệt, vốn FDI đăng ký đạt trên 21,5 tỷ USD – cao nhất kể từ năm 2009, tăng 32,6%; vốn FDI thực hiện đạt hơn 11,7 tỷ USD, tăng 8,1%.
Thị trường doanh nghiệp sôi động trở lại. Trong 6 tháng, có 152.700 doanh nghiệp thành lập mới hoặc quay trở lại hoạt động, cao hơn 20% so với số rút lui khỏi thị trường. Riêng tháng 6, có gần 24.400 doanh nghiệp đăng ký mới – mức cao nhất từ trước đến nay, với tổng vốn đăng ký gần 177.000 tỷ đồng. Số doanh nghiệp quay trở lại đạt 14.400, tăng 91%, trong khi số hộ kinh doanh thành lập mới đạt trên 124.000 hộ, tăng hơn 118%. Tổng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế 6 tháng đạt gần 2,8 triệu tỷ đồng, tăng gần 90%.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, mục tiêu tăng trưởng năm 2025 vẫn còn nhiều thách thức. Ảnh: BCP
Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, quốc phòng – an ninh, đối ngoại tiếp tục được quan tâm và đạt nhiều kết quả thiết thực. Đặc biệt, công cuộc sắp xếp đơn vị hành chính và vận hành chính quyền địa phương hai cấp đã cơ bản hoàn tất. Ngày 30/6, toàn bộ 34 địa phương đã tổ chức Lễ công bố các quyết định, nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính và nhân sự lãnh đạo cấp tỉnh, sẵn sàng đưa bộ máy mới vào vận hành từ ngày 1/7.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá đây là thời điểm đánh dấu bước chuyển quan trọng của bộ máy hành chính, góp phần hoàn thiện tổ chức hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu quả, nâng cao niềm tin và kỳ vọng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, tạo động lực mới cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
Chủ động ứng phó thách thức, giữ vững mục tiêu năm 2025
Dù đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng Bộ Tài chính cũng cảnh báo nền kinh tế sẽ tiếp tục đối diện với không ít thách thức trong thời gian tới. Trong đó, mục tiêu tăng trưởng cả năm 2025 vẫn chịu áp lực lớn do môi trường quốc tế khó đoán định; điều hành tỷ giá, lãi suất cần linh hoạt và thận trọng hơn; cải cách thể chế, pháp luật vẫn còn chậm so với yêu cầu; đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn…
Để giữ vững đà tăng trưởng và thực hiện thành công các mục tiêu cả năm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện ngay một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong tháng 7 và quý III.
Cụ thể là khẩn trương hoàn thiện thể chế, trình Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật và nghị quyết mới được Quốc hội thông qua. Giám sát chặt chẽ việc vận hành chính quyền hai cấp, kịp thời tháo gỡ vướng mắc về phân cấp, phân quyền, đảm bảo đồng bộ trong thực hiện thủ tục hành chính, giải quyết công việc. Đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển thương mại hài hòa, bền vững. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện pháp luật, thể chế.
Thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phát huy cả động lực truyền thống (đầu tư, tiêu dùng trong nước) và động lực tăng trưởng mới. Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá linh hoạt; Bộ Tài chính tập trung quản lý thu hiệu quả, đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành thuế, hải quan; phấn đấu thu ngân sách năm 2025 tăng 15% so với dự toán; tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên để dành nguồn đầu tư xây dựng trường học vùng khó khăn.
Một nhiệm vụ rất quan trọng nữa đó là các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi sát diễn biến giá cả, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục quan tâm phát triển văn hóa, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, đảm bảo quốc phòng - an ninh, và triển khai hiệu quả các chương trình hội nhập quốc tế.
Mục tiêu tăng trưởng năm 2025 còn nhiều thách thức
Mặc dù đã có nhiều điểm sáng trong từng lĩnh vực trong 6 tháng đầu năm, nhưng theo Bộ Tài chính, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 8% trở lên, thì 6 tháng cuối năm cần tăng 8,6% so với cùng kỳ. Trong khi đó, xuất khẩu dự báo đối mặt với nhiều rủi ro do tăng trưởng sức mua tại các thị trường chậm lại, nhất là các thị trường chủ yếu…
Tiêu dùng 6 tháng tuy tăng trưởng tích cực nhưng chưa có đột phá, vẫn thấp hơn mục tiêu của cả năm (12%) chưa trở thành động lực quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Kết quả chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có nhiều chuyển biến nhưng còn diễn biến phức tạp.
Đầu tư tư nhân tuy đã dần phục hồi nhưng chưa vững chắc; việc xử lý vướng mắc của các dự án đạt kết quả bước đầu, nhưng bên cạnh hàng nghìn dự án các địa phương đang chủ động xử lý thì qua rà soát vẫn còn 2.365 dự án tồn đọng với tổng giá trị đầu tư khoảng 235 tỷ USD.
Các động lực tăng trưởng mới như khoa học công nghệ, chuyển đổi số, trung tâm tài chính, khu thương mại tự do… đang ở giai đoạn đầu, cần thời gian tạo chuyển biến và đạt kết quả. Dòng vốn FDI mặc dù rất tích cực, nhưng chậm thu hút những nhà đầu tư chiến lược với dự án lớn, công nghệ cao, có khả năng dẫn dắt chuỗi giá trị, tạo dựng hệ sinh thái.
Ngoài ra, việc hoàn thiện thể chế, pháp luật đã được quan tâm chỉ đạo, nhưng vẫn còn vướng mắc, chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Còn tình trạng “xin-cho”, gây khó khăn, tăng chi phí cho người dân, doanh nghiệp.