Tăng trưởng GRDP của Khánh Hòa: Dẫn đầu vùng duyên hải miền Trung
Sau đại dịch Covid-19, kinh tế Khánh Hòa tăng trưởng âm 10,5%. Trong năm 2022 và 2023, tỉnh đã có sự phát triển đột phá, luôn nằm trong tốp các địa phương có tổng sản phẩm xã hội (GRDP) cao của cả nước. Theo dự báo mới đây của Tổng cục Thống kê, năm 2023, Khánh Hòa đạt mức tăng trưởng khoảng 10,35%, đứng thứ 4 cả nước và đứng thứ nhất vùng duyên hải miền Trung.
2 năm liên tiếp nằm trong tốp đầu cả nước
Năm 2020, lần đầu tiên, kinh tế Khánh Hòa có mức tăng trưởng GRDP âm 10,5%, ngân sách hụt thu đến 30%. Tuy nhiên, với những giải pháp linh hoạt, chủ động, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, kinh tế của tỉnh năm 2022 đã phục hồi ấn tượng, dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng trong cả nước.
Năm 2023, được sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Tỉnh ủy; sự điều hành quyết liệt, hiệu quả của UBND tỉnh và chính quyền các cấp; sự đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, toàn tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, KT-XH của tỉnh vẫn tiếp tục phát triển, duy trì tốc độ tăng trưởng. Tổng cục Thống kê dự báo, GRDP năm 2023 của tỉnh ước tăng 10,35%, đứng thứ 4 cả nước. Tỉnh có 20/22 chỉ tiêu KT-XH, môi trường đạt và vượt kế hoạch đề ra (gồm: 5/5 chỉ tiêu kinh tế, 11/12 chỉ tiêu xã hội, 4/5 chỉ tiêu môi trường). Trong đó, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 18.230 tỷ đồng, vượt 18% so với kế hoạch, tăng 10,5% so với năm 2022; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 71.300 tỷ đồng, tăng 7,6% so với năm 2022. Tỉnh thu hút được 17 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 100 nghìn tỷ đồng.
Cùng với đó, tỉnh đã tổ chức thành công diễn tập khu vực phòng thủ kết hợp phòng thủ dân sự tỉnh năm 2023 và nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, văn nghệ có quy mô lớn, thu hút đông đảo du khách đến với Khánh Hòa. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, an sinh xã hội, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm; tỷ lệ hộ nghèo còn 2,16%, mức giảm đạt 1,03%, vượt so với kế hoạch đề ra (mức giảm đề ra năm 2023 là 0,56%). Công tác nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội có nhiều tiến bộ. Tỉnh đã kịp thời chỉ đạo, định hướng dư luận xã hội, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định, quốc phòng được giữ vững.
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, để có được những kết quả tích cực trong phát triển KT-XH, ngay từ đầu năm, tỉnh đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH. Trong đó, tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR-Index), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS).
Đặc biệt, tỉnh đã tích cực hỗ trợ, chỉ đạo quyết liệt triển khai các dự án đầu tư có quy mô lớn liên quan đến sản xuất, kinh doanh, hạ tầng kỹ thuật. Việc hoàn thành đưa vào sử dụng các dự án này đã đóng góp quan trọng để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2023 (như: Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, một số cụm công nghiệp, đường bộ cao tốc và hệ thống đường tỉnh... được chuẩn bị, khởi công từ năm 2017 đến nay đã hoàn thành, đưa vào khai thác).
Ngoài ra, tỉnh còn tập trung đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thực hiện hoàn thành các dự án đầu tư trọng điểm, liên kết vùng nhằm tạo nền tảng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong năm 2023 và trong các năm tiếp theo. “Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh luôn nắm chắc tình hình, nâng cao năng lực phân tích, dự báo; chủ động thích ứng; đoàn kết, thống nhất, lấy khó khăn, thách thức làm động lực vượt qua khó khăn; phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý các sai phạm; kiên quyết đấu tranh với tiêu cực, tham nhũng, lãng phí” - đồng chí Nguyễn Tấn Tuân cho hay.
Giữ vững đà tăng trưởng
Năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn sẽ ảnh hưởng đến tình hình phát triển KT-XH của tỉnh. Do đó, đòi hỏi các cấp, ngành phải tiếp tục đổi mới tư duy, năng động, sáng tạo, quyết liệt trong hành động, chủ động xây dựng các phương án, kịch bản phù hợp, bảo đảm thực tế, khả thi, có tính đột phá, tạo động lực phát triển KT-XH nhanh, bền vững, quyết tâm hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.
Theo ông Nguyễn Tấn Tuân, năm 2024, tỉnh tiếp tục phấn đấu duy trì đà phục hồi và tăng trưởng kinh tế, giữ vững kết quả đạt được trong năm 2023. Trong năm 2024, UBND tỉnh sẽ bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm theo Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII; tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực hơn trong việc cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh; thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Trong năm, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển KT-XH, nhất là các dự án trọng điểm trong và ngoài ngân sách. Cùng với đó, chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế; bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
ĐÌNH LÂM