Tăng trưởng GDP năm 2025 có thể đạt 7,2% nhờ 'cỗ xe tam mã'

Chứng khoán Tiên Phong (TPS) trong báo cáo vĩ mô mới nhất dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025 trong khoảng 6,7% - 7,2% nhờ lực kéo từ 'cỗ xe tam mã' đầu tư công - FDI - tiêu dùng. Dù vậy, các chuyên gia lưu ý về áp lực chính sách tiền tệ trong nửa đầu năm do 'ẩn số đồng bạc xanh'.

Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá năm tới đây, Việt Nam sẽ tiếp tục là ngôi sao tăng trưởng trong khu vực nhờ các yếu tố như hoạt động thương mại mạnh hơn dự kiến, sản xuất chế biến chế tạo phục hồi mạnh mẽ và chính sách tài khóa mở rộng... Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025 sẽ đạt 6,1%, vượt qua một số quốc gia trong khu vực như Indonesia (dự báo 5,1%) và Thái Lan (dự báo 3,0%). Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) gần đây cũng đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2025 lên 6,5% so với mức 6,2% trong báo cáo trước đó.

Trong một góc nhìn lạc quan hơn, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) trong báo cáo vĩ mô mới nhất dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025 trong khoảng 6,7% - 7,2% nhờ lực kéo từ ‘cỗ xe tam mã’ đầu tư công - FDI - tiêu dùng. Dù vậy, các chuyên gia lưu ý về áp lực chính sách tiền tệ trong nửa đầu năm do ‘ẩn số đồng bạc xanh’.

‘Cỗ xe tam mã’ thúc đẩy tăng trưởng GDP

Năm 2025 là năm cuối của kế hoạch đầu tư giai đoạn 2021- 2025. Trong khi đó, tăng trưởng GDP các năm 2021 và 2023 khá thấp, lần lượt là 2,58% và 5,05%. Vì vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% -7,0% trong giai đoạn 2021 -2025, dự kiến các nhà điều hành sẽ đưa ra nhiều chính sách thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2025. Trong đó, đầu tư công được kỳ vọng sẽ tăng tốc nhờ lạm phát hạ nhiệt và tỷ giá ổn định hơn vào giai đoạn cuối năm 2025.

Nhìn lại năm 2024, tiến độ giải ngân đầu tư công được đánh giá khá chậm do tác động không tích cực của lạm phát và tỷ giá. Tính đến cuối tháng 11/2024, giải ngân vốn đầu tư công mới chỉ đạt 73,5% kế hoạch. TPS dự báo hết năm nay, giải ngân vốn đầu tư công đạt khoảng 85% - 95% kế hoạch.

Bước sang 2025, kế hoạch vốn đầu tư công được Chính phủ dự kiến ở mức 791 nghìn tỷ đồng, tăng 12,4% so với nguồn vốn kế hoạch đầu tư công năm 2024. Nhìn chung, các chuyên gia cho rằng dư địa để thúc đẩy đầu tư công trong 2025 còn nhiều, với những dự án tầm cỡ như sân bay quốc tế Long Thành, Đường vành đai 4 Hà Nội…

 Ảnh: TPS

Ảnh: TPS

Bên cạnh ‘lực đẩy’ từ đầu tư công, dòng vốn FDI tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam cũng sẽ là một động lực khác cho tăng trưởng. Năm 2025, dự báo triển vọng dòng vốn FDI vào nước ta sẽ tiếp tục tích cực khi chiến lược “Trung Quốc +1” của các công ty đa quốc gia dự báo sẽ diễn ra mạnh mẽ và sâu sắc hơn, đặc biệt là dòng vốn chảy vào lĩnh vực sản xuất và công nghệ có giá trị cao.

“Căn cứ vào các biên bản ghi nhớ (MOU) đã ký kết và những thông tin về kế hoạch rót vốn của tập đoàn Hyosung trong thời gian vừa qua, chúng tôi cho rằng dòng vốn FDI tiếp tục đổ mạnh vào Việt Nam trong năm tới, đặc biệt là khi tổng thống Trump bắt đầu nhiệm kỳ mới vào năm tới”, báo cáo của TPS nhấn mạnh.

Nhóm phân tích dự báo FDI đăng ký và giải ngân 2025 lần lượt đạt 41,5 tỷ USD và 30 tỷ USD. Vốn FDI năm tới dự kiến đổ nhiều vào các lĩnh vực như công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, logistics, dược phẩm…

 Ảnh: TPS

Ảnh: TPS

Tiêu dùng nội địa cũng được dự báo sẽ khởi sắc, tiếp thêm sức mạnh cho đà tăng trưởng sau năm 2024 phục hồi không như kỳ vọng. Theo đánh giá của TPS, một số yếu tố sẽ thúc đẩy sự phục hồi mạnh mẽ hơn của tiêu dùng như (1) Tăng trưởng toàn cầu được kỳ vọng tiếp tục phục hồi nhờ tiến trình cắt giảm lãi suất được tiếp tục, các xung đột địa chính trị được giải quyết ổn thỏa và thiên tai giảm bớt; (2) Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tiếp tục ghi nhận những thành tích cao, tăng niềm tin của người tiêu dùng; (3) Để thúc đẩy tăng trưởng, các nhà điều hành sẽ thúc đẩy đầu tư, tăng đầu tư công, kích cầu đầu tư; (4) Nền kinh tế Mỹ phục hồi được thúc đẩy bởi sự thay đổi về các chính sách tài khóa và thương mại, xuất khẩu của Việt Nam cũng tích cực hơn, thu nhập của người tiêu dùng nội địa cũng tăng lên và (5) Tiến trình đô thị hóa của Việt Nam được kỳ vọng diễn ra nhanh hơn khi dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào nhiều địa phương vùng ven ở Việt Nam.

“Hơn 60% GDP của Việt Nam có nguồn gốc từ chi tiêu của người tiêu dùng, nhấn mạnh vai trò quan trọng của thị trường trong nước trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế”, báo cáo của TPS đánh giá.

 Ảnh: TPS

Ảnh: TPS

Một điểm đáng chú ý khác, các chuyên gia TPS nhận định năm 2025 sẽ là năm Việt Nam hưởng lợi từ chính sách thuế quan của Mỹ khi Tân Tổng thống Donald Trump chính thức bước vào Nhà Trắng. Cụ thể, việc Mỹ có thể tăng cường đánh thuế đối với các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, Canada, Mexico…được cho rằng sẽ mang lại tiềm năng cho hàng hóa của Việt Nam nhờ lợi thế cạnh tranh về giá cả.

Những năm gần đây, Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong những năm gần đây, chiếm gần 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm của nước ta. Đồng thời, thặng dư thương mại của Việt Nam đối với Mỹ ngày càng tăng lên, đạt 95,4 tỷ USD trong 11 tháng năm 2024. “Để tránh rủi ro từ chính sách mới của tân tổng thống Mỹ, Việt Nam có thể tăng cường nhập khẩu các sản phẩm khác như khí, các sản phẩm chăn nuôi… từ Mỹ để giảm bớt thặng dư thương mại”, các chuyên gia khuyến cáo thêm.

Áp lực chính sách tiền tệ khá lớn trong nửa đầu 2025

Sức mạnh đồng USD đang được xem là “ẩn số quan trọng” trong năm 2025, do chịu nhiều tác động và cũng có tác động rất lớn tới chính sách tiền tệ của Fed cũng như hầu hết các quốc gia trên toàn cầu, bao gồm Việt Nam. Sức mạnh đồng USD ở năm 2025 được kỳ vọng sẽ phụ thuộc nhiều vào yếu tố như các chính sách của tân Tổng thống Trump, tăng trưởng kinh tế và việc làm của Mỹ, tăng trưởng của các nền kinh tế lớn khác Mỹ, xung đột địa chính trị và chính sách cắt giảm lãi suất của Fed…

Những năm gần đây, Việt Nam ưu tiên thực hiện các chính sách thu hút dòng vốn FDI và xuất khẩu. Do đó, điều hành tỷ giá ổn định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của NHNN.

Trong báo cáo mới cập nhật, TPS dự báo tỷ giá VND khá áp lực trong nửa đầu năm 2025 do những thay đổi của chính sách Mỹ khi ông Trump chính thức nhậm chức có nguy cơ làm cho lạm phát của Mỹ tiếp tục dai dẳng, thậm chí tăng trở lại. Tuy nhiên, việc giải quyết xung đột địa chính trị, thiên tai giảm bớt cũng góp phần quan trọng vào ổn định giá cả hàng hóa, đặc biệt là dầu và vàng, giúp giảm bớt nguy cơ lạm phát tăng.

TPS kỳ vọng trong 2025, Fed vẫn tiếp tục tiến trình cắt giảm lãi suất do mặt bằng lạm phát chưa về mức mục tiêu, nhưng tốc độ có thể chậm lại so với kỳ vọng vì lạm phát đã ngang bằng với mức trước dịch.

 Ảnh: TPS

Ảnh: TPS

“Nửa đầu năm 2025, áp lực để thay đổi chính sách tiền tệ là khá lớn do sự thay đổi chính sách của Mỹ ảnh hưởng tới sức mạnh đồng USD. Về nửa cuối năm 2025, tỷ giá được kỳ vọng ổn định hơn, chính sách tiền tệ đỡ bị áp lực hơn khi chính sách của Mỹ rõ nét hơn và Fed tiếp tục cắt giảm lãi suất”, các chuyên gia TPS nhận định.

Theo đó, TPS dự báo tỷ giá tại các NHTM tại thời điểm kết thúc năm 2025 (31/12/2025) là 26.073 đồng.

Diên Vỹ

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/tang-truong-gdp-nam-2025-co-the-dat-72-nho-co-xe-tam-ma.html
Zalo