Tăng trưởng của Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm cao nhất thế giới
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, tăng trưởng GDP quý I ước đạt 6,93% so với cùng kỳ, là mức tăng trưởng quý I cao nhất kể từ năm 2020. Với kết quả này, Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới.
Sáng 6/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, thảo luận về nhiều nội dung quan trọng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương. Ảnh: VGP
Mục tiêu tăng trưởng năm 2025 gặp thách thức nặng nề
Phát biểu tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, tăng trưởng GDP quý I ước đạt 6,93% so với cùng kỳ, cao hơn kịch bản tại Hội nghị Trung ương 10 (6,2-6,6%) và là mức tăng trưởng quý I cao nhất từ năm 2020. Kết quả tích cực này giúp Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất thế giới, khu vực.
Trong mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, khu vực nông, lâm, thủy sản quý I tăng 3,74% so với cùng kỳ, công nghiệp và xây dựng tăng 7,42%, dịch vụ tăng 7,67%.
Thu ngân sách nhà nước đạt 36,7% dự toán, tăng 29,3% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa ước đạt 38,7% dự toán, tăng 34,5%, bảo đảm nguồn lực cho đầu tư phát triển và triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Cùng với đó, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I tăng 3,22% so với cùng kỳ. Tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt, phù hợp, mặt bằng lãi suất cho vay mới có xu hướng giảm. Hoạt động sản xuất, kinh doanh duy trì đà tăng trưởng tích cực.
Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu quý I lần lượt tăng 13,7%, 10,6% và 17% so với cùng kỳ; xuất siêu ước đạt 3,16 tỷ USD. Tổng vốn FDI đăng ký gần 11 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ; vốn thực hiện đạt gần 5 tỷ USD, tăng 7,2%. Các cân đối lớn, an ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm; bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia được kiểm soát tốt.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã quyết liệt tập trung hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xử lý tồn đọng, vướng mắc; đẩy mạnh các dự án hạ tầng trọng điểm; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới...

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng báo cáo tại phiên họp. Ảnh: VGP
Tổ chức bộ máy của Chính phủ, các bộ, cơ quan đã được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, bảo đảm hoạt động liên tục, ổn định, hiệu quả, làm cơ sở để tiếp tục nghiên cứu, thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ Tài chính dự báo nền kinh tế sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn; các động lực tăng trưởng bị ảnh hưởng nặng nề, ổn định kinh tế vĩ mô gặp nhiều rủi ro gia tăng, công tác an sinh xã hội có thể đối mặt với nhiều thách thức.
Mục tiêu tăng trưởng năm 2025 sẽ gặp thách thức nặng nề hơn nếu bị áp mức thuế 46% trên diện rộng. Việc này sẽ khiến xuất khẩu sang Mỹ sẽ bị tác động mạnh, lây lan ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo, doanh nghiệp, thu hút FDI, đầu tư tư nhân, tiêu dùng, việc làm trong nước…
Cùng với đó, việc hoàn thiện thể chế, pháp luật mặc dù đã được quan tâm, chỉ đạo, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc. Đời sống của một bộ phận người dân, người lao động dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn do hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu của doanh nghiệp có khả năng bị ảnh hưởng, thu hẹp.
"Đây là sức ép rất lớn trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội để đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra, yêu cầu sự chủ động, quyết liệt, sát sao, đổi mới hơn nữa của các cấp, ngành, địa phương", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu rõ.
9 tháng cuối năm cần tăng trưởng 8,3%
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, đầu tư công còn nhiều dư địa để thúc đẩy, với tổng số vốn đầu tư công được Quốc hội giao thực hiện năm 2025 là gần 826.000 tỷ đồng. Khu vực dịch vụ, du lịch duy trì đà tăng trưởng tích cực trong quý I, còn nhiều tiềm năng để thúc đẩy.
Trên cơ sở kết quả quý I, dự báo cả năm, Bộ Tài chính dự kiến để đạt mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên thì GDP 9 tháng cuối năm cần tăng khoảng 8,3%. Trong đó, tăng trưởng quý II là 8,2%, quý III và quý IV lần lượt là 8,3% và 8,4%, cao hơn khoảng 0,2% so với kịch bản đề ra.
Tính riêng quý II, công nghiệp chế biến, chế tạo cần tăng 10,1% so với cùng kỳ, tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng; sản xuất điện, khí đốt cần tăng 11,5%, ngành khai khoáng cần phục hồi để đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng.
Trước tình hình này, Bộ Tài chính đã tham mưu, đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung trong thời gian tới.
Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên trước mắt là tăng cường đối thoại, thúc đẩy đàm phán song phương với Mỹ để thỏa thuận mức áp thuế đối ứng hợp lý, phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội để chuẩn bị tốt các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, nhất là 17 luật, nghị quyết dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp.
Bộ Nội vụ, các bộ, cơ quan và địa phương thực hiện quyết liệt, hiệu quả việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương, đảm bảo không để gián đoạn công việc, ảnh hưởng đến người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Các bộ, cơ quan ngang bộ cần chủ động rà soát, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ đồng bộ với thời điểm có hiệu lực của Hiến pháp năm 2013 sửa đổi (dự kiến ngày 1/7/2025), bảo đảm chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động thông suốt, liên tục, không tạo khoảng trống pháp lý, Bộ Tài chính đề nghị.